Khi doanh nghiệp công nghệ Việt vươn tầm thế giới

Những năm qua có khá nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam muốn vươn ra thế giới để khẳng định mình, như VNG, VNPT, CMC, Bkav… Dù chưa gặt hái được nhiều kết quả như Viettel và FPT, hay có nền tảng để có thể vươn xa như Vingroup, nhưng họ đều khát khao khẳng định trí tuệ, khả năng của người Việt Nam đối với thế giới.

Mới đây, những chiếc điện thoại thông minh Vsmart của Tập đoàn Vingroup đã chính thức được bán ở châu Âu thông qua chuỗi gần 90 cửa hàng của MediaMarkt, nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng số 1 châu Âu với hơn 35 năm kinh nghiệm và đã có mặt tại 13 quốc gia trên thế giới. Đây là những sản phẩm “Made in Việt Nam” đang được sản xuất tại Nhà máy Vsmart ở Hải Phòng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao nhất trong sản xuất công nghiệp của thế giới.

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng (Phó Tổng Giám đốc Marketing, Công ty VinSmart) cho biết: “Tây Ban Nha là thị trường nước ngoài đầu tiên của Vsmart. Một thị trường cực kỳ quan trọng và là cửa ngõ giúp chúng tôi vươn ra thị trường châu Âu. Với việc sở hữu 51% cổ phần của BQ, công ty công nghệ hàng đầu Tây Ban Nha, cùng các tiềm lực tài chính và uy tín của chủ đầu tư Vingroup, chúng tôi tự hào là đơn vị kết nối trí tuệ Việt và công nghệ tiên tiến nhất của thế giới. Chúng tôi kỳ vọng VinSmart sẽ trở thành một trong những công ty điện tử lớn với một hệ sinh thái đầy đủ của những thiết bị thông minh, từ điện thoại, thiết bị nội thất đến các thiết bị thông minh khác…”.

Từ một doanh nghiệp nổi tiếng và chuyên về bất động sản, thời gian qua Vingroup liên tục có những “bước đi” ra thị trường quốc tế. Tháng 7-2018, công ty con của Tập đoàn Vingroup là Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VinFast đã mở văn phòng tại Đức. Đầu tháng 3-2019, Vingroup đã chính thức khai trương Công ty VinTech tại Hàn Quốc nhằm nghiên cứu ứng dụng các công nghệ IoT, AI, robotics và phát triển các sản phẩm, giải pháp thông minh. Với sự hiện diện của Vsmart tại Tây Ban Nha, Vingroup đang cho thấy quyết tâm trở thành công ty công nghệ toàn cầu của mình.

Trước Vingroup, Tập đoàn Viettel đã khẳng định được tên tuổi về một nhà mạng viễn thông cũng như công ty công nghệ ở tầm quốc tế. Đến thời điểm hiện nay, Viettel đang kinh doanh tại 10 thị trường quốc tế, gồm: Campuchia, Lào, Haiti, Myanmar, Burundi, Mozambique, Tanzania, Cameroon, Đông Timor và Peru.

Tại Myanmar, Mytel là mạng di động đầu tiên và duy nhất phủ sóng 4G trên phạm vi toàn quốc khi khai trương
Đến nay, Tập đoàn Viettel có vốn đăng ký đầu tư ở các thị trường quốc tế là hơn 2 tỷ USD, trong đó hơn 50% đã được giải ngân. Tổng lợi nhuận được chuyển về Việt Nam là 516 triệu USD, chiếm gần 45% số vốn đã đầu tư. Mục tiêu tới năm 2020 của Viettel là mở rộng thị trường đầu tư đạt quy mô dân số 400 - 500 triệu dân và vào tốp 10 công ty viễn thông toàn cầu.
Chính nhờ những kết quả kinh doanh trong nước và quốc tế tốt mà Brand Finance (nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới) đã tiếp tục xếp hạng Viettel là thương hiệu đứng số 1 Việt Nam về giá trị trong năm 2018, với mức định giá 3,178 tỷ USD (tăng 23,7% so với 2017).
Trong bảng xếp hạng 300 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới năm 2018 của Brand Finance, Viettel đứng thứ 47 (tăng một bậc so với năm 2017), xấp xỉ các nhà mạng khác như Singtel (số 1 ở Singapore), Ooredoo (số 1 ở khu vực Trung Đông). Đó là những giá trị mà chưa một nhà mạng nói riêng hay một doanh nghiệp Việt Nam nào đạt được.

Với Tập đoàn FPT, câu chuyện của doanh nghiệp này dài kỳ hơn, từ chuyện đi làm gia công phần mềm nước ngoài để đến nay đã khẳng định được vị trí, tên tuổi của mình. Đến nay, FPT là đối tác của hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, từ IBM, Microsoft, đến Apple, Amazon, SAP, GE… FPT hiện có văn phòng đại diện ở hầu hết các châu lục, quốc gia phát triển: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Singapore...

Năm 2018, FPT là công ty CNTT đầu tiên của Việt Nam mua 90% cổ phần của Intellinet, một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong hành trình hiện thực tầm nhìn và tham vọng mới của FPT, mà ở đó FPT sẽ trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành, bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, cho biết, vị thế của FPT giờ đây cũng đã khác. Trước đây, FPT từng mất 10 năm để thuyết phục một hãng hàng không hàng đầu thế giới ký kết dự án. Nhưng với năng lực về công nghệ hiện nay, đặc biệt là các công nghệ mới liên quan đến chuyển đổi số, FPT có thể nhanh chóng tiếp cận với lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn trong danh sách Fortune 500 để cùng tìm giải pháp công nghệ phù hợp cho sự phát triển của họ. Hiện tại, FPT đã sẵn sàng cung cấp giải pháp chuyển đổi số tổng thể cho các tập đoàn toàn cầu, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Cùng với 3 doanh nghiệp trên, những năm qua có khá nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam muốn vươn ra thế giới để khẳng định mình, như VNG, VNPT, CMC, Bkav… Dù chưa gặt hái được nhiều kết quả như Viettel và FPT, hay có nền tảng để có thể vươn xa như Vingroup, nhưng họ đều khát khao khẳng định trí tuệ, khả năng của người Việt Nam đối với thế giới. Đó là điều đáng mừng và đáng tự hào, khi mà trong một thời gian dài, Việt Nam thường bị xem là “vùng trũng” về sự phát triển công nghệ thế giới! 

Tin cùng chuyên mục