Khi “một tay vỗ không kêu”

Lâu nay, chuyện “luồng xanh, luồng vàng” của ngành hải quan gây nhiều tranh cãi. 
Việc ứng dụng phân luồng đem lại thuận tiện, nhanh chóng cho nhà nhập khẩu thì đã rõ. Thế nhưng, nó có thật sự giúp ngành hải quan làm tốt hơn trong công tác chống buôn lậu hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Những doanh nghiệp “nín thở” để 2 năm không vi phạm là được xếp vào luồng xanh, không bị kiểm tra khi thông quan. Nếu có sự tiếp tay của cán bộ hải quan thì việc buôn lậu càng dễ dàng hơn. Với thực tế khi kiểm tra nhà cán bộ hải quan, dù đi công tác vẫn được doanh nghiệp nộp phong bì đều đặn; hàng trăm chiếc điện thoại smartphone, máy tính bảng lọt qua cửa khẩu dễ dàng, rồi sau đó bị bắt trong quá trình vận chuyển ra khỏi cảng là vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ của ngành hải quan.
Khi “một tay vỗ không kêu” ảnh 1 Làm thủ tục hải quan. Ảnh minh họa
Nhìn lại hồ sơ công an sẽ thấy, không chỉ luồng xanh mà ngay cả hàng phải kiểm, một khi đã có sự tiếp tay của cán bộ hải quan thì hàng lậu qua cửa khẩu dễ dàng. 3 lô hàng gồm 800 chiếc smartphone, máy tính bảng… nhập qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), dù thuộc diện phải kiểm hóa nhưng vẫn lọt qua cửa khẩu. Chính cán bộ Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất tên Lê Nguyễn Thị Ái Trâm - người có nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng - ký khống đã kiểm hóa toàn bộ bằng biện pháp kiểm tra thủ công và cho thông quan. Rồi “một tay vỗ không kêu”, lô hàng lậu thông quan trót lọt còn có sự giúp sức của cả ê kíp cán bộ hải quan trực. Theo điều tra của công an thì ngay cả tờ khai hải quan cũng do một cán bộ hải quan viết hộ, trong khi theo quy định là không được phép. Rồi nhân viên viết biên lai thuế đã viết biên lai sau nhưng ký lùi ngày, giả luôn chữ ký thủ quỹ để hợp thức hóa cho lô hàng…
Thế nhưng, trong vụ này, chỉ có mỗi cán bộ kiểm hóa là bị xử lý hình sự. Và vụ việc xảy ra đã hơn 2 năm qua vẫn chưa được xét xử. Những cán bộ tiếp tay khác vẫn thoát tội. Mặc dù Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã gửi công văn số 4431/CV-PC46 (Đ9) yêu cầu Cục Hải quan TP thi hành kỷ luật đối với đội phó đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu có ca trực, cán bộ viết biên lai thuế, cán bộ viết hộ tờ khai hải quan… Và chính Cục Hải quan TPHCM cũng đã 3 lần gửi văn bản nhắc nhở Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất tiến hành kiểm tra và báo cáo, thế nhưng đến giờ đơn vị này vẫn… ém nhẹm! Đến vụ cán bộ Hải quan TPHCM Nguyễn Tường Duy bị bắt vì nhận nhiều phong bì tiền tỷ của doanh nghiệp đến nay đã hơn 1 năm vẫn chưa bị xử lý; lãnh đạo quản lý phụ trách đội này đã buông lỏng quản lý, dù bị công an triệu tập nhiều lần nhưng vẫn vô can và thậm chí còn được đề bạt! 
Nếu không kịp thời xử lý triệt để những sai phạm “có hệ thống” như thế thì khác nào ngành hải quan đang dung túng cho sai phạm. Buôn lậu sẽ hình thành đường dây với sự tiếp tay của cán bộ hải quan, nếu ngành hải quan không nghiêm túc chấn chỉnh nội bộ. Rõ ràng, với những vụ án chấn động đã xảy ra thời gian qua, ngoài những cán bộ bị bắt thì những cán bộ tiếp tay vẫn không bị kỷ luật, cho thấy ngành hải quan không thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12.

Tin cùng chuyên mục