Khẩn cấp có biện pháp phục hồi cấp nước sinh hoạt tại Đà Nẵng

Liên tiếp trong nhiều ngày qua, tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Đà Nẵng bị thiếu nước sinh hoạt khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.
Người dân hứng nước tại các điểm cấp nước tạm
Người dân hứng nước tại các điểm cấp nước tạm

Tại hầu hết các quận trên địa bàn TP Đà Nẵng đều rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, nhất là tại quận Ngũ hành Sơn và Sơn Trà, nơi tập trung nhiều khu chung cư, khách sạn, nhà hàng.

Người dân hứng từng can nước về dùng
Tại các khu dân cư, mặc dù Dawaco đã xây dựng 19 điểm cung ứng nước bằng bồn nhưng bồn quá nhỏ, lượng nước quá ít so với nhu cầu quá lớn của người dân trong mùa nắng nóng khủng khiếp này.
Nhiều hộ dân không hứng được nước đành phải mua nước đóng chai về nấu ăn và uống, còn tắm giặt thì đến nhà người thân người dân cách hàng chục cây số để tắm giặt nhờ. Có nhiều người không thể tắm, giặt trong nhiều ngày qua. 
Khẩn cấp có biện pháp phục hồi cấp nước sinh hoạt tại Đà Nẵng ảnh 2 Người dân mót nước tại các hầm chứa nước khu chung cư về sử dụng
Không chỉ vậy, tình trạng cúp nước cũng diễn ra tại các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng khiến gây khó khăn cho hoạt động khám chữa bệnh. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Công an TP Đà Nẵng điều động xe chữa cháy đến cấp nước cho các bệnh viện.
Khẩn cấp có biện pháp phục hồi cấp nước sinh hoạt tại Đà Nẵng ảnh 3 Cửa thu nước thô tại Nhà máy nước Cầu Đỏ bị xâm nhập mặn nghiêm trọng nên công suất nhà máy giảm, dẫn đến nước yếu hoặc cúp nước trên diện rộng
Theo Dawaco, do tình hình nguồn nước thô tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn quá nặng (trên 1.200mg/l) nên công suất cấp nước giảm khoảng 93.000m³/ngày đêm. Vì thế đã xảy ra tình trạng nước yếu hoặc cúp nước trên diện rộng. 
Khẩn cấp có biện pháp phục hồi cấp nước sinh hoạt tại Đà Nẵng ảnh 4 Ông Hồ Hương, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng
Khẩn cấp có biện pháp phục hồi cấp nước sinh hoạt tại Đà Nẵng ảnh 5 UBND TP Đà Nẵng họp khẩn để bàn phương án hồi phục cấp nước
Trước tình trạng thiếu nước nghiêm trong liên tiếp mấy ngày qua tại Đà Nẵng, trưa 21-8, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có cuộc họp với các sở ngành liên quan và đại diện các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia để bàn phương án khẩn cấp nhằm khôi phục cấp nước trên địa bàn TP Đà Nẵng. 

Tại cuộc họp, Sở TNMT TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay, dung tích còn lại của hồ A Vương so với mực nước chết vào sáng 20-8 là 28,55 triệu m³. Nếu xả theo Quy trình với lưu lượng 28m³/s thì thời gian còn lại có thể xả nước là 23,56 ngày; nếu xả lên đến 50-70m³/s khoảng 10 ngày là hồ cạn nước.

Sơ đồ các thủy điện trên thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn
Dung tích còn lại của hồ Đắk Mi 4 so với mực nước chết vào sáng 20-8 là 16,76 triệu m³. Nếu không huy động hồ Đắk Mi 4 phát điện (xả nước về sông Thu Bồn) và xả nước về hạ lưu sông Vu Gia với lưu lượng 12,5m³/s thì thời gian còn lại có thể xả nước là 15,5 ngày và nếu xả lên đến 25m³/s khoảng 7,7 ngày là hồ cạn nước. 

Theo Sở TNMT, so với năm 2018, tình trạng xâm nhập mặn trong năm 2019 xuất hiện sớm hơn, diễn ra dài ngày hơn và gay gắt hơn. Độ mặn cao nhất ghi nhận được trong năm 2018 vào lúc 00 giờ 30 phút ngày 31-7-2018 có giá trị là 1.207mg/l, trong khi đó độ mặn cao nhất trong năm 2019 tính đến ngày 20-8 ghi nhận được vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 2-7 là 4.411mg/l.

Vì vậy, Sở TNMT TP Đà Nẵng đề nghị không huy động điện của nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 (xả về sông thu bồn) nhằm giữ lại nguồn nước hiện có còn lại trong hồ Đắk Mi 4 để chống hạn, giảm mặn, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia (bao gồm cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng và khoảng 4000ha lúa của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng).

Đồng thời, yêu cầu hồ thủy điện Đắk Mi 4 vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng bằng 25m³/s đến khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ giảm xuống dưới 1000 mg/l thì vận hành xả nước trở lại theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Đối với hồ thủy điện A Vương, vận hành xả nước liên tục 24 giờ với lưu lượng trung bình ngày không nhỏ hơn 70m³/s đến khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ giảm xuống dưới 1000mg/l thì vận hành xả nước bình thường trở lại theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Yêu cầu chủ các hồ chứa phải chấp hành việc điều chỉnh lưu lượng, thời gian vận hành hồ của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
 Theo Sở TNMT TP Đà Nẵng, phải khẩn cấp triển khai thực hiện ngay lập tức để điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa nhằm giảm mặn, khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP Đà Nẵng (không quá 24 giờ/đợt).

Trong quá trình vận hành xả nước, nếu UBND TP Đà Nẵng có yêu cầu giảm lưu lượng xả nước để đảm bảo sử dụng nguồn nước còn lại trong hồ tiết kiệm, hiệu quả thì thực hiện theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng.

Khi hồ thủy điện Đắk Mi 4 và hồ thủy điện A Vương vận hành xả nước để giảm mặn cho hạ du sông Vu Gia, yêu cầu các hồ Sông Bung 5 và Sông Bung 6 phối hợp vận hành xả nước cùng lúc để đảm bảo hiệu quả giảm mặn.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương
Ông Ngô Xuân Thế, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, hiện nay hồ chứa thủy điện A Vương đã xuống dưới mực nước chết nhưng công ty sẵn sàng xả nước qua phát điện với lưu lượng mà UBND TP Đà Nẵng yêu cầu. Tuy nhiên, để tiết kiệm nguồn nước và dự trữ cho đến đầu mùa mưa, ông Thế đề nghị UBND TP Đà Nẵng, Sở TNMT và Dawaco phải tính toán kỹ lưu lượng xả cần thiết để tiết kiệm nước. 
Khẩn cấp có biện pháp phục hồi cấp nước sinh hoạt tại Đà Nẵng ảnh 8 Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị các nhà máy thủy điện xả nước đẩy mặn cho hạ du Vu Gia
Tại cuộc họp, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị đơn vị chủ quản của thủy điện Đắk Mi 4 dừng phát điện, dự trữ nguồn nước để khi cần thiết xả bù về cho hệ thống sông Vu Gia (vì khi phát điện, thủy điện Đắk Mi 4 đổ nước về phía sông Thu Bồn – PV). Ông Đặng Việt Dũng cũng đề nghị đại diện các nhà máy thủy điện xả nước theo quy trình vận hành liên hồ để đảm bảo đẩy mặn cho hạ du sông Vu Gia, khôi phục cấp nước trở lại cho TP Đà Nẵng. 

Bên cạnh đó, ông Đặng Việt Dũng cũng đề nghị Sở Xây dựng, Sở TNMT và Dawaco tính toán kỹ lưu lượng nước cần thiết có thể đẩy mặn ở Cầu Đỏ xuống dưới 1.000mg/l để tiết kiệm nhất nhằm dự trữ nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện, đề phòng trong trường hợp cấp thiết, lâu dài. 

Ông Dũng cũng đề nghị Sở TNMT TP Đà Nẵng làm việc với Sở TNMT tỉnh Quảng Nam để cùng có văn bản gửi Bộ TNMT sử dụng nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện trong trường hợp cấp thiết tương tự như hiện nay có thể xảy ra từ nay đến khi có mưa.

Trong chiều 21-8, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký văn bản 5661/UBND-STNMT đề nghị các công ty thủy điện và Dawaco phối hợp vận hành xả nước từ các hồ chứa thủy điện để khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP Đà Nẵng. Văn bản này đồng thời được gửi đến Bộ TNMT, Bộ Công thương, Thành ủy Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và các đơn vị liên quan. 

Theo đó, tình hình xâm nhập mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ, không có mưa trên lưu vực và việc cạn kiệt nguồn nước tại hồ Sông Bung 4 đã dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn TP Đà Nẵng từ ngày 19-8 đến nay và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài nếu tình trạng xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn.

Theo ý kiến thống nhất của các đơn vị dự họp tại cuộc họp sáng ngày 21-8 tại UBND TP Đà Nẵng bàn về điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện để khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đề nghị:

- Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Mi: Vận hành xả nước từ hồ thủy điện Đắk Mi 4 về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng bằng 25 m3/s đến khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ giảm xuống dưới 1.000 mg/l thì vận hành xả nước trở lại theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 8 năm 2019.

- Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương: Vận hành xả nước liên tục 24 giờ với lưu lượng trung bình ngày không nhỏ hơn 70m3/s từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 8 năm 2019 để góp phần giảm mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ. Từ 15 giờ 00 ngày 22 tháng 8 năm 2019 vận hành xả nước bình thường trở lại theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Trong quá trình vận hành xả nước 24 giờ nêu trên, nếu UBND thành phố Đà Nẵng có yêu cầu giảm lưu lượng xả nước để đảm bảo sử dụng nguồn nước còn lại trong hồ tiết kiệm, hiệu quả thì đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương thực hiện theo yêu cầu của UBND thành phố Đà Nẵng.

- Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 và Công ty Cổ phần Sông Bung: Phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương và Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Mi trong việc vận hành xả nước đồng thời từ các hồ Sông Bung 5 và Sông Bung 6 khi hồ thủy điện Đắk Mi 4và hồ thủy điện A Vương vận hành xả nước để đảm bảo hiệu quả giảm mặn cho hạ du sông Vu Gia.

- Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng chủ động lấy nước từ đập dâng An Trạch và khai thác hiệu quả nguồn nước điều tiết về từ các hồ chứa thủy điện từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 8 năm 2019 đến 15 giờ ngày 22 tháng 8 năm 2019 để khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; theo dõi sát sao diễn biến độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ, tình hình thủy văn trên lưu vực và thực hiện tiếp tục các phương án cấp nước an toàn theo kịch bản đã được phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục