Khẩn cấp “chống lưng” nông dân vùng hạn, mặn

Vụ lúa đông xuân 2016 này, ông Bùi Văn Tài, ở ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang canh tác 8,5ha. Khi lúa sắp chín thì nước mặn tràn vào làm lép hạt, lúa hư hết, mất trắng hơn 160 triệu đồng. Theo UBND xã Bình Giang, đến nay đã có hơn 2.000ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. Điều đáng nói là vụ hè thu 2015, nhiều diện tích lúa cũng bị chết do mặn, nay vừa khôi phục thì tiếp tục trắng tay. Mất mùa 2 vụ liền khiến bà con kiệt quệ, nợ chất chồng. Mấy ngày qua, có hàng trăm người lên xã xác nhận đơn để ra Bình Dương, Đồng Nai… làm thuê kiếm sống. Số hộ nghèo năm nay chắc chắn tăng.

Câu chuyện ở xã Bình Giang cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều nơi khi“cơn bão” hạn, mặn đang càn quét ở vựa lúa. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chạnh lòng trước 160.000ha lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại, tương đương 800.000 tấn lúa mất trắng, 300.000 hộ với khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập. Dự báo sẽ còn nhiều diện tích lúa, cây ăn quả, thủy sản, gia súc… bị chết và thiệt hại. Hiện có khoảng 1 triệu dân thiếu nước ngọt sử dụng, phải đi mua với giá 60.000 - 80.000 đồng/m3, gấp 8 lần so với giá ở thành phố. Bộ trưởng nhận định, tình hình hạn, mặn còn khốc liệt trong những tháng tới. Dự báo đỉnh điểm sẽ vào tháng 4, 5, 6 và chưa biết khi nào kết thúc. Vì vậy, phòng chống hạn, mặn đang cấp bách, nhất là tăng cường hỗ trợ nông dân bị thiệt hại vượt qua khó khăn. 

Những ngày qua, các tỉnh ĐBSCL cũng đã thống kê diện tích lúa bị thiệt hại và đang triển khai hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để bà con có điều kiện mua giống sản xuất vụ hè thu tới. Các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre… đã đưa nước ngọt đến dân; đồng thời chở nước ngọt bằng sà lan để tiếp ứng những vùng thiếu nước. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, đã huy động thêm cả xe của lực lượng phòng cháy chữa cháy chở nước ngọt hỗ trợ cho dân và vận động “người có nước ngọt chia sẻ cho hộ khó khăn về nguồn nước”.

Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc phòng chống hạn, mặn bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, điều không ai mong muốn là thiệt hại về sản xuất cứ ngày càng tăng. Cùng với cây lúa thì hiện nay nhiều diện tích nuôi tôm, hào, nghêu ở các vùng ven biển bị hạn, mặn làm chết la liệt; nhiều ruộng mía ở Sóc Trăng bị khô héo do nắng nóng và mặn tấn công; các vườn cây ăn trái cũng xơ xác do mặn; rồi đàn bò ở Bến Tre đang thiếu nước uống, thiếu rơm ăn… Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lo lắng: “Hồi tháng 2-2016, khi tỉnh công bố thiên tai thì diện tích lúa bị thiệt hại là 34.000ha, nhưng sang tháng 3 đã tăng lên hơn 55.000ha. Nông dân chỉ cần mất mùa 1 vụ là nghèo tới 2 - 3 năm. Vì vậy, hỗ trợ cho người dân lúc này là rất quan trọng và cấp bách”.

Theo các nhà khoa học, việc hỗ trợ nông dân trồng lúa bị thiệt hại, tiếp ứng nước ngọt, khoanh nợ ngân hàng… là cần thiết trong cái khó hiện nay. Song, đây là giải pháp tình thế; vấn đề đặt ra về lâu dài cần tính toán lại cơ cấu sản xuất ở ĐBSCL phù hợp với tình hình mới. GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ băn khoăn, có nên trồng lúa quá nhiều và làm 3 vụ/năm trong điều kiện thiếu nước ngọt như hiện nay. Chưa kể, đã nhiều năm nước ta xuất khẩu gạo ở tốp đầu thế giới nhưng nông dân vẫn khó giàu. Do đó, đã đến lúc phải thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp ĐBSCL thì nông dân mới bứt phá lên được. GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần quy hoạch hợp lý những vùng nào, nơi nào trồng chuyên lúa. Bên cạnh đó, mạnh dạn chuyển đổi những vùng phù hợp sang luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ rau, màu hoặc nuôi thủy sản sẽ hiệu quả hơn. Không nên xem nước mặn là tác hại, bởi mặn cũng có cái lợi của nó. Cụ thể, các vùng ven biển ĐBSCL phát triển nghề nuôi tôm, nghêu… cho thu nhập cao hơn làm lúa; mô hình luân canh lúa - tôm ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng mang lại lợi nhuận gấp 4 - 5 lần so chuyên lúa. Vấn đề là lâu nay Nhà nước cứ tập trung đầu tư cho lúa mà chưa quan tâm nhiều đến nuôi thủy sản, cây ăn trái, rau màu… Một khi thay đổi tư duy và có sự đầu tư đúng mức sẽ biến những khó khăn về hạn, mặn thành cơ hội để chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, giúp nông dân làm giàu. 

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục