Khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ

TPHCM có gần 100 trang web cấp quận huyện, sở ban ngành, đoàn hội, cơ quan đại diện, ban quản lý, tổng công ty… được kết nối vào trang web của chính quyền thành phố.
Khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ
Trong đó, mỗi trang web từng đơn vị cung cấp thông tin cũng như chức năng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp khác nhau. 

Tuy nhiên, theo đại điện một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ tư vấn thiết kế (đóng trên địa bàn quận 3) thì muốn biết về chỉ tiêu quy hoạch một khu đất hay ô phố, doanh nghiệp này vào trang web của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP tham khảo. Trong khi đó, những quy định về cấp chủ quyền nhà đất, cấp phép xây dựng lại tiếp tục tham khảo trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng. “Việc truy cứu tại nhiều cửa sẽ mất thời gian cho doanh nghiệp và người dân khi có nhu cầu. Trong khi đây là những dữ liệu chung của thành phố thì nên nhất thiết phải được gom lại một đầu mối để người sử dụng dễ tra cứu thông tin dữ liệu”, đại diện doanh nghiệp nói trên nêu ý kiến. 

Còn đại diện Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI cho biết: Hiện có đến 90% thông tin quan trọng tại các cơ quan Nhà nước vẫn được thể hiện trên giấy và chủ yếu lưu trữ theo phương pháp truyền thống (trên các giá kệ, kho lưu trữ). Trong khối doanh nghiệp thì có đến 67% dữ liệu bị thất thoát do quá trình tìm kiếm, sử dụng tài liệu bản cứng. Cũng theo đại diện FSI, thống kê từ các tổ chức lớn trên thế giới thì thời gian trung bình để tìm kiếm một tài liệu chỉ 18 phút và ước tính một nhân viên tốn 30% - 40% thời gian để tìm kiếm thông tin.

Nói về hiện trạng lưu trữ các cơ sở dữ liệu của thành phố hiện nay, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, cho hay các cơ sở dữ liệu tại các quận huyện, sở ban ngành của thành phố được chia thành 3 nhóm chính: nhóm cơ sở dữ liệu về quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành; nhóm dữ liệu dịch vụ công (hồ sơ điện tử); nhóm dữ liệu chuyên ngành về kinh tế, văn hóa - xã hội, quản lý đô thị, tài nguyên - môi trường, khoa học - công nghệ.

Theo bà Trinh, hiện nhóm cơ sở dữ liệu về văn bản, chỉ đạo điều hành được tích hợp, chia sẻ thông qua trục liên thông của thành phố (Enterprise Service Bus - ESB) đặt tại Trung tâm Dữ liệu thành phố và liên thông với trục liên thông Chính phủ. Còn nhóm dữ liệu về dịch vụ công (hồ sơ điện tử) được các đơn vị vận hành trực tiếp quản lý với các dữ liệu về tình trạng xử lý hồ sơ hành chính, được tích hợp về hệ thống một cửa điện tử thành phố để công khai minh bạch tình trạng xử lý hồ sơ. Riêng với nhóm các dữ liệu chuyên ngành phần lớn được các đơn vị sở ngành phụ trách trực tiếp quản lý. 

Các chuyên gia cho rằng, trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, việc xây dựng cơ sở dữ liệu số thay thế cho cơ sở dữ liệu truyền thống là phần vô vùng quan trọng. Cơ sở dữ liệu điện tử không chỉ được xây dựng để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước mà còn mang lại nhiều tiện ích về giao thông, bảo vệ sức khỏe, môi trường, nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân thành phố. 

Thiết nghĩ, TPHCM nên sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cũng như cần có các giải pháp tích hợp, bảo mật và khai thác hiệu quả. Làm tốt công việc này đồng nghĩa với việc đặt nền móng vững chắc cho xây dựng đô thị thông minh.

Tin cùng chuyên mục