Khi lãnh đạo đi cơ sở

Để tạo sự gần gũi, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhiều lãnh đạo phường, xã tại TPHCM đã dành thời gian đi xuống cơ sở. 
Đồng chí Phan Tiến Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Tân Thành, (bìa phải) trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với người dân địa phương
Đồng chí Phan Tiến Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Tân Thành, (bìa phải) trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với người dân địa phương
Nhiều phường còn có hẳn kế hoạch để người đứng đầu mỗi tuần sẽ đi tiếp xúc một tổ dân phố nhằm kịp thời giải quyết những kiến nghị, khúc mắc của người dân, những vấn đề đặt ra từ cơ sở. Thực tế, việc cán bộ lãnh đạo cơ sở chịu khó “vi hành” đã tạo được sợi dây gắn bó mật thiết giữa người dân với đảng, chính quyền. 
Gần dân để lắng nghe dân
Xác định sự gần gũi của người đứng đầu địa phương sẽ tạo được sự tin tưởng trong nhân dân, nên từ nhiều năm nay Đảng ủy phường Tân Thành, quận Tân Phú (TPHCM) thường xuyên có các buổi xuống tổ dân phố để gặp gỡ, thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Gần đây, phường đã có kế hoạch để lãnh đạo Đảng bộ mỗi tuần đi tiếp xúc một tổ dân phố. Chính cách làm này đã giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thêm gần dân, lắng nghe một cách cầu thị tình hình đời sống, tâm tư dân một cách sát thực nhất.
Nhờ gần dân, lãnh đạo phường Tân Thành đã kịp thời giải quyết những kiến nghị của người dân một cách nhanh chóng. Một trong những kết quả nổi bật từ những chuyến đi cơ sở của lãnh đạo phường là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được giữ vững, các đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân gởi đến phường hầu như không có. Vì khi trực tiếp xuống dân thì các vấn đề nóng đã được giải quyết kịp thời. 
Cụ thể, phường Tân Thành thông báo công khai đến từng hộ dân về chương trình tiếp xúc với dân của Đảng bộ phường để mời gọi người dân tham gia. Tùy theo tình hình của tổ dân phố, người dân đang có những khúc mắc, bức xúc gì cần lãnh đạo giải quyết thì khi xuống cơ sở, Đảng ủy thường sẽ mời các đơn vị có liên quan cùng đi để kịp thời giải thích, giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất. “Mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri, hội nghị người đứng đầu cấp ủy với người dân.Nhưng tại các buổi ấy, người dân đôi khi còn e ngại chưa thể hiện hết chính kiến, bức xúc của mình, thì chính các buổi gặp tại tổ dân phố sẽ giúp người dân cởi mở hơn, dễ dàng nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình”, đồng chí Phan Tiến Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Tân Thành, cho biết.
Ngoài ra, từ những chuyến “vi hành” này, lãnh đạo phường còn nghe được những góp ý của người dân, từ đó khắc phục những thiếu sót và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách vững mạnh hơn. Tại các buổi gặp hàng tuần với người dân, lãnh đạo phường còn đến các hộ gia đình chính sách, neo đơn, hộ khó khăn để thăm hỏi, động viên, trao tặng những phần quà. Nhờ đó, lãnh đạo địa phương và người dân càng thêm gắn bó. 
Người dân sống trên địa bàn phường 10, quận Phú Nhuận thường bắt gặp hình ảnh Chủ tịch phường Ngô Giang Hoàng Hân chạy xe xuống các con hẻm trên địa bàn. Lúc thì đồng chí ghé vào thăm hỏi một nhà dân, khi thì thấy chủ tịch vào nhà tổ trưởng để nhắc về tình hình vệ sinh trong tổ.
Nhất là sau các cơn mưa lớn, đồng chí Hoàng Hân thường đi xuống các khu vực để xem xét tình hình nơi nào ngập, nơi nào không để có hướng khắc phục. Các lĩnh vực đều có cán bộ chuyên trách của phường nắm tình hình và báo cáo lại, nhưng theo đồng chí Hoàng Hân, việc bản thân trực tiếp đi thực tế sẽ giúp người đứng đầu nắm rõ tình hình, biết hoàn cảnh người dân ra sao, tâm tư của dân thế nào để khi ký một văn bản, ra một quyết định sẽ sát với thực tế đời sống người dân hơn.
Ngoài ra, đồng chí Hoàng Hân cũng cho biết, chính khi thấy lãnh đạo phường thường xuyên đi cơ sở, người dân sẽ cởi mở, thẳng thắn hơn khi trao đổi những vấn đề đang xảy ra tại địa phương và cán bộ phụ trách cũng không dám lơ là, báo cáo suông sự việc. Đồng thời, đây cũng là cách giúp lãnh đạo biết được thái độ phục vụ của cán bộ chuyên trách khi đến làm việc với dân, từ đó giúp giảm thiểu những tiêu cực trong nhiệm vụ hàng ngày. 
Lãnh đạo càng gần dân, uy tín càng cao 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cấp xã (phường, xã, thị trấn) là nơi gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp cơ sở làm được việc thì mọi chuyện đều xong xuôi”. Bởi đây là cấp gần nhất giúp người dân giải quyết các vấn đề khúc mắc. Thực tế sự gần gũi, hiểu và lắng nghe dân sẽ giúp uy tín của người đứng đầu địa phương trong nhân dân được tốt hơn và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước khi triển khai xuống người dân cũng sẽ dễ dàng hơn. 
“Tâm lý người dân khi có điều bức xúc thì đều muốn được gặp người đứng đầu, bởi dân nghĩ, lãnh đạo là người có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất. Nếu lãnh đạo địa phương thường xuyên gặp gỡ dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân thì khi có việc cần sự hỗ trợ từ sức dân tất nhiên sẽ thuận lợi, còn ngược lại, dân chưa tin thì mình không thể thành công. Ngày xưa, Bác Hồ dù bận biết bao công việc nhưng Người luôn dành thời gian đi cơ sở. Những nơi Bác đến chính là nơi bà con còn gặp nhiều khó khăn, đơn vị chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, để Bác có thể lắng nghe dân, nghe cán bộ nói về những khó khăn, bức xúc và từ đó Bác có hướng hỗ trợ, giúp đỡ một cách thiết thực”, đảng viên Nguyễn Khánh Toàn (38 năm tuổi Đảng, ngụ phường 12 quận Tân Bình) bày tỏ. Là người sống trong dân, ông Toàn hiểu tâm tư của người dân sẽ dễ dàng được giải tỏa khi được gặp lãnh đạo. Và người lãnh đạo càng gần dân thì uy tín càng cao.

Tin cùng chuyên mục