Khai thác từ YouTube: Lợi hại đủ đường

Là website chia sẻ video lớn nhất thế giới, YouTube không còn dừng lại ở chức năng giải trí, học tập hay truyền tải thông tin mà vài năm trở lại đây, nó đã trở thành công cụ kiếm tiền của một bộ phận giới trẻ nắm bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ số… 

Công cụ kiếm tiền của giới trẻ

So với nhiều nước trên thế giới, giới trẻ Việt bước chân vào thương vụ kiếm tiền từ YouTube khá trễ bởi Google mới mở dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho phép YouTuber Việt (người đưa video lên YouTube) kiếm tiền. Bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị công nghệ cũng như sự bùng nổ của mạng xã hội trong nước đã hỗ trợ nhiệt tình cho các YouTuber Việt khai thác mảnh đất màu mỡ từ YouTube. 

Hiện nay, các YouTuber có 2 cách để phát triển kênh của mình. Một số chọn những clip sẵn có trên mạng để chỉnh sửa rồi đăng lên YouTube, cách này sẽ nhanh chóng thu hút người xem, nhưng lợi nhuận lại được chuyển cho người làm ra nó. Vì vậy, nhiều người chọn cách này để thu hút người đăng ký theo dõi trước khi bắt tay vào những sản phẩm riêng.

Trong khi đó, một số phát triển theo hướng tự sản xuất clip rồi đăng tải lên. Cách này đòi hỏi phải đầu tư dài hơi cả về chất xám, thời gian và kinh phí nhưng nếu clip thu hút người xem thì lợi nhuận kiếm được là không nhỏ. Đây cũng là cách đang được đông đảo YouTuber hướng đến.   

YouTube trả tiền cho YouTuber thông qua các quảng cáo được YouTube tự chèn vào, trung bình 0,1-1USD/1.000 lượt xem và 0,3-0,5USD đối với mỗi cú click chuột vào quảng cáo. Bởi vậy, có những kênh, YouTuber kiếm hàng chục ngàn USD mỗi tháng nhưng cũng có kênh chỉ lẹt đẹt vài chục USD, thậm chí kênh YouTube sẽ chết yểu nếu không đủ sức hút.

Khai thác từ YouTube: Lợi hại đủ đường ảnh 1 Trẻ em đang là đối tượng được nhiều YouTuber khai thác và thu được không ít thành công
ChuongTV, một YouTuber ở lĩnh vực sitcom, cho biết: “Tôi biết tìm cách kiếm tiền trên YouTube từ thời sinh viên nhưng khi ấy thiết bị công nghệ hỗ trợ chưa phổ biến, vì vậy khi ra trường, công tác tại một trung tâm đào tạo diễn viên trẻ, tôi cùng nhóm học viên mới bắt tay vào thực hiện dự định này. Chúng tôi viết kịch bản, thực hành diễn xuất, chủ yếu sản xuất các phim hài ngắn và đưa lên YouTube. Thời gian đầu chỉ vài trăm lượt xem, chủ yếu là bạn bè trên mạng xã hội, dần dần đã tăng lên vài trăm ngàn lượt xem. Sau hơn 5 tháng ra mắt, chúng tôi đã có nguồn thu từ YouTube, dù chỉ trên dưới 20 triệu/tháng nhưng quan trọng là có sân chơi để các học viên rèn luyện và nỗ lực”.

Hay nhờ năng khiếu trang điểm đẹp, Vũ Trang Hồng Hạnh (ngụ quận 11, TPHCM) cũng có một kênh riêng trên YouTube hướng dẫn trang điểm tự nhiên tại nhà với hàng ngàn người đăng ký theo dõi, đem về thu nhập bình quân vài triệu đồng mỗi tháng.

Phạm Quang Đỉnh (sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) cũng kiếm được tiền sinh hoạt phí nhờ kênh chia sẻ về cách chơi game online.

Mới đây, ngoài kiểm duyệt khắt khe hơn về nội dung, YouTube còn thắt chặt chính sách kiếm tiền, mỗi video clip phải có trên 4.000 giờ xem/tháng và kênh phải có ít nhất 1.000 người đăng ký theo dõi thì mới được bật tính năng kiếm tiền. Đó là những con số không hề nhỏ nhưng nhiều bạn trẻ vẫn nỗ lực để tranh thủ tiềm năng của YouTube.

Đa dạng lĩnh vực

Theo Bộ TT-TT, hiện Việt Nam có khoảng 78.000 kênh YouTube của người Việt, trong đó có những nhóm bạn trẻ kiếm hàng triệu USD mỗi năm và sống khỏe nhờ chuyên tâm làm clip tung lên YouTube. 

YouTube có nhiều phân khúc người xem, trong đó thanh niên và trẻ em hiện đang là những đối tượng được các YouTuber nhắm đến nhiều nhất, vì vậy mà nội dung khai thác cũng vô cùng đa dạng, ở mọi lĩnh vực từ âm nhạc, du lịch khám phá, phim ngắn, ẩm thực, học tập; hướng dẫn kinh doanh, trang điểm, chụp hình đẹp, chơi game… Những năm gần đây, trẻ em là đối tượng xem YouTube nhiều nhất nên các YouTuber tập trung khá nhiều vào đối tượng này và thu được không ít thành công.  

Có thể kể đến kênh Pop Kids với hơn 5,3 triệu người đăng ký theo dõi. Được biết đến là ngôi nhà giáo dục và giải trí hàng đầu dành cho trẻ em, Pop Kids bao gồm các bộ phim hoạt hình, video ca nhạc, video học tiếng Anh… sống động và cuốn hút.

Hay kênh của chị Thơ Nguyễn chuyên sản xuất clip cho trẻ em với hơn 4,7 triệu người đăng ký theo dõi sau hơn 2 năm thành lập. Thơ Nguyễn tên thật là Nguyễn Hồng Thơ, 26 tuổi, chủ một cửa hàng thời trang ở TPHCM. Sản phẩm của Thơ Nguyễn xoay quanh các clip về đồ chơi, hướng dẫn các bé nấu các món ăn đơn giản, làm đồ chơi handmade… Trong đó có clip thu hút gần 7 triệu lượt xem, đem về cho Thơ Nguyễn hàng trăm ngàn USD mỗi tháng. 

Tương tự, KN Channel với hơn 4,1 triệu người đăng ký theo dõi, là kênh chia sẻ những món đồ chơi mới của nhiều hãng trên thế giới với rất nhiều loại đồ chơi dành cho trẻ em. Với lối dẫn truyện dí dỏm của búp bê chibi có tên gọi Bé Na, giúp các bé vừa giải trí, vừa học được nhiều kỹ năng trong cuộc sống nên đã thu hút đông đảo trẻ em theo dõi…

Cũng giống như các thị trường giải trí khác, bên cạnh các sản phẩm lành mạnh thì thị trường YouTube cũng có không ít sản phẩm tiêu cực nhận những phản ứng gay gắt từ người xem. Đơn cử như các clip đóng giả nhóm khủng bố IS đặt bom giả tại nơi công cộng gây hoang mang cho người dân; hay các clip Người nhện và Nữ hoàng băng giá trên kênh Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life với nội dung phản cảm, không phù hợp với trẻ nhỏ, đã bị Bộ TT-TT xử phạt hành chính.

Gần nhất là kênh YouTube của chương trình “Date & Kiss” - một show thực tế chuyên trị về hôn hít, gây bất bình trong dư luận, buộc phải ngưng phát sóng sau 2 số, vì “quá sức chịu đựng” đối với người xem...

YouTube đã, đang và sẽ là mảnh đất màu mỡ để cho nhiều người khai thác, nhưng trước “cơn lốc” từ các video clip được tung lên ngày càng nhiều thì nó càng đòi hỏi các YouTuber phải đầu tư công phu, nghiêm túc về mọi mặt và sản phẩm phải thực sự lành mạnh, hữu ích thì mới đủ sức cạnh tranh và tồn tại.

Tin cùng chuyên mục