Khẳng định một con đường

LTS:
Khẳng định một con đường

LTS: Tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đường lối đổi mới đất nước. Nhìn lại 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-2010), tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, từ ngày 1-11 đến 12-11-2010 và từ ngày 6-12 đến 16-12-2010, Báo SGGP đã đăng loạt bài: “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi”. Bên cạnh trên 20 bài của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý và bạn đọc đã đăng, Tòa soạn Báo SGGP còn nhận được nhiều bài viết, ý kiến đóng góp về đề tài này. Do khuôn khổ có hạn, chúng tôi tạm dừng tại đây, xin chân thành cảm ơn sự đóng góp của các đồng chí, các bạn và các cơ quan truyền thông đại chúng, đặc biệt Đài Truyền hình TPHCM đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian qua. Để khép lại loạt bài này, xin trân trọng giới thiệu bài viết mang tính tổng hợp của Ban Biên tập.

Nhạy bén và sáng tạo

Mọi người còn nhớ, ngày 19-8-1991, Đảng Cộng sản Liên Xô tự giải tán. Nhưng thực chất, trước đó, khi Gorbachev lên làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ tháng 3-1985, đưa ra quan điểm “Dân chủ hóa tính công khai, dư luận đa nguyên hóa”, Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô Viết (Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết) đã đứng bên bờ vực thẳm. Rõ nhất, tháng 6-1988, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô, Gorbachev đã tuyên bố: “Phương châm chủ yếu của cải tổ thể chế chính trị Liên Xô không chỉ là vấn đề “Dân chủ hóa tính công khai, dư luận đa nguyên hóa” mà phải loại bỏ vấn đề Đảng Cộng sản Liên Xô là hạt nhân của thể chế chính trị Liên Xô, là vấn đề phải chuyển trung tâm quyền lực Nhà nước từ tay Đảng Cộng sản sang Xô Viết”.

Chưa hết, tháng 7-1990, Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 28 đã thông qua tuyên bố có tính cương lĩnh: “Tiến tới XHCN dân chủ hóa nhân đạo”. Đây là một sai lầm nghiêm trọng về đường lối dẫn đến sự sụp đổ của Nhà nước Xô Viết, tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô - một trong những tổ chức Đảng Cộng sản lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Đã hơn 20 năm trôi qua, có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều ý kiến khác nhau lý giải vì sao Liên Xô tan rã, vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tự giải tán? Nhưng có thể nói điểm chung nhất là mô hình XHCN ở Liên Xô đã quá già cỗi, lỗi thời, không phù hợp với quy luật phát triển và Đảng Cộng sản Liên Xô tự làm mất vai trò lãnh đạo của mình đã dẫn đến bi kịch ấy.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu chế xuất Linh Trung II (quận Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: T.L.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu chế xuất Linh Trung II (quận Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: T.L.

Nhận rõ tình hình thế giới và từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, ngay từ những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhạy bén và sáng tạo, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đề ra đường lối và có bước đi phù hợp để giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), Đảng ta đã quyết định công cuộc đổi mới. Suốt 1/4 thế kỷ qua, kiên định và kiên trì đường lối, mục tiêu đã chọn, Đảng ta đã lãnh đạo công cuộc đổi mới ngày càng thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, xây dựng đất nước ta theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Thành tựu và những bài học

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI quyết định sự nghiệp đổi mới có nhiều nội dung. Các bài viết của các tác giả trong loạt bài “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi”, đã khái quát những vấn đề cơ bản nhất nội dung ấy, trước hết xuất phát điểm là đổi mới tư duy. Theo đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư của Đảng thì Tổng Bí thư Trường Chinh - một trong những đồng chí lãnh đạo của Đảng ta là người khởi xướng, thiết kế chiến lược công cuộc đổi mới (Hải Hòa). Với tư duy lý luận sắc sảo và nhạy bén, với kinh nghiệm thực tiễn sống động, các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn thoát ra khỏi những quan niệm và nếp nghĩ quen thuộc, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét lại một số vấn đề trong đường lối kinh tế của Đảng. Đồng chí Trường Chinh là người khởi xướng công cuộc đổi mới với nội dung khá toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế.

Thực tiễn 25 năm qua minh chứng, với sự đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thu được những kết quả bước đầu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Điểm đáng chú ý nhất, nhờ đổi mới tư duy, chúng ta đã giải phóng được sức lao động, mở rộng quan hệ quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, đổi mới công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân. Nhờ giải phóng sức lao động, thu hút các nguồn lực xã hội, tình hình kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội của đất nước ta đã có bước chuyển biến khá sâu sắc. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu ăn triền miên, từ 1990, sau gần 5 năm triển khai công cuộc đổi mới, Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Đến nay Việt Nam là nước đứng trong tốp đầu các quốc gia xuất khẩu gạo. Năm 2010, dự kiến xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo, góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu.

Nhờ công cuộc đổi mới với việc xây dựng nền kinh tế thị trường - định hướng XHCN, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong suốt thời gian dài. Năm 2009 trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương (5,23%). Kiên trì đường lối đổi mới kinh tế trong vòng 25 năm qua, GDP của Việt Nam từ mức dưới 20 tỷ USD đã lên trên 80 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD đã lên đến trên 60 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài từ chỗ không có gì lên đến con số gần 90 tỷ USD. Sau 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ một nền kinh tế lạc hậu, thiếu thốn, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực.

Cùng với những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, nhờ công cuộc đổi mới, đất nước ta đã thu nhiều thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, nước ta ngày càng chủ động hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 77 nước và quan hệ thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và vai trò Chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 2010.

Thành tựu của công cuộc đổi mới đã góp phần to lớn nâng cao mức sống người dân. Năm 1990, Việt Nam là 1 trong những nước nghèo nhất thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người 100 USD thì nay đã lên tới 1.200 USD/người/năm, vượt qua ngưỡng các nước đang phát triển có thu nhập thấp. Nước ta được LHQ đánh giá là một trong những quốc gia hoàn thành sớm các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015, trong đó xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, phổ cập giáo dục trung học là những mục tiêu thành công nhất.

Các tác giả tham gia vệt bài “Đổi mới để phát triển – Đường chúng ta đi” cũng nêu bật những bài học kinh nghiệm và ý nghĩa của công cuộc đổi mới đất nước. Đó là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta (Nguyễn Thế Nghĩa), là sự đòi hỏi bức thiết của đất nước và dân tộc (Thảo Nguyên)… Nhờ công cuộc đổi mới, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng có những chuyển biến sâu sắc. Đã phát huy dân chủ trong Đảng, thực thi dân chủ trong xã hội (Tô Huy Rứa), Xây dựng được nền tài chính mở, an toàn, lành mạnh (Hồng Quân), Không thể đứng ngoài những biến đổi to lớn của thế giới (Vũ Khoan), Tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo theo hướng đồng hành với dân tộc và chủ nghĩa xã hội (Đỗ Quang Hưng) và Chỉ có một con đường (Võ Trần Chí)…

Từ góc độ của một nhà nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, tác giả Merle Ratner thuộc Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở New York đã gửi bài tham gia diễn đàn với tiêu đề “Đổi mới là tiếp thu chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam”. Cùng với các bài đã tham gia vệt bài “Học thuyết Mác - Lênin và CNXH - Trào lưu hay quy luật tất yếu?” đã đăng trên Báo SGGP trước đây, bài viết này của Merle Ratner đã được bạn đọc đặc biệt chú ý.

Với những câu chuyện người thật, việc thật, phần 2 của loạt bài “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi”, các tác giả đã kể lại một cách chân thực quá trình triển khai công cuộc đổi mới ở từng đơn vị, địa phương mình. Đó là Dấu ấn từ những đề xuất đột phá (Phan Chánh Dưỡng), Cảm ơn đổi mới (Trần Hữu Đức), Dĩ bất biến, ứng vạn biến (Vũ Hắc Bồng), Chủ động nhìn ra thế giới (Lê Duy Hạnh), Chuyện cổ tích ngày nay (Đăng Nguyên), Xây dựng con người mới Việt Nam thế kỷ XXI (GS Trần Thanh Đạm), Nhớ ký ức cũ để tiếp tục đổi mới (Minh Ngọc)…

Tất cả các bài viết đều khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta, những thành tựu và những bài học của quá trình đổi mới, trong đó sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin - Tư tưởng Hồ Chí Minh; đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi phù hợp, đổi mới phục vụ lợi ích nhân dân, thường xuyên nâng cao năng lực, sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Đảng, là những bài học sâu sắc nhất.

Khẳng định một con đường

Thực tiễn phong phú và thành tựu đạt được qua 25 năm đổi mới đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Các tác giả tham gia loạt bài “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi” đều khẳng định điều ấy và kiến nghị những giải pháp để tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới một cách toàn diện, mạnh mẽ theo con đường xã hội chủ nghĩa. Để con đường đổi mới thành công, bạn đọc kiến nghị Đảng phải dũng cảm mổ xẻ vấn đề của Đảng (Đại tá Nguyễn Tấn Dẫu), Dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật (Tô Bửu Giám), Nhận rõ thách thức để tìm cách vượt qua (Trần Mai Khanh), Đảng cần quan tâm đến chiến lược đào tạo con người (Phan Văn Thông), Lắng nghe nguyện vọng của quần chúng (Lâm Tư Quang), Đi sát người dân để có quyết sách đúng (Đỗ Hoàng Giao)…

Kiến nghị các giải pháp chỉ rõ những tồn tại để đi đến sự khẳng định là: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đảm bảo cho dân tộc ta có độc lập, tự do thật sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mới thực hiện được mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng đất nước ta theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

Trần Thế Tuyển

Tin cùng chuyên mục