Khẳng định quyết tâm không làm oan sai, không để sót lọt tội phạm

Sáng 7-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân năm 2017. 

 

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội trường
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội trường
Đề nghị trình tự tố tụng riêng với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Bày tỏ lo ngại về sự gia tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm xâm hại tình dục, ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cảnh báo đây còn là sự báo động về tình trạng suy đồi, xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị áp dụng trình tự thủ tục đặc biệt trong điều tra xâm phạm tình dục trẻ em. Vì vậy, phải có điều tra viên, hoặc tổ chức điều tra đặc biệt am hiểu chuyên môn về các vụ việc này; đồng thời, cần có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý vào quá trình điều tra để bảo đảm vừa xử lý nghiêm minh tội phạm nhưng cũng hạn chế thấp nhất những sang chấn tâm lý đối với nạn nhân.

Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, diễn biến của loại tội phạm này rất phức tạp, chứng cứ chứng minh tội phạm ít nên rất khó khăn trong công tác đấu tranh, kết luận xử lý đối tượng tội phạm. Bộ Công an đã đề xuất với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các cơ quan tư pháp để xây dựng cơ chế đặc biệt để điều tra, kết luận đối với các loại hành vi, tội phạm này. Phát biểu trước Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng, với loại tội phạm này, chứng cứ vật chất thường rất yếu, người thi hành công vụ dễ có tâm lý sợ oan sai nên không dám khởi tố vụ án, bắt tạm giam bị can. Có ĐBQH đề nghị có giải pháp điều tra đặc biệt, đây là điều cần thiết nhưng cũng cần cân nhắc, không nên tạo ra áp lực cho cán bộ điều tra cũng như kiểm sát viên.

Cần quy định xử lý nghiêm cán bộ vi phạm đã thôi việc, nghỉ hưu

Trước khi khép lại phần giải trình của các cơ quan có trách nhiệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã báo cáo thêm với Quốc hội về vấn đề phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Chính phủ kiên quyết thanh tra, kiểm tra, phát hiện đưa ra truy tố, xét xử để xử lý nghiêm minh trước pháp luật các vụ án kinh tế nghiêm trọng theo đúng tinh thần không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai. Chính phủ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (hoàn chỉnh dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi) để trình Quốc hội; tổng kết và sửa đổi Luật Thanh tra, triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự, hoàn thiện cơ chế giám định về tư pháp. Tiếp đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính phục vụ; sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác…

Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định sẽ khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu; thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là trong đánh giá, bổ nhiệm người đứng đầu…

Tăng cường đối thoại với dân có lý có tình

Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2017 số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để KNTC, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%; tổng số đơn KNTC giảm 8,9%; tổng số vụ việc KNTC thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 14,8%. Tuy nhiên số đoàn khiếu kiện đông người tăng 10,2% so với năm 2016. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 60,4% trong tổng số đơn khiếu nại.

Thảo luận về vấn đề này, các ĐBQH bày tỏ lo lắng khi số vụ KNTC giảm nhưng tính chất phức tạp lại tăng lên (thể hiện qua số vụ KNTC đông người gia tăng, có nhiều vụ gây mất trật tự an toàn xã hội). Chính phủ cần phân tích rõ để có giải pháp phù hợp. ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa), ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) và các ĐB khác cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến dân KNTC là về vấn đề đất đai, cho thấy Luật Đất đai có vấn đề. ĐBQH đề nghị Chính phủ huy động những chuyên gia giỏi nhất để sửa luật đất đai.

ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nêu thực tế, những vụ việc KNTC của công dân dai dẳng năm này qua năm khác, trong khi đó một số cơ quan chức năng có biểu hiện đùn đẩy trong giải quyết. Không ít người đi khiếu nại phải bán hết tài sản để theo đuổi trong thời gian dài, có người chết rồi vẫn chưa được giải quyết, có những người đời cha mẹ khiếu nại chưa xong lại chuyển sang đời con. “Đây là mũi kim đâm vào da thịt, là sự nhức nhối nếu chúng ta đặt địa vị mình vào người dân đi khiếu nại?”, ĐB Nguyễn Minh Sơn nói và đề nghị các cơ quan giải quyết cần có cam kết giải quyết, không để tình trạng lặp đi lặp lại “đang xem xét giải quyết”. 

Theo ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang), một trong những nguyên nhân khiến KNTC kéo dài là do thái độ đùn đẩy, né tránh trả lời dân của cán bộ, chính quyền địa phương. Vì không được trả lời thỏa đáng nên dân khiếu kiện lên trên, gây mất thời gian, lãng phí nguồn lực của Nhà nước cũng như của nhân dân. ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng cho rằng, nếu cán bộ sát dân, đối thoại cùng dân ngay khi vụ việc còn manh nha thì sẽ không để phát sinh các vụ việc KNTC vượt cấp. Nhưng thực tế thì không phải cán bộ nào cũng làm tốt việc này. 

ĐB Ngọ Duy Hiểu dẫn câu chuyện Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường mới đây đã có buổi đối thoại trực tiếp để nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các tiểu thương chợ Sặt, phường Tân Biên, TP Biên Hòa (sau vài giờ đối thoại, vụ việc của hơn 300 tiểu thương chợ Sặt đã được giải quyết sau thời gian dài) và cho rằng, đối thoại không chỉ góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn mà còn giúp cho phát triển kinh tế - xã hội. ĐB Ngọ Duy Hiểu đề nghị thực hiện nghiêm quy định tiếp dân, đối thoại với dân để yên dân, không làm phức tạp tình hình, dẫn đến KNTC phức tạp. 

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích, theo báo cáo, tỷ lệ khiếu nại sai là 75%, khiếu nại đúng hoàn toàn chỉ 10%. Lĩnh vực tố cáo cũng có tỷ lệ tương tự. Như vậy, cứ 20 vụ KNTC thì có 5 vụ có nội dung vừa đúng vừa sai, cứ 10 vụ thì có 1 vụ KNTC đúng hoàn toàn. Vì thế, với những vụ KNTC còn tồn đọng, Thanh tra Chính phủ cần tập trung ưu tiên giải quyết. “Tâm lý chung của người đi KNTC là được gặp người có thẩm quyền cao nhất về giải quyết KNTC, vì vậy cần tiếp tục duy trì việc đối thoại, giải quyết KNTC của người đứng đầu để tăng hiệu quả. Bên cạnh chỉ tiêu giải quyết KNTC, cần có chỉ tiêu giải quyết KNTC đúng thời hạn quy định”, ĐB Dương Minh Tuấn kiến nghị. 

Nhiều ĐB cho rằng, giải quyết KNTC là nghệ thuật hòa giải. Cán bộ tiếp dân, giải quyết KNTC phải có lý có tình, có tình sẽ giảm đối đầu căng thẳng không cần thiết, chấm dứt đơn thư khiếu kiện, không để người dân phải dai dẳng với tình trạng “con kiến kiện củ khoai”

Tin cùng chuyên mục