Khắc phục tâm lý chủ quan khi tham gia giao thông

Từ ngày 15-7 đến 14-8-2019, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) các tỉnh thành trên cả nước đồng loạt ra quân kiểm tra lập lại trật tự, an toàn giao thông, tập trung xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến đóng góp các biện pháp lập lại trật tự, an toàn giao thông.

“Đi đêm có ngày gặp ma”

Trong điều kiện giao thông còn nhiều hạn chế ở nước ta hiện nay, như còn làn hỗn hợp giữa ô tô và xe máy, ý thức chấp hành luật giao thông kém (chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, lấn tuyến…), nếu chủ quan thì sẽ không tránh khỏi rủi ro về tai nạn giao thông (TNGT).

Một tâm lý chủ quan nữa là cho rằng vi phạm một chút cũng không sao. Với tâm lý đó, người ta sẵn sàng leo qua dải phân cách để băng qua đường, phóng xe máy lên vỉa hè, chạy ngược chiều, phóng qua ngã tư khi đèn chưa kịp xanh hoặc đèn đã chuyển sang màu vàng, vượt xe khi không bảo đảm khoảng cách an toàn, chạy quá tốc độ quy định, lấn sang chiều ngược lại hoặc lấn làn đường của phương tiện khác, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia, trong trạng thái buồn ngủ hoặc không bảo đảm sức khỏe…

Câu “đi đêm có ngày gặp ma” hẳn sẽ đúng khi chúng ta liều mạng như vậy. Nếu chúng ta đủ kiên nhẫn lẫn dũng cảm xem lại clip ghi các vụ TNGT sẽ thấy phần nhiều trong số đó có yếu tố chủ quan của một trong các bên, thậm chí có khi cả các bên.

Một biểu hiện tâm lý chủ quan khác nữa là thái độ đối phó với CSGT hơn là tuân thủ quy định về an toàn giao thông. Dù biết rằng vi phạm luật giao thông sẽ bị chế tài, nhưng nghĩ rằng CSGT không có ở đấy, hoặc nếu có thì năn nỉ hoặc đút tiền để cho qua, thậm chí còn cho rằng lỗi đó bị phạt không bao nhiêu.

Như vậy là chỉ lo đối phó với chuyện bị phạt chứ không lo các rủi ro cho bản thân và người khác; tâm lý này đặc biệt nguy hiểm vì không bao giờ lường trước hay có ý thức tích cực về những sự cố bất ngờ.

Cũng có nhiều người chủ quan tự cho mình rất thành thạo trong việc điều khiển phương tiện, nhưng quên mất là dù bản thân có kinh nghiệm, có kỹ năng lái xe tốt thì TNGT vẫn cứ xảy ra khi có những tình huống bất ngờ không thể xử lý được. 

Khắc phục tâm lý chủ quan khi tham gia giao thông ảnh 1 Lực lượng CSGT (Công an TPHCM) kiểm tra nồng độ cồn một tài xế tại khu vực ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh. Ảnh: PHẠM MINH

Từ thực tế đó, để lập lại trật tự, an toàn giao thông, phải tác động mạnh hơn nữa vào việc khắc phục tâm lý chủ quan khi tham gia giao thông, thông qua tuyên truyền, vận động của cộng đồng và xã hội; việc siết chặt công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe, nhất là thực thi biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm phải nghiêm minh.

TRỊNH MINH GIANG, Quận Thủ Đức, TPHCM

Xử lý nghiêm hành vi vượt đèn đỏ

Vượt đèn đỏ là hành vi thể hiện ý thức kém, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Hành vi vi phạm này diễn ra khá phổ biến tại hầu hết các giao lộ, rất dễ gây ra TNGT và ùn tắc giao thông.

Tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông hoạt động, vậy mà vẫn không ít người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ. Khi đèn tín hiệu màu đỏ có đồng hồ đếm ngược mới lùi tới con số 4 hay 5, chưa về đèn xanh là họ đã cuống cuồng rồ ga phóng qua; hay khi đèn đã chuyển hẳn sang màu đỏ mà họ không chịu dừng, vẫn băng qua bạt mạng. 

Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông khi tham gia giao thông được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 8 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt như sau: phạt tiền 60.000 - 80.000 đồng đối với người điều khiển các phương tiện xe đạp, xe thô sơ; phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng đối với người điều khiển xe máy; phạt tiền 1,2 - 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng đối với người điều khiển ô tô.

Ngoài các khung xử phạt trên, nếu người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ gây TNGT, xảy ra chết người, sẽ có nhiều tình tiết tăng nặng, thậm chí bị xử lý hình sự.

Để mọi người dân nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông một cách nghiêm túc, triệt để, CSGT cần phải xử lý thật nghiêm theo khung quy định đối với các trường hợp cố tình vượt đèn đỏ, như vậy mới đủ răn đe, lập lại trật tự, an toàn giao thông.

NGUYỄN LONG, Quận 9, TPHCM

Giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật

Gần đây, trên truyền thông xã hội xuất hiện nhiều clip ghi lại những hành vi “làm xiếc” trên đường, diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Có những nam thanh niên liều mạng điều khiển xe máy bằng hai chân, thậm chí buông tay. Nhiều bạn trẻ xem clip còn bình luận ủng hộ, tán dương, cổ vũ rầm rộ. 

Thay vì chứng tỏ bản lĩnh của mình bằng hành vi liều mạng, các bạn trẻ nên học thật tốt, sống có đạo đức, thể hiện sự nổi trội, khác biệt ở một năng khiếu, chuyên môn tích cực.

Bởi việc lái xe máy với tốc độ cao trong tình trạng không có dụng cụ bảo hộ an toàn khi đua xe, chưa được kiểm định phương tiện giao thông... thì dù khéo léo cỡ nào cũng có thể gây ra TNGT cho mình và những người xung quanh.

Phụ huynh của các bạn trẻ đó cũng có phần trách nhiệm khi không giáo dục, nhắc nhở con về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Việc giao xe gắn máy cho con khi chưa đủ tuổi lái xe hoặc chưa có giấy phép lái xe đã gián tiếp hại con. Phụ huynh cần thường xuyên quan tâm đến con, nhắc nhở con việc tuân thủ pháp luật.

CSGT cần phạt nghiêm những đối tượng xem thường pháp luật khi tham gia giao thông. Với hệ thống camera giám sát, CSGT cần truy tìm, phạt nguội những đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong clip để giáo dục, răn đe.

NGUYỄN THANH VŨ, Quận Tân Phú, TPHCM

Tin cùng chuyên mục