Khắc phục những bất ổn trong hoạt động du lịch

Từ Tết Nguyên đán đến nay, hoạt động du lịch trong nước khá nhộn nhịp, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều điều bất ổn như thiếu phòng mùa cao điểm, không ngăn chặn được nạn “chặt chém” giá dịch vụ và trộm cướp..., thậm chí đã xảy ra tai nạn chết người. Bạn đọc Báo SGGP quan tâm góp ý khắc phục những bất ổn này. 
Khắc phục những bất ổn trong hoạt động du lịch

LTS: Từ Tết Nguyên đán đến nay, hoạt động du lịch trong nước khá nhộn nhịp, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều điều bất ổn như thiếu phòng mùa cao điểm, không ngăn chặn được nạn “chặt chém” giá dịch vụ và trộm cướp..., thậm chí đã xảy ra tai nạn chết người. Bạn đọc Báo SGGP quan tâm góp ý khắc phục những bất ổn này. 

Ngăn nạn khai thác du lịch kiểu ăn xổi

Tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có các khu du lịch hay lễ hội hấp dẫn du khách thường xảy ra nạn “chặt chém” giá dịch vụ ăn uống và giá cho thuê phòng nghỉ lưu trú. Bên cạnh đó, xuất hiện một đội ngũ “cò” chuyên mời gọi, chèo kéo du khách đến các điểm tham quan, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ bán hàng đặc sản... để hưởng hoa hồng hoặc ăn chia, gây ra cảnh cạnh tranh bát nháo, lừa du khách.

Cảnh sát giao thông kịp thời phát hiện, ngăn chặn một vụ người chạy xích lô tính tiền như trấn lột du khách. Ảnh: THANH HẢI

Tâm lý kinh doanh dịch vụ du lịch kiểu ăn xổi, không cần giữ uy tín và chất lượng dịch vụ đã khiến du khách chán ngán. Đáng trách là có nhiều chủ cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn dù đã thỏa thuận giá cả, nhận đặt trước phòng nghỉ của các đoàn du khách đi theo tour du lịch lữ hành, nhưng đến khi thấy khan hiếm phòng nên đã tùy tiện tăng giá, bất chấp chữ tín và đạo đức kinh doanh, vì cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến cái lợi bền lâu, đẩy du khách vào tình cảnh lao đao vì không có phòng nghỉ.

NGUYỄN ĐƯỚC
(quận 5, TPHCM)

Gìn giữ sự yên bình

16 năm trước, tôi có dịp đến đảo Phú Quốc nghỉ mát. Lúc bấy giờ, Phú Quốc còn khá hoang sơ và rất yên bình, hầu như không phải lo trộm cắp. Đặc biệt, dịch vụ cho thuê xe máy ở Phú Quốc rất độc đáo, chủ xe mang xe đến tận cổng khách sạn giao xe cho du khách, khỏi cần phải giấy tờ gì, du khách cứ tự nhiên sử dụng xe và có thể bỏ xe lại ở bất cứ chỗ nào trên đảo cũng được, người chủ xe sau đó sẽ tự có cách lấy xe về. Chiều tối, họ chỉ cần tìm đến khách sạn thu tiền thuê xe với giá rất bình dân, thế là xong! Cả về khoản ăn nhậu, cứ đến khoảng 10 giờ tối, khi có ai muốn “nhậu xả láng, sáng về sớm”, thì các chủ quán lại khẽ khàng bước đến bên bàn, nói nhỏ nhẹ: “Xin các anh về nghỉ để quán đóng cửa, vì đã đến giờ quy định!”. Đúng là một cung cách phục vụ hiền lành kiểu “chân quê”.

Tiếc là bây giờ những nét đẹp yên bình đó đã trở thành xa lạ ở Phú Quốc và tất cả các điểm du lịch khác trong nước. Cho nên, tôi vẫn luôn nhớ và thầm tiếc về cái “thời xa vắng” dễ thương ngày nào. Mong sao các địa phương đang khai thác thế mạnh du lịch nên đặc biệt quan tâm giữ gìn sự yên bình, đảm bảo an ninh trật tự, không để du khách phải khó chịu, cảnh giác vì tình hình phức tạp, mua bán chụp giật.

PHAN  TRỌNG  HIỀN
(quận Bình Thạnh, TPHCM)

Phải bảo đảm an toàn du lịch

Hiện nay nhiều địa phương quan tâm khai thác điều kiện thuận lợi về cảnh quan, sông, suối, rừng, biển..., kêu gọi các nhà đầu tư tổ chức du lịch sinh thái, dã ngoại, nhằm thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đa phần là cách làm du lịch “bán chuyên nghiệp” theo kiểu đấu thầu, giao khoán cho các cá nhân, doanh nghiệp quản lý bán vé, rồi mặc du khách vào trong các khu rừng, con suối, lòng hồ... thích làm gì thì làm, mà chưa quan tâm nhiều đến việc hướng dẫn, cảnh báo cũng như thực hiện việc cứu hộ khi du khách gặp nguy hiểm.

Chính vì vậy đã xảy ra những vụ du khách bị ngã xuống thác, suối sâu, nguy hiểm đến tính mạng. Lẽ ra tại những vị trí nguy hiểm, đơn vị khai thác quản lý khu du lịch phải đặt biển cấm, hàng rào chắn, có người cứu hộ túc trực để phòng tránh tai nạn cho du khách. Qua những vụ du khách bị tai nạn đã cho thấy có rất nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý và khai thác các địa điểm du lịch sinh thái. Chính quyền và ngành du lịch cần khẩn trương vào cuộc để quản lý các hoạt động du lịch sinh thái đảm bảo an toàn cho du khách và xây dựng chiến lược du lịch sinh thái, dã ngoại, mạo hiểm một cách chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, những người đi tham quan, dã ngoại ở những khu du lịch sinh thái cần phải nâng cao ý thức cảnh giác trước các nguy hiểm, trang bị tốt cho bản thân những kỹ năng xử lý tình huống nhằm đảm bảo an toàn khi gặp sự cố bất trắc.

VĂN THY HOÀNG
(Hội An, Quảng Nam) 

Tin cùng chuyên mục