Khẩn trương thi công 2 bến xe mới

Theo Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - chủ đầu tư 2 bến xe khách liên tỉnh mới của TPHCM là Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây - việc thi công 2 bến xe này đang được tiến hành khẩn trương.
Tại Bến xe Miền Đông, SAMCO đang tập trung nguồn lực triển khai thi công phần hạ tầng và chuẩn bị khởi công gói thầu cọc và tầng hầm nhà ga. Khó khăn hiện nay trong việc thi công ở đây là còn 2 hộ dân ở quận 9 chưa hoàn tất việc di dời. Còn tại Bến xe Miền Tây, SAMCO đang hoàn chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết sau khi đã có hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Công tác giải tỏa đền bù đang được xúc tiến, tuy nhiên còn chậm do chưa được phê duyệt đơn giá đất. 
Được biết, theo quy hoạch “Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, 2 bến xe khách liên tỉnh Miền Đông và Miền Tây sẽ được di dời ra quận 9 và huyện Bình Chánh, thay cho vị trí hiện tại. Việc di dời 2 bến xe này nhằm tổ chức lại giao thông trên địa bàn thành phố được tốt hơn. Mặt bằng của 2 bến xe hiện hữu sẽ được tổ chức lại làm bến cho xe buýt và các dịch vụ vận tải khác.
Cũng theo quy hoạch trên, Bến xe Miền Đông mới là quần thể phức hợp, bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích trên 16ha (rộng gần gấp 3 so với Bến xe Miền Đông hiện hữu), phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến; cao điểm ngày lễ, tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến. Bến xe cũng kết hợp với các tiện ích khác như bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu, khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa, khu thương mại dịch vụ. Giai đoạn 1 của dự án gồm xây dựng nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải. 
Nằm tại vị trí giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương, Bến xe Miền Đông mới được kỳ vọng sẽ giữ vai trò là đầu mối giao thông trọng yếu trong hệ thống giao thông vận tải của thành phố. Ngoài xe khách liên tỉnh, bến xe mới sẽ có nhiều phương thức vận tải hành khách công cộng để phục vụ việc chuyển tiếp hành khách vào trung tâm thành phố và các đô thị vệ tinh như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến xe buýt nhanh đi thành phố mới Bình Dương (đang nghiên cứu) và các tuyến xe buýt, taxi đưa đón khách, kết nối thuận tiện giữa TPHCM với các đô thị vệ tinh. Dự án xây dựng Bến xe Miền Đông mới được thiết kế theo mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (Transit Oriented Development - TOD). Đây là mô hình phát triển đô thị tiên tiến đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Mô hình này tạo cho các khu vực đô thị sự thuận lợi trong tiếp cận hệ thống giao thông công cộng, đa dạng hóa các hoạt động chức năng, đảm bảo môi trường trong lành với các không gian mở phục vụ hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, học hành, giao tiếp… cho người dân.
Dự án Bến xe Miền Tây mới có tổng diện tích giải phóng mặt bằng 24,33ha, trong đó diện tích xây dựng bến xe mới là 17ha, depot (trạm bảo hành sửa chữa xe) của tuyến xe buýt BRT (buýt nhanh) và lộ giới quốc lộ 1A là 4,33ha. Bến xe miền Tây mới dự kiến phục vụ mỗi ngày hơn 30.000 hành khách với gần 1.400 lượt xe xuất bến, những ngày cao điểm lên đến 63.000 lượt hành khách/ngày và 2.200 lượt xe xuất bến/ngày. Dự án kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông công cộng như tuyến metro số 3a Bến Thành (quận 1) - ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh), Monorail số 2 quốc lộ 50 (quận 8) - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy (quận 2) - Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), xe buýt nhanh - BRT và các tuyến xe buýt trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục