Khai mạc Đại hội Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi Hội Nông dân Việt Nam phải thay đổi, bắt kịp xu thế trong tình hình mới, người nông dân cần thay đổi tư duy để làm chủ công nghệ, làm chủ một nền nông nghiệp hiện đại.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu dự Đại hội Hội nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu dự Đại hội Hội nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023

Sáng nay 12-12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII đã khai mạc tại Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự đại hội. 

Tham dự đại hội có 999 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân trên cả nước. Trong số đó, đại biểu nhiều tuổi nhất là GS.TS Bùi Chí Bửu, 65 tuổi; đại biểu trẻ tuổi nhất là Vàng Thị Ngùng, 21 tuổi, ở huyện Sìn Hồ, Lai Châu.
Khai mạc Đại hội Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 ảnh 1 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam sáng 12-12-2018
Phát biểu khai mạc đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều cho biết: Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình hoạt động, tại đại hội lần này, với tinh thần tự phê bình nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, các đại biểu sẽ thảo luận, đánh giá đúng mức, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cũng như những yếu kém, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của hội, nhiệm kỳ 2013- 2018. Đồng thời, cũng thấy rõ những cơ hội, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. 

Trên cơ sở đó, đại hội quyết định đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động cho nhiệm kỳ 2018- 2023. Đại hội lần này sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đại hội sẽ nghe và cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khoá VI) và lựa chọn những đồng chí xứng đáng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018- 2023, thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, bản lĩnh và trí tuệ, đủ khả năng lãnh đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đề ra, đáp ứng được niềm tin, sự mong đợi của cán bộ, hội viên, nông dân cả nước.

Đại hội tiếp tục khẳng định niềm tin, sự trung thành tuyệt đối của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam với Đảng, Nhà nước; đồng thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của hội viên, nông dân về các vấn đề khó khăn, bức xúc của đời sống nông dân hiện nay.

Trình bày báo cáo chính trị tại đại hội, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định: 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy hiệu quả vai trò trung tâm và nòng cốt, giai cấp nông dân đã thực hiện tích cực vai trò chủ thể, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát động và đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp ngày càng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn...

Bên cạnh kết quả nổi bật đã đạt được, công tác hội và phong trào nông dân còn có những hạn chế, yếu kém cần quan tâm: Một số nơi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nông dân còn hình thức, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân chưa kịp thời; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp; một số nơi chưa làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tham gia xây dựng và phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế.

Khai mạc Đại hội Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 ảnh 2 Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa
Để xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân Việt Nam phấn đấu đạt được 14 chỉ tiêu: Có 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam; có 100% cán bộ chuyên trách công tác hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận; có 100% chi hội xây dựng được quỹ hoạt động của hội và phấn đấu mỗi cơ sở hội ở các địa phương chưa thoát nghèo; hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp...

Để đạt được phương hướng, mục tiêu và các chỉ tiêu đã đề ra, cần thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh; vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới văn minh và giảm nghèo bền vững; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu sâu sắc chỉ đạo đại hội. Thay mặt Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời thăm hỏi tới hàng chục triệu nông dân và bà con trên cả nước. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tích mà phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện được trong 5 năm qua, đóng góp vào thành công chung của đất nước. 

Tuy nhiên bên cạnh những thành tích đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế như phong trào nông dân chưa đồng đều, công tác hội chưa khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn còn chậm, việc xây dựng mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn lúng túng, năng suất - chất lượng trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được khắc phục, tình trạng nông dân bỏ ruộng, thiếu hợp tác trong liên doanh liên kết trong sản xuất còn đáng quan ngại, có trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể và trách nhiệm của hội nông dân. 

Trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi Hội Nông dân Việt Nam phải thay đổi, bắt kịp xu thế trong tình hình mới, người nông dân cần thay đổi tư duy để làm chủ công nghệ, làm chủ một nền nông nghiệp hiện đại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Hội Nông dân Việt Nam đổi mới phương thức và nội dung hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động và đoàn kết nông dân, phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam thịnh vượng, nông thôn văn minh, nông dân giàu có. 

Tin cùng chuyên mục