Khi người khuyết tật vào bếp

Họ đứng cạnh nhau trong nhà bếp của nhà hàng, tay di chuyển nhanh nhẹn nhồi bột vào khuôn nướng bánh. Cặp đôi làm việc chăm chỉ chuẩn bị các món bánh độc đáo của nhà hàng, thỉnh thoảng họ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, hoặc bằng cách viết ra giấy.
Bà Tay được cô Pan hướng dẫn làm bánh
Bà Tay được cô Pan hướng dẫn làm bánh

“Đừng lo lắng”, đầu bếp bánh ngọt Mandy Pan viết vào một tờ giấy. Người học trò của cô, bà Tay Lee Keng, 62 tuổi, đáp lại bằng một nụ cười. Bà Tay bị điếc và được đào tạo tại gian hàng làm bánh của Dignity Kitchen - trường đào tạo doanh nhân xã hội và người bán rong dành cho những người khuyết tật và chậm phát triển. 

Theo Channel News Asia, người sáng lập trường Dignity Kitchen, ông Koh Seng Choon, cho biết các học viên được học các kỹ năng và kinh nghiệm mới sẽ giúp họ tìm việc tại các cơ sở thực phẩm và đồ uống sau khi hết khóa học.

Thông qua người thông dịch ngôn ngữ dành cho người khiếm thính, bà Tay cho biết bà cũng là 1 trong 3 người khuyết tật được tham gia Lễ hội từ thiện Singapore tại Marina Bay Sands vào dịp cuối tuần từ 24 đến 26-8, theo đó các sản phẩm do họ làm ra được bán để lấy tiền làm từ thiện.

Ngoài ra, ông Koh cũng hy vọng rằng cơ hội này sẽ giúp nâng cao nhận thức của các công ty về khả năng tuyển dụng những người khuyết tật như bà Tay. Cũng theo ông Koh, hiện thị trường đang có nhu cầu cao tuyển dụng người có nghề làm bánh. 

Là người dạy các học viên khuyết tật, nữ đầu bếp Pan thừa nhận rằng cô có chút lo lắng về việc giao tiếp với bà Tay ngay từ đầu nhưng hóa ra nỗi sợ hãi đó là vô căn cứ. Cô nhớ lại kinh nghiệm bản thân cũng từng rơi vào trường hợp như bà Tay: “Khi tôi làm việc ở thành phố New York, những người trong đội của tôi là người Pháp hoặc người Mexico… và tôi cũng không thể giao tiếp được với họ do bất đồng ngôn ngữ”.

Nhưng theo cô, thực ra giao tiếp trong nhà bếp không phải là vấn đề lớn. Cô hướng dẫn bà Tay bằng cách sử dụng cử chỉ rất đơn giản trong giao tiếp. Theo cô, “Không giống như chúng ta học hát, chúng ta phải học qua giọng nói. Chuyện bếp núc thì chúng ta học thông qua quan sát. Kỹ năng cộng với bàn tay khéo léo và đôi mắt  quan sát là rất quan trọng”.

Cô khen ngợi bà Tay tiếp thu nhanh và “tràn đầy năng lượng”. Bà Tay thì nhận định về người hướng dẫn mình là “tử tế, thông thái và sẵn sàng chia sẻ”.

Những ngôi trường đào tạo người tàn tật nấu ăn hay học nghề nói chung đã trở thành phổ biến ở đảo quốc sư tử, nơi mọi dịch vụ đều rất lưu tâm đến người tàn tật, từ bến xe buýt, bến xe điện ngầm đến nhà hàng, quán ăn, đường phố đều có lối đi riêng cho người tàn tật.

Vào năm 2015, Chính phủ Singapore đưa ra kế hoạch 5 năm chương trình hỗ trợ người khuyết tật trong các lĩnh vực bao gồm cơ sở hạ tầng và giáo dục công cộng.

Bộ trưởng Phát triển gia đình và xã hội Singapore lúc đó là Tan Chuan-Jin (hiện là Chủ tịch Quốc hội) cam kết rằng chính phủ đi đầu trong việc xác định vai trò và trách nhiệm mà người Singapore với khả năng khác nhau có thể đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, biến Singapore thành một xã hội thực sự, nơi người khuyết tật có thể tham gia đầy đủ như các thành viên khác của xã hội Singapore.

Tin cùng chuyên mục