Khai thác cát trên thượng nguồn sông Đồng Nai: Vườn quốc gia Cát Tiên lâm nguy

Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên nằm trên địa bàn các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông và Đồng Nai, hiện là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới và được công nhận là khu Ramsar. Bao quanh VQG là sông Đồng Nai rộng lớn, cung cấp nước ngọt cho gần 18 triệu dân vùng Đông Nam bộ, nhưng thời gian gần đây, trên các đoạn sông Đồng Nai đã và đang diễn ra tình trạng bơm hút cát rầm rộ, đe dọa tới an nguy của VQG cũng như cuộc sống của người dân sống hai bên bờ sông.
Khai thác cát trên thượng nguồn sông Đồng Nai: Vườn quốc gia Cát Tiên lâm nguy

(SGGPO).- Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên nằm trên địa bàn các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông và Đồng Nai, hiện là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới và được công nhận là khu Ramsar. Bao quanh VQG là sông Đồng Nai rộng lớn, cung cấp nước ngọt cho gần 18 triệu dân vùng Đông Nam bộ, nhưng thời gian gần đây, trên các đoạn sông Đồng Nai đã và đang diễn ra tình trạng bơm hút cát rầm rộ, đe dọa tới an nguy của VQG cũng như cuộc sống của người dân sống hai bên bờ sông.

Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên cho biết, tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai diễn ra thường xuyên, quy mô lớn và có từ chục năm nay. Do nhu cầu thị trường xây dựng tăng cao ở vùng Đông Nam bộ, trong thời gian gần đây, tình hình khai thác cát trái phép ở đây diễn biến phức tạp. Điều này đã có những ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến công tác bảo vệ hệ động, thực vật quý giá của VQG Cát Tiên.

Một trong số nhiều thuyền hút cát hoạt động trên sông Đồng Nai

Đầu tháng 4, phóng viên Báo SGGP đi thuyền dọc sông Đồng Nai, tận mắt chứng kiến cảnh khai thác cát như một “đại công trường” trên lòng sông. Tại khu vực xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng), khúc sông Đồng Nai vang rền bởi tiếng máy nổ bơm cát dưới sông lên bờ. Hai máy múc đang hì hục với đống cát to như quả đồi. Dưới sông, 6 chiếc tàu đang chúm chụm đưa cát lên bờ. Theo ghi nhận, trên con suối Đạ Tẻh chảy ra sông Đồng Nai, chỉ một đoạn ngắn nhưng có khoảng chục bãi khai thác cát.

Khi cát ở địa điểm được cấp phép bị hút đến cạn kiệt, những người bơm hút cát lại biến thành “sa tặc”, khi điều khiển tàu ra giữa sông, cắm vòi xuống lòng sông bơm cát lên bờ. Phía bờ VQG Cát Tiên, dòng sông Đồng Nai đã ngoạm sâu vào vài mét, kéo dài cả 5km, bởi phương thức hút cát như vừa nêu.

Về tình trạng này, ông Trần Văn Bình, Hạt phó Hạt kiểm lâm VQG Cát Tiên cho biết, theo giấy phép được cấp thì các doanh nghiệp chỉ được khai thác ở nửa dòng sông mà tỉnh họ đã cấp phép, ấy thế nhưng lợi dụng lúc trời nhá nhem tối, hoặc rạng sáng họ đánh tàu sang phía gần bờ của VQG để hút trộm. Thậm chí họ còn bố trí một hệ thống thông tin liên lạc cảnh báo cho "đồng bọn". Nếu có lực lượng chức năng di chuyển tới thì những chiếc tàu đang hút trộm sẽ ngay lập tức nổ  máy di chuyển sang phía bờ bên kia thuộc tỉnh Lâm Đồng, như vậy là xong.

VQG Cát Tiên đã thông báo tình trạng này cho các cơ quan chức năng, đồng thời cảnh báo những nguy hại của việc khai thác cát đối với hệ sinh thái của VQG Cát Tiên cho các cơ quan chức năng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng kiểm lâm của VQG phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan xử lý nhiều vụ việc bơm, hút trộm cát gây ảnh hưởng tới VQG. Vì là địa bàn giáp ranh giữa nhiều tỉnh nên việc triển khai bắt quả tang các đối tượng rất khó khăn, đã vậy việc xử lý lại càng không tới nơi tới chốn.

“Nói thật là chúng tôi đang ở trong cảnh “lực bất tòng tâm”, vì vấn đề khai thác cát trái phép ngoài tầm kiểm soát của VQG. Giấy phép khai thác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh cấp phép. Giữa thực tế và giấy phép có một sự không rõ ràng! Hơn nữa chúng tôi đã báo cáo, kiến nghị tới cơ quan chức năng nhiều lần rồi, nhưng việc xử lý không đi đến đâu, chính vì vậy nên anh em của Hạt cũng nản lòng” – ông Trần Văn Bình nói.

      ĐỨC TRUNG – NÔNG NGÂN

Tin cùng chuyên mục