Kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển NV2: Mất cân đối ngành nghề

Dưới điểm sàn cũng trúng tuyển ĐH!
Kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển NV2: Mất cân đối ngành nghề

Hôm nay 10-9 là thời hạn cuối cùng để các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 vào các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bức tranh về xét tuyển NV2 đã khá rõ hình hài với khá nhiều nghịch lý.

Nghịch lý thừa - thiếu

Nhiều trường ĐH tại TPHCM như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có lượng hồ sơ đăng ký vượt khoảng 15%-20% so với chỉ tiêu cần tuyển.

Đặc biệt, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tổng chỉ tiêu NV2 có hơn 4.000 nhưng lượng hồ sơ NV2 đạt kỷ lục với trên 22.000 hồ sơ (ĐH chiếm trên 40%, CĐ gần 60%). Với lượng hồ sơ đột biến như thế này, nhiều thí sinh có điểm thi từ 15-16 sẽ tiếp tục phải xét tuyển NV3 ở những trường khác.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Ảnh: TH. HÙNG

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Ảnh: TH. HÙNG

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, đã có 3.100 hồ sơ đăng ký NV2, trong khi chỉ tiêu đưa ra chỉ có 1.600. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, lượng hồ sơ xét tuyển NV2 vào trường rất lớn. Đối với bậc ĐH đã nhận hơn 1.400 hồ sơ/900 chỉ tiêu cần tuyển, hệ CĐ trên 6.000 hồ sơ/3.000 chỉ tiêu.
 
Ngược lại với những trường trên, nhiều trường ĐH ngoài công lập và đại học vùng lại rất “khát” hồ sơ. Trường ĐH Bắc Hà xét tuyển 500 chỉ tiêu NV2 nhưng đến nay mới nhận được hơn 100 hồ sơ. Trước tình thế này, nhà trường đành tiếp tục nuôi hy vọng ở xét tuyển NV3.

Đáng nói hơn, nhiều trường ĐH địa phương như Trà Vinh, Đồng Tháp, Lạc Hồng… dù được Bộ GD-ĐT cho phép vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh nhưng vẫn không thu hút nổi thí sinh.
 
Cũng giống như mọi năm, nhiều trường có đào tạo khối ngành kỹ thuật, nông nghiệp vẫn rất khó hút thí sinh. Cuối ngày hôm qua, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam mới nhận được khoảng 50% số hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 so với 570 chỉ tiêu xét tuyển NV2 cho 16 ngành. Nhiều khả năng, trường sẽ phải xét tuyển NV3 để đủ chỉ tiêu.

Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất Lê Trọng Thắng cho biết, trường mới trực tiếp nhận được trên 500 hồ sơ NV2 so với trên 1.000 chỉ tiêu. Ngược lại, nhiều ngành như kinh tế - tài chính - ngân hàng… dù điểm chuẩn nhận hồ sơ xét tuyển NV2 chỉ 13 - 14 điểm nhưng các trường đã tính toán phải lấy từ mức 16 - 17 điểm vì lượng hồ sơ cao gấp 5-6 lần so với chỉ tiêu cần tuyển.
 
Giải pháp linh động

Ngoài việc “trường ăn không hết, trường lần chẳng ra”, việc xét tuyển NV2 năm nay tiếp tục phản ánh rõ nét xu hướng chọn ngành nghề hiện nay của người học. Theo đó, khối ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của thí sinh.

Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội, cho biết: Thí sinh vẫn đăng ký nhiều vào các ngành quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Còn ngành tiếng Anh, tiếng Trung, công nghệ kỹ thuật, cơ - điện tử đang thiếu chỉ tiêu, thậm chí có ngành chỉ vài thí sinh đăng ký. Trước thực tế này, nhà trường linh động bằng giải pháp động viên các em bị thiếu điểm ở ngành khác chuyển qua, hoặc cho phép các em học hai bằng song song.
 
Với cái nhìn rộng hơn, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hải Phòng, ưu tư: Càng ngày càng ít thí sinh đăng ký vào khối ngành kỹ thuật trong khi lại chạy theo phong trào vào khối ngành kinh tế. Trường đã phải nỗ lực duy trì cảnh “chợ chiều” với các ngành nông nghiệp, chế biến nông hải sản, quản lý đô thị, môi trường trong nhiều năm gần đây.

“Thí sinh vào ít nhưng không thể đóng cửa, vẫn phải cố duy trì để ổn định đội ngũ giáo viên, mặt khác vẫn cứ hy vọng biết đâu sang năm sẽ đông”, ông Nghị cho biết.

Với nhiều trường ĐH tại khu vực ĐBSCL, các ngành nông nghiệp, cơ khí nông nghiệp được áp dụng Điều 33 để đào tạo nhân lực cho phát triển ngành nông nghiệp nhưng hết hạn xét tuyển NV2 vẫn chỉ có lưa thưa vài hồ sơ.
 
Từ thực tế chọn ngành của các thí sinh, mùa tuyển sinh năm nay vẫn tiếp tục tồn tại sự “lệch pha” giữa kỳ vọng của nhà trường và nhu cầu của người học với nhu cầu của xã hội.

“Người học vẫn có tâm lý lựa chọn những ngành học nhẹ nhàng, mang lại lợi ích trước mắt, ngại cực khổ. Không hiểu 4-5 năm nữa, khi hàng loạt cử nhân khối ngành kinh tế ra trường thì xin việc ở đâu và những ngành kỹ thuật sẽ thiếu hụt trầm trọng nhân lực có trình độ. Hậu quả mà xã hội phải gánh chịu là cung - cầu ngành đào tạo đang mất cân đối nghiêm trọng”, ông Trần Hữu Nghị phân tích.

Những trường còn thiếu chỉ tiêu sẽ tiếp tục tuyển NV3. Danh sách các trường, chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV3 sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trước ngày 15-9. Thời hạn nhận hồ sơ NV3 từ ngày 15 đến 30-9.

 Dưới điểm sàn cũng trúng tuyển ĐH!

Thí sinh H.G.T., quê ở Định Quán (Đồng Nai), thi 3 môn khối A được 10,5 điểm, cộng điểm ưu tiên khu vực 1 được 12 điểm nhưng thí sinh này vẫn được thông báo trúng tuyển hệ ĐH, ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Tư thục CNTT Gia Định.

H cho biết: “Em vừa đóng gần 4 triệu đồng từ các khoản học phí học kỳ 1, thẻ sinh viên, sổ tay sinh viên và sinh hoạt đầu khóa học. T. cho biết, nhân viên tuyển sinh trường thông báo, nếu thí sinh nào đạt 12 điểm, dù khối A hay D, mang hồ sơ đến trường đều có thể trúng tuyển hệ ĐH của nhà trường (?).

Theo thông tin mà chúng tôi có được, nhiều thí sinh dù có điểm chưa đạt điểm sàn ĐH các khối A, B, C, D1 nhưng đã đến Văn phòng Bộ GD-ĐT phía Nam hối thúc xin nhận phiếu điểm và truyền tai nhau về thông tin Trường ĐHDL CNTT Gia Định cho thí sinh dưới điểm sàn trúng tuyển vào các ngành ĐH.

PHAN THẢO – THANH MINH

Tin cùng chuyên mục