Kết nối xe buýt với bến xe miền Đông mới

Theo lộ trình, bến xe miền Đông mới sẽ bắt đầu đi vào hoạt động giai đoạn 1 trong ít ngày nữa. Việc kết nối hệ thống xe buýt thành phố với bến xe đầu mối mới này cũng đã được chuẩn bị từ nhiều tháng qua.
Bến xe miền Đông mới kết nối thuận lợi với xe buýt, metro, xa lộ Hà Nội. Ảnh: THÀNH TRÍ
Bến xe miền Đông mới kết nối thuận lợi với xe buýt, metro, xa lộ Hà Nội. Ảnh: THÀNH TRÍ

Khai thác bến xe hiện đại

Được khởi công cách đây hơn 2 năm, công trình bến xe miền Đông mới được hoạch định để trở thành bến xe đầu mối hiện đại, thay thế bến xe miền Đông hiện hữu, cũng như sẽ là bến xe đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức theo mô hình khu phức hợp.

Bến xe miền Đông mới có tổng diện tích 16ha, tọa lạc một phần tại phường Bình Thắng thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và một phần thuộc phường Long Bình, quận 9, TPHCM. Bên cạnh diện tích lớn, bến xe mới còn có thuận tiện khi nằm trên trục xa lộ Hà Nội, vốn là tuyến giao thông huyết mạch tỏa đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Vị trí bến xe miền Đông mới cũng ở khu vực đầu tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Theo quy hoạch, bến xe miền Đông mới sẽ là bến xe đầu tiên tại Việt Nam theo mô hình khu phức hợp. Bên cạnh chức năng chính là cung cấp dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh, kết nối giao thông với nội thành TPHCM và vận chuyển hàng hóa, bến xe miền Đông mới còn là trung tâm mua sắm, giải trí với nhiều dịch vụ giải trí đa dạng, bao gồm khu vui chơi cho trẻ em, rạp chiếu phim, khu ẩm thực…

Tính hiện đại của bến xe miền Đông mới được tham khảo từ các mô hình bến xe hiện đại của 2 nền kinh tế hàng đầu châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng có sự cân chỉnh để phù hợp với điều kiện và các quy định quản lý giao thông đường bộ hiện hành của Việt Nam. Theo chiều hướng đó, khoa học - công nghệ cũng được ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Chẳng hạn như áp dụng các phần mềm quản lý liên kết, bao gồm phần mềm quản lý có sự kết nối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam; kiểm soát xe ra - vào bến hoàn toàn tự động bằng thẻ từ; phần mềm tài chính kết nối với Tổng công ty Samco - đơn vị chủ đầu tư dự án xây dựng bến xe miền Đông mới; phần mềm bán vé trực tuyến; các dịch vụ thanh toán dưới nhiều hình thức như thanh toán trực tiếp, thanh toán từ xa; phần mềm quản lý nhân sự; phần mềm quản lý văn phòng điện tử… Ngoài ra, bến xe miền Đông mới còn dự kiến sử dụng cài đặt tiện ích (app) trên điện thoại di động thông minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng tra cứu thông tin và sử dụng các dịch vụ của bến xe, như tìm tuyến xe, giờ khởi hành, số chuyến, giá vé, đặt mua vé, đặt chỗ…

Khối nhà ga hành khách nằm trong gói dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ga bến xe miền Đông mới giai đoạn 1. Khối nhà này bao gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi. Tầng hầm B2 rộng 11.700m2 là nơi để xe và một phần bố trí các khu chức năng như phòng kỹ thuật, phòng máy bơm,  bể nước ngầm, bể chữa cháy. Tầng hầm B1 cũng rộng 11.700m2 được bố trí làm sảnh đón khách đến, bãi đậu xe, khu kỹ thuật phụ trợ, khu nhà vệ sinh.

Theo lộ trình, bến xe miền Đông mới sẽ đi vào khai thác trong nửa đầu tháng 8-2019. Trong giai đoạn đầu hoạt động, thành phố chỉ dời một số tuyến xe đi về giữa thành phố và các tỉnh phía Bắc chứ chưa làm đồng loạt cho tất cả các tuyến hiện có.

Sẵn sàng kết nối xe buýt

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP cuối tuần qua, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết hiện chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đang hoàn tất những hạng mục cuối cùng của giai đoạn 1 để đảm bảo bến xe hoạt động theo hoạch định. Ngay từ khi tiến hành xây dựng bến xe mới, Sở GTVT kết hợp cùng chủ đầu tư đã xác lập, bố trí lộ trình lưu thông nhằm kết nối giao thông với các hệ thống đường xung quanh cho xe vào bến hoạt động. Trên thực tế, việc kết nối giao thông cho bến xe miền Đông mới cũng tương đối thuận lợi khi kết nối trực tiếp với nhà ga tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tức tuyến metro số 1, vận chuyển khách từ khu vực trung tâm thành phố đến và đi từ bến xe mới.

Trước mắt, trong giai đoạn bến xe miền Đông mới hoạt động, Sở GTVT đã bố trí 3 tuyến xe buýt có trợ giá và 3 tuyến không trợ giá, có lộ trình hướng đến hoặc đi qua bến xe. Dự kiến, đến cuối năm nay sẽ mở tiếp 2 tuyến xe buýt kết nối nữa.

Để hoàn chỉnh kết nối giao thông bến xe phục vụ hành khách trong giai đoạn 1, Sở GTVT TPHCM đã đề nghị UBND quận 9 thường xuyên duy tu, sửa chữa đường Hoàng Hữu Nam, đường số 400, đường số 13 trên địa bàn quản lý.

Theo Sở GTVT, trong khuôn viên bến xe, trước mắt sẽ sử dụng khu vực nhà ga chính để tổ chức cho các loại hình xe khách và xe buýt trung chuyển hành khách. Lộ trình lưu thông dự kiến từ các tỉnh phía Bắc ra - vào bến xe mới, các xe lưu thông theo lộ trình: xe từ bến xe miền Đông mới đi ra các tỉnh phía Bắc sẽ theo cổng F3, rẽ phải ra quốc lộ 1, trong khi xe từ các tỉnh phía Bắc đến bến xe sẽ theo lộ trình từ quốc lộ 1 - đường song hành bờ Bắc - cầu vượt số 1 ở nút giao thông Khu Đại học Quốc gia - quay đầu về đường song hành bờ Nam rồi vào bến xe theo cổng F3.

Trong khi đó, xe buýt kết nối trung tâm thành phố với bến xe miền Đông mới sẽ lưu thông theo lộ trình từ bến xe mới đi lối cổng phụ đường số 13 - đường Hoàng Hữu Nam - đường số 400 - đường song hành bờ Nam - cầu vượt số 2 tại nút giao thông Đại học Quốc gia - quay đầu về đường song hành bờ Bắc - trung tâm thành phố và ngược lại từ trung tâm thành phố đi vào bến xe mới có lộ trình: quốc lộ 1 - đường song hành bờ Nam - bến xe miền Đông mới theo lối cổng F3.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cho hay đơn vị này ngay từ tháng 6-2019 đã cải tạo gần 30 điểm đón trả khách phục vụ kết nối bến xe miền Đông cũ với bến xe miền Đông mới. Các vị trí cải tạo nằm trên những tuyến đường như xa lộ Hà Nội, Lê Văn Việt, quốc lộ 1, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, quốc lộ 13, Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng. Những hạng mục cải tạo đáng chú ý bao gồm thay thế 35 nhà chờ xe buýt, lắp đặt mới 3 nhà chờ xe buýt, lắp đặt mới 67 trụ dừng xe buýt, trong đó có 20 trụ dừng xe buýt có mái che…

Tin cùng chuyên mục