Kết nối tiêu thụ nông sản vùng Tây Bắc

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh Tây Bắc, ngày 4-10, Đoàn công tác TPHCM do đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình.
Kết nối tiêu thụ nông sản vùng Tây Bắc

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh Tây Bắc, ngày 4-10, Đoàn công tác TPHCM do đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình.

Tham gia đoàn công tác còn có các đồng chí: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân.

Trong không khí cởi mở, chân tình, thắm tình đoàn kết, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cùng Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đón đoàn và bày tỏ niềm tin sâu sắc quan hệ kết nghĩa giữa 2 tỉnh Hòa Bình và TPHCM hơn nửa thế kỷ qua sẽ tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang cùng các đại biểu thăm vùng trồng cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thông báo với đoàn công tác, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình cho biết, đối với các di tích lịch sử cách mạng của đồng bào miền Nam tại tỉnh Hòa Bình, Tỉnh ủy Hòa Bình đã quan tâm, đầu tư, khôi phục. Cụ thể, tỉnh Hòa Bình xây dựng bia lưu niệm của học sinh, cán bộ là con em miền Nam nơi trường cán bộ, học sinh miền Nam tập kết tại thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tỉnh Hòa Bình cũng sẽ xây dựng điểm di tích lịch sử nơi Bác Hồ về thăm chiến sĩ khám Chí Hòa tại huyện Lương Sơn. Đồng chí Trần Đăng Ninh đề nghị TPHCM quan tâm, phối hợp giúp đỡ, cung cấp các tư liệu lịch sử liên quan để việc khôi phục hai di tích lịch sử này thực sự có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ mai sau hiểu về truyền thống gắn bó keo sơn giữa 2 tỉnh, thành phố.

Nhân buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình Trần Đăng Ninh giới thiệu các thế mạnh, tiềm năng và cơ hội đầu tư tại tỉnh Hòa Bình. Theo ông Trần Đăng Ninh, Hòa Bình có tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản. Hòa Bình có tiềm năng rất lớn phát triển trồng trái cây có múi (cam, bưởi, chanh), mía, vải, nhãn. Về công nghiệp, tài nguyên của tỉnh Hòa Bình là nguồn nước khoáng nóng; thế mạnh về khoáng sản là đá vôi, sét cao lanh có trữ lượng lớn, chất lượng tốt, thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là sản xuất xi măng. Hòa Bình cũng là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, được mệnh danh là “Hạ Long trên núi” với hồ sông Đà dài 70km và thế mạnh du lịch nhân văn - bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Lê Thanh Hải đánh giá cao và trân trọng chúc mừng sự phát triển bền vững mà Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phấn đấu và đạt được.

Phát huy dấu son 56 năm kết nghĩa, thay mặt Thường trực Thành ủy TPHCM, đồng chí Tất Thành Cang, trân trọng mời lãnh đạo tỉnh Hòa Bình vào thăm TPHCM, xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai chương trình ký kết hợp tác TPHCM - Hòa Bình trong giai đoạn sắp tới. Với hai công trình di tích lịch sử cách mạng, Thành ủy TPHCM đồng thuận với Tỉnh ủy Hòa Bình và sẽ bàn bạc cụ thể việc thực hiện. Riêng hợp tác trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản và du lịch, ngay sau chuyến công tác này, các đơn vị của TPHCM, cụ thể là Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM làm đầu mối và các doanh nghiệp sẽ triển khai ngay. Từ ngày 3-10, cam mang thương hiệu Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã xuất hiện trong hệ thống siêu thị Co.opMart của Saigon Co.op.

Trước đó, ngày 3-10, Đoàn công tác TPHCM đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Sơn La. Đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cùng Thường trực Tỉnh ủy Sơn La đón tiếp đoàn.

Thông báo với đoàn, đồng chí Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, khí hậu tỉnh Sơn La gần giống với khí hậu của Đà Lạt, trồng rau và cây ăn trái rất thuận lợi. Riêng năm 2016, tỉnh thu hoạch hơn 40.000 tấn nhãn, hơn 11.000 tấn xoài, gần 1.700 tấn bơ… Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh trân trọng đề nghị TPHCM giới thiệu giúp tỉnh Sơn La thu hút các tập đoàn kinh tế mạnh để tạo bước đột phá trong sản xuất, liên kết tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Với lợi thế phát triển du lịch (lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu), tỉnh Sơn La đề nghị TPHCM hỗ trợ, giúp đỡ Sơn La về kinh nghiệm thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Tỉnh Sơn La chưa có đường hàng không. Đồng chí Cầm Ngọc Minh mong muốn TPHCM giúp Sơn La tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản; sân bay đã có, cần làm thêm đường băng (riêng đường băng cần khoảng 1.000 tỷ đồng) và sân bay quân sự cấp I với tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng. Nhân buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị TPHCM hỗ trợ tỉnh Sơn La đầu tư xây dựng Trường tiểu học Phiêng Púng (xã Mường Cai, huyện Sông Mã - huyện biên giới giáp nước bạn Lào) với dự toán tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng.

Thay mặt Đoàn công tác TPHCM, đồng chí Lê Thanh Hải cảm ơn đồng bào, đồng chí Sơn La - địa phương có 250km đường biên - hàng ngày hy sinh thầm lặng, canh giữ, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, để đất nước nói chung và TPHCM nói riêng ổn định, phát triển.

Thay mặt Thường trực Thành ủy TPHCM, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM trân trọng mời lãnh đạo tỉnh Sơn La vào thăm TPHCM, xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai chương trình ký kết hợp tác TPHCM - Sơn La. Với 8 công trình trọng điểm kêu gọi thu hút đầu tư vào tỉnh Sơn La, đồng chí Tất Thành Cang cho biết, TPHCM sẽ phân công các đơn vị tìm hiểu thông tin và giới thiệu tới các doanh nghiệp quan tâm. Đoàn TPHCM cũng quan tâm về 4 nội dung cụ thể mà Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề xuất. Trên tinh thần chăm lo cho con em về giáo dục, đồng chí Tất Thành Cang cam kết, TPHCM sẽ tổ chức, vận động các nguồn lực xã hội, để cùng Sơn La xây dựng sớm Trường tiểu học Phiêng Púng. Liên quan đến dự án sân bay Nà Sản, do đây là dự án lớn, liên quan đến Trung ương và cần có cơ chế điều hành, TPHCM đề nghị tỉnh Sơn La cung cấp thêm thông tin để có hướng mời gọi đầu tư.

Về hợp tác du lịch và tiêu thụ hàng nông sản, đồng chí Tất Thành Cang cho biết, sau chuyến công tác, TPHCM sẽ nghiên cứu, bàn bạc kỹ hơn và giao Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM làm đầu mối, cùng các doanh nghiệp của TPHCM có các hoạt động giúp tiêu thụ nông sản Sơn La. Cụ thể, sau chuyến công tác này, các đơn vị như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Saigon Co.op, sẽ có hoạt động cụ thể, đưa nông sản Sơn La vào chuỗi cửa hàng, siêu thị. Tương tự về du lịch, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), sẽ có chương trình hợp tác sâu hơn với tỉnh Sơn La nhằm khai thác thế mạnh của khu du lịch Mộc Châu.

Nhân chuyến thăm, TPHCM tặng tỉnh Hòa Bình 2 tỷ đồng, tặng tỉnh Sơn La 2 tỷ đồng nhằm chăm lo cho đời sống người có công, người nghèo và đồng bào dân tộc.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục