Khát vọng đất Mũi

Gần 18 giờ ngày 21-3, bất chấp cảm giác oi nồng, hàng ngàn học sinh (HS) từ các trường THPT ùn ùn chen qua cổng trường THPT mang tên người nữ anh hùng biệt động của Cà Mau - Hồ Thị Kỷ.
Khát vọng đất Mũi

Gần 18 giờ ngày 21-3, bất chấp cảm giác oi nồng, hàng ngàn học sinh (HS) từ các trường THPT ùn ùn chen qua cổng trường THPT mang tên người nữ anh hùng biệt động của Cà Mau - Hồ Thị Kỷ.

Cà Mau “tăng nhiệt”

Khát vọng đất Mũi ảnh 1

Học sinh Cà Mau đặt câu hỏi tại buổi tư vấn Hướng nghiệp - Tuyển sinh 2009 do Báo SGGP tổ chức.

Sân trường vốn chỉ vỏn vẹn vài cây xanh, hôm nay càng “quá tải” để đảm đương nhiệm vụ giảm nhiệt hàng ngàn bạn trẻ. Ở vùng đất cực Nam Tổ quốc, mặt trời mọc và lặn đều trễ hơn so với các tỉnh ĐBSCL nên gần 18 giờ mà trời vẫn còn sáng.

Sân trường Hồ Thị Kỷ hôm nay tràn ngập màu trắng tinh khôi, những tà áo dài tung bay trong gió chiều. Lượng HS đông hơn dự kiến của ban tổ chức, lượng báo SGGP phát ra (2.500 tờ) không đủ nên các bạn phải đọc “ké” báo nhau, háo hức với những thông tin về tuyển sinh và bảng trắc nghiệm sở thích ngành nghề theo lý thuyết Holland.

Thế nhưng, khi chương trình vừa bắt đầu, các em học sinh đã ở vào tư thế nghiêm túc lắng nghe các thầy tư vấn. Vì “các em học sinh Cà Mau ngoan quá!”, và vì các bạn “khát” thông tin chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh quan trọng sắp tới nên các thầy rất hồ hởi, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của các em.

Khi chương trình đang rất sôi nổi, bỗng bên ngoài cổng trường, nhiều HS của Trường THPT Nguyễn Việt Khoái nôn nóng ào vào trong tham gia vì đến trễ. Cô Hoàng Thị Ngọc Hà, giáo viên phụ trách HS Trường THPT Nguyễn Việt Khoái cho biết: “Lâu lắm rồi HS của trường không được đoàn tư vấn từ các trường đại học lớn xuống. Lần này Báo SGGP tổ chức ở đây, trường cho tất cả HS khối 12, chừng 700 em, đi nghe. Quý lắm cô à, HS chỉ được học hướng nghiệp 2 tiết/tuần thì đâu có đủ để cập nhật thông tin, hiểu hết bản chất của từng ngành nghề mà lựa chọn cho phù hợp trước những kỳ tuyển sinh cam go. Mà khi thiếu thì các em trở nên hăm hở tìm hiểu, nhiều em ở tận xã Tắc Thủ, Lương Thế Chân xa cả chục cây số cũng đạp xe đi nghe thầy cô tư vấn lựa chọn ngành nghề”.

“Khát” thông tin nên các em tranh nhau đặt câu hỏi, song sau mỗi lần hỏi – đáp, chỉ có một cánh tay được chọn trong “rừng” cánh tay giơ lên, thậm chí khi thầy giải đáp chưa xong, trò đã “cướp” lời thầy để… giành quyền hỏi và các thầy tư vấn thông cảm với “nỗi lòng” của trò. Bẽn lẽn, rụt rè nhưng vì muốn những thắc mắc về tương lai của mình sớm được giải đáp, Huệ đã lấy hết can đảm lên sân khấu mượn micro để đặt câu hỏi. Tuy nhiên, do các bạn nam quá nhanh nên bao lần em định hỏi thì bị câu hỏi của các bạn át mất. Cuối cùng em đã thủ trước micro để đặt câu hỏi.

Để biết “mình là ai”

Th.S Trần Đình Lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã làm “nóng” sân trường khi hướng dẫn các em tìm hiểu về trắc nghiệm sở thích ngành nghề theo thuyết Holland để biết “mình là ai”. “Hàng năm, có rất nhiều em chọn ngành nghề sai, không phù hợp với sở thích, sở trường và năng lực bản thân, dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của bản thân, gia đình, xã hội”, thầy Lý nhấn mạnh.

Khát vọng đất Mũi ảnh 2

Ban tư vấn chương trình Hướng nghiệp - Tuyển sinh 2009 của Báo SGGP trả lời các câu hỏi của học sinh ở Cà Mau.

Theo hướng dẫn của thầy, từng HS đã “chấm điểm” cho mình, ngạc nhiên đến thích thú khi “phát hiện được các kiểu người trội nhất đang tiềm ẩn để tự định hướng khi lựa chọn nghề”. Nhưng phải giải quyết ra sao khi mơ ước nghề nghiệp đối lập với thực tế, khả năng tài chính của gia đình?

Trần Trương Hương Huệ (lớp 12B7, THPT Cà Mau) bày tỏ nguyện vọng thích theo học ngành sư phạm nhưng không biết ngành này đào tạo có miễn học phí không, nhờ các thầy chỉ cho em con đường để đi?

TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ đã gỡ rối và động viên: “Em đã yêu thích ngành sư phạm thì em nên cố gắng quyết tâm để thực hiện cho được ước mơ của mình vì ngành này không đóng học phí. Con đường này sẽ giúp em thực hiện ước mơ của mình”.

Các chuyên gia tư vấn đến từ các trường ĐH khu vực ĐBSCL, TPHCM: TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ; TS Võ Văn Thắng, Phó hiệu trưởng ĐH An Giang; TS Võ Hoàng Khiêm, Phó hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu; Th.S Trần Đình Lý, Ban chủ nhiệm CLB Hướng nghiệp các trường ĐH phía Nam, chuyên gia Trần Tài Năng, Phó hiệu trưởng CĐ cộng đồng Cà Mau; bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, CĐ Y tế Cà Mau… đã mang đến không khí hào hứng, sôi nổi cho chương trình tư vấn.

Tiếp xúc với Huệ mới thấy hết nỗi khát khao của cô HS nghèo miền sông nước. “Ba em làm nhân viên tạp vụ trong trường tháng chỉ có vài trăm ngàn đồng, mẹ thì bệnh tim, sức khỏe yếu nên không thể làm những việc thường ngày. Do đó, suy đi tính lại em quyết chọn ngành sư phạm để học khỏi tốn học phí và ra trường về dạy cho các em ở quê mình” – Huệ bùi ngùi kể. Nhưng nghị lực và sự cố gắng của em khiến nhiều người thán phục. Sau mỗi buổi học, Huệ phải tức tốc đạp xe đi “làm ô sin” để mỗi ngày phụ giúp gia đình 20.000 đồng.

Các chuyên gia tư vấn đã liên tục giải đáp rất nhiều câu hỏi của các em về điền hồ sơ đăng ký dự thi, nguyện vọng dự thi, cơ hội việc làm, chính sách học bổng, những ngành nghề “mũi nhọn” của ĐBSCL…. Không chỉ cung cấp thông tin, các chuyên gia còn đưa ra thông điệp cho HS vùng đất Mũi: “Chọn nghề mới khó, chọn trường thì quá dễ. Chất lượng đào tạo các trường khu vực ĐBSCL ngày một phát triển mạnh, chú trọng hợp tác đào tạo với các trường danh tiếng trong và ngoài nước”.

TS Đỗ Văn Xê, TS Võ Văn Thắng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, Th.S Trần Đình Lý đã bỏ cả buổi họp quan trọng để dành thời gian đến với chương trình mong tư vấn cho các em những thông tin hữu ích. “Chúng tôi hơi bất ngờ vì qua các câu hỏi chứng tỏ các em học sinh tại Cà Mau rất ít thông tin về ngành nghề và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009. Nhiều em không biết điền nguyện vọng 1, 2, 3 như thế nào”, các thầy tư vấn nói.

HS đất Mũi đói thông tin tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh từ nhiều năm qua, nếu được sự quan tâm đúng vấn đề, đúng thời điểm như thế này sẽ là điểm tựa để kinh tế, xã hội Cà Mau nói riêng, ĐBSCL vững chắc cất cánh.

Gần 10 giờ tối, nhưng vẫn còn rất nhiều em HS vây quanh thầy Xê, thầy Lý đặt câu hỏi. Tiếng cô lao công của trường vang lên, đầy vẻ sốt ruột: “Mấy em hỏi gì nhiều quá! Khuya rồi, để cho các thầy được nghỉ”. Song, các thầy vẫn nhiệt tình giải đáp những thắc mắc của các em, quên đi cái đói, cái mệt. Trên trời, dường như những vì sao ngày càng lấp lánh, thắp sáng khát vọng của vùng đất Mũi - miền đất cực Nam Tổ quốc.

NGND-TS Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau:

Chương trình tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh của Báo SGGP “Tiên hướng nghiệp – Hậu hướng trường” rất bổ ích, cung cấp nhiều thông tin mới, giải đáp thắc mắc ngành, nghề cho các em HS vùng sâu vùng xa, vốn chịu nhiều thiệt thòi. Cảm ơn các thầy đã không quản đường sá xa xôi đến Cà Mau. Các em cũng đã không phụ lòng ban tư vấn khi tập trung đông đủ, khi mạnh dạn hỏi nhiều câu hỏi trực tiếp hoặc gián tiếp. 3 năm gần đây, tỷ lệ đậu ĐH của Cà Mau tăng dần, năm sau cao hơn năm trước. Đó là nhờ các em biết lượng sức mình, chọn trường phù hợp theo nguyện vọng, năng lực.

Sau buổi tư vấn này, các em đã được trang bị nhiều thông tin nên hãy nhanh chóng điền hồ sơ ĐKDT để có thời gian tập trung cho việc học. Cần tốt nghiệp THPT trước rồi mới có thể đi thi ĐH, mới có cơ hội chọn trường theo mơ ước.

Nhóm PV Khoa giáo

Tin cùng chuyên mục