Khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014: Hòa vào dòng chảy tinh hoa văn hóa Việt Nam

(SGGP).– Lúc 20 giờ ngày 25-4, tại quảng trường văn hóa Hùng Vương (Bạc Liêu), Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 với chủ đề “Đờn ca tài tử - tình người, tình đất phương Nam” đã khai mạc. Đến dự có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT, đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành Nam bộ.
Khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014: Hòa vào dòng chảy tinh hoa văn hóa Việt Nam

(SGGP).– Lúc 20 giờ ngày 25-4, tại quảng trường văn hóa Hùng Vương (Bạc Liêu), Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 với chủ đề “Đờn ca tài tử - tình người, tình đất phương Nam” đã khai mạc. Đến dự có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT, đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành Nam bộ.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Việc tổ chức Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 như một lời kính cáo, lời tri ân với tiên tổ, với tất cả những cá nhân, tổ chức đã góp phần sáng tạo, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật rất đỗi bình dị, tự nhiên mà thanh cao, bác học hết sức độc đáo này.

Festival là hoạt động có quy mô lớn đầu tiên hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy Nghệ thuật ĐCTT - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; là hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần giữ gìn cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam; là tiền đề để tỉnh Bạc Liêu triển khai định hướng phát triển, đi lên từ nền tảng văn hóa.

“Chúng ta hãy cùng nhau chúc mừng và cổ vũ cho sự vươn lên mạnh mẽ của tỉnh Bạc Liêu và của cả vùng Nam bộ. Hãy cùng nhau góp sức để ĐCTT Nam bộ tiếp tục hòa vào dòng chảy tinh hoa văn hóa Việt Nam, vào kho tàng văn hóa của nhân loại, tiếp thêm động lực cho sự phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nhân dịp này, 5 cá nhân (GS-TS Trần Văn Khê, GS-TS Lê Văn Toàn, GS-TS Tô Ngọc Thanh, Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, soạn giả Trọng Nguyễn) cùng 6 tập thể có công đóng góp cho việc phát triển nghệ thuật ĐCTT đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn bộ sân khấu cùng sự trình diễn của các nghệ nhân như một bức tranh hoành tráng, toàn cảnh của không gian văn hóa ĐCTT Nam bộ với 3 tầng văn hóa tiêu biểu: sông nước, ruộng đồng, miệt vườn vừa cho thấy sự phong phú, đa dạng của đất và người cùng văn hóa Nam bộ vừa thể hiện rõ quá trình hình thành, phát triển của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Lễ khai mạc thấm đậm tình đất tình người phương Nam.

Trước đó, nhiều hoạt động nghệ thuật đã khai mạc, kéo dài đến hết festival: Triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật, Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc, Triển lãm nhạc cụ dân tộc truyền thống các dân tộc Việt Nam và khánh thành khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm được mở rộng diện tích đến 12.500m² với nhiều hạng mục mới rất ấn tượng đã chính thức khánh thành. Tượng đá nhạc sĩ Cao Văn Lầu đang ôm đàn kìm nhìn ra khu vườn nhạc cụ dân tộc. Đài nguyệt cầm cao vời vợi có 32 bậc thang biểu tượng cho sự phát triển từ nhịp 2 lên nhịp 32; thân đài được khắc 20 bản tổ của ĐCTT. 21 chậu kiểng tượng trưng cho 21 tỉnh thành Nam bộ phát triển mạnh nghệ thuật ĐCTT.

Đoàn caravan 19 xe cổ diễu hành khắp đường phố nội ô làm không khí ngày hội thêm rộn ràng. Buổi sáng cùng ngày đã diễn ra Triển lãm nhạc cụ dân tộc Việt Nam và Triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục