Khánh thành và đưa vào vận hành 2 tổ hợp điện gió, điện mặt trời lớn nhất cả nước

Sáng 27-4, Trungnam Group chính thức đưa vào vận hành tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn 1 tại xã Bắc Phong và xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Đưa vào vận hành tổ hợp điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh QUỐC HÙNG
Đưa vào vận hành tổ hợp điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh QUỐC HÙNG

 Đến dự và nhấn nút vận hành tổ hợp điện có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, viện, trường, tổ chức khoa học và công nghệ.

Tổ hợp năng lượng tái tao Trung Nam gồm trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời Trung Nam được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm Biến áp 220 kV Tháp Chàm.

Tổng sản lượng khai thác hàng năm của tổ hợp năng lượng Điện gió - Điện mặt trời Trung Nam đạt 950 triệu kWh - 1 tỷ kWh điện mỗi năm, tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam  (tính đến tháng 5-2019). Trong đó, nhà máy điện mặt trời có công suất 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/ năm.

Tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Dự án được thi công chỉ trong thời gian 10 tháng. Nhà máy triển khai trên diện tích 264 ha, sử dụng hơn 700.000 tấm pin thế hệ mới. Trong khi đó, Nhà máy điện gió Trung Nam công suất 151,95 MW, gồm 45 tuabin.

Đặc trưng tại cánh đồng điện mặt trời là Thiết bị INVERTER & công nghệ chuyển hóa bức xa mặt trời do Siemens cung cấp. Các thiết bị được thiết kế chịu nhiệt độ trên 40 độ C, mà không suy giảm hiệu suất chuyển hoá, cũng như không xảy ra tình trạng quá tải do nhiệt độ cao.

Các thiết bị, phụ kiện khác do Siemens triển khai đạt được kích thước tối ưu khi gọn và nhẹ hơn so với các hãng khác. Quan trọng nhất là tính linh hoạt mà công nghệ mang lại, với 18 bán dẫn, công trình có thể tiếp tục kết nối thêm các tấm pin mặt trời trực tiếp với hệ thống đã lắp đặt và tăng sản lượng khai thác.

Công nghệ tuabin gió là công nghệ “không hộp số” (gearless) và tự động điều chỉnh đón gió do ENERCON của CHLB Đức -  nhà sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu Châu Âu. Với công nghệ tuabin này, các trụ gió tại trang trại điện gió Trung Nam có thể vận hành bình thường với tốc độ gió 2.5 m/giây và với tốc độ gió như thế là các tuabin khởi động.

Theo tỉnh Ninh Thuận, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, có 16 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất khoảng 1.154MW và tổng vốn đăng ký sấp xỉ 37.000 tỷ đồng. Cụ thể, 12 dự án điện gió được phê duyệt, hiện có 4 dự án hoàn thành trong năm 2018 và 6 dự án đang triển khai xây dựng.
Hiện tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo khung quy định của Chính phủ. Cụ thể, Chủ đầu tư dự án được miễn tiền thuê đất, được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt quá trình thực hiện dự án; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng thời, được miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu...

Tin cùng chuyên mục