KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 _ 27-7-2017)

Khi người lính trở về…

Giã biệt chiến trường, những người lính Cụ Hồ trở về quê hương, thân thể mang theo những thương tích của một thời trận mạc. Dầu vậy, với bản lĩnh quật cường không chịu khuất phục, họ đã vượt qua gian khó, tiếp tục đóng góp công sức trong nhiều lĩnh vực, tham gia xây dựng quê hương, đất nước… 
Phát huy bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ
Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu, thì cũng là lúc ông Lữ Hoàng Đốc (65 tuổi, quê ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) bị thương tại chiến trường huyện Hoài Nhơn. Qua 3 lần cưa chân, ông Đốc mất luôn chân phải, trở thành thương binh hạng 1/4. Ngày đất nước giải phóng, cựu binh Lữ Hoàng Đốc trở về quê và kết hôn với nữ thương binh Trần Thị Tám (quê gốc Quảng Nam). Bà Tám trốn gia đình tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. Trong một trận chiến đấu tại huyện Quế Tiên (nay là huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), máy bay địch ném bom rải thảm ở phạm vi bà và đồng đội đang ẩn náu, khiến đầu bà bị chấn thương nặng. 
Khi người lính trở về… ảnh 1 Đến năm 2017, số lượng công nhân ở Công ty 27/7 của cựu binh 
Lữ Hoàng Đốc lên đến trên 50 người, đa số là thương binh
Năm 2010, đôi vợ chồng cựu chiến binh thuê đất tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), lập Công ty TNHH TM - DV 27-7 kinh doanh phụ tùng và lắp ráp các loại xe đạp. Khi công ty đi vào hoạt động, nhiều thương binh tại Bình Định đã tìm đến đóng góp công sức, tạo thành một cơ sở kinh doanh dành riêng cho thương bệnh binh. Hiện Công ty 27-7 có trên 50 công nhân, đều là những thương bệnh binh, cựu chiến binh và con em gia đình chính sách… Lúc cao điểm, công ty xuất ra thị trường gần 2.000 xe đạp các loại. “Chúng tôi đang làm thủ tục xin thuê thêm 3.000m2 đất để mở rộng hoạt động. Nếu địa phương đồng ý, đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp công ty có thể giải quyết thêm việc làm cho các thương bệnh binh và những người đang gặp khó khăn, bị tật nguyền trong xã hội”, ông Đốc chia sẻ. 
Giúp người tàn tật bằng cái tâm 
Ở cái tuổi 70, đáng lẽ ra ông Trần Chiến, thương binh hạng 4/4 (ngụ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phải được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, nhưng ông vẫn lấy việc giúp đỡ những người khuyết tật làm niềm vui. Hiện trong ngực còn mảnh đạn từ hơn 40 năm trước, những lúc trái gió trở trời ông vẫn bị cơn đau hành hạ. Tuy nhiên, chưa lúc nào ông ngơi nghỉ công việc. Sau khi nghỉ hưu, nhiều năm làm tổ trưởng tổ dân phố, đến năm 2014, ông Chiến được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật phường Nhân Chính. 
Khi người lính trở về… ảnh 2 Thương binh hạng 4/4 Trần Chiến lấy việc giúp người hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ làm niềm vui
 Mặc dù không có lương, phụ cấp, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, ông tích cực vận động đoàn thể, nhân dân, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ của hội, dùng giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2016, ông được Hội Cựu chiến binh quận Thanh Xuân biểu dương là tấm gương “Người tốt việc tốt”, cựu chiến binh gương mẫu. Trên địa bàn phường hiện nay có hơn 300 người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam đang sinh sống. Ông tâm niệm, càng giúp đỡ được nhiều người kém may mắn thì càng tốt và ông sẽ làm đến khi không thể làm được nữa. “Bác Hồ dạy thương binh tàn nhưng không phế, tôi cũng noi gương mẹ tôi tham gia công tác xã hội, làm việc thiện giúp những người hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật. Tôi làm những việc này từ tâm, chứ không mong muốn được tôn vinh hay khen thưởng gì cả”, ông chia sẻ.
Niềm vui của người cựu chiến binh
Với suy nghĩ mình là bộ đội Cụ Hồ, những khó khăn thời chiến còn vượt qua được thì thời bình thì có sá chi vài chuyện khó nhỏ nhặt, nên ông Lê Huy Sỹ (Trưởng ban điều hành khu phố 5, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM) luôn tận tụy trong công việc. Ông kiên trì tuyên truyền, vận động để giúp người dân hiểu, tin và tự nguyện tham gia các hoạt động của địa phương như đóng góp các quỹ An ninh quốc phòng, Đền ơn đáp nghĩa, Vì Trường Sa thân yêu, Vì người nghèo…
Khi người lính trở về… ảnh 3 Ông Lê Huy Sỹ (bìa phải) vận động người dân trong khu phố tham gia các hoạt động của địa phương
 Không chỉ vậy, ông còn vận động các mạnh thường quân, gây quỹ cho Chi hội Khuyến học khu phố trao tặng quà các em học sinh có thành tích học tập xuất sắc, hoàn cảnh gia đình khó khăn để động viên, khuyến khích các em tiếp tục nỗ lực trong học tập. Rồi vào cuối năm học, ông Sỹ lại cùng Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tổ chức cho các em thiếu nhi tham quan những di tích lịch sử, cắm trại dã ngoại, hay tổ chức “Đêm hội trăng rằm” nhân dịp Tết Trung thu. Ngoài ra, ông còn cùng các ban ngành vận động xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa để người dân khu phố có nơi rèn luyện sức khỏe, có chỗ sinh hoạt vui chơi, giải trí. 
Hết lòng vì việc chung, thế nhưng khi được khen ngợi, ông Sỹ chỉ cười bảo: “Tôi có làm được việc gì lớn lao đâu, chỉ là góp chút lòng mình cùng bà con xây dựng cuộc sống tốt hơn thôi”. Và niềm vui, hạnh phúc của ông Sỹ chính là nhìn thấy khu phố ngày càng văn minh sạch đẹp, tình làng nghĩa xóm trở nên gắn kết. 
Hiến đất xây trường học
Là bộ đội xuất ngũ, ông Trần Minh Hùng (ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, Hậu Giang) luôn ý thức việc làm theo Bác là nhiệm vụ của bản thân. Khắc ghi lời dạy của Bác về “lợi ích trồng người”, năm 2015, ông mạnh dạn hiến 1.000m² đất hương hỏa của gia đình để địa phương xây dựng trường tiểu học (điểm lẻ của Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực).
Khi người lính trở về… ảnh 4  Cựu chiến binh Trần Minh Hùng bên ngôi trường mà ông hiến đất xây dựng. Ảnh: TRUNG THƠ
Ông Hùng bộc bạch: “Bản thân từng trải qua những thời điểm đưa rước con cái đi học nên tôi biết được sự vất vả của bậc làm cha mẹ. Do là địa bàn nông thôn nên trường lớp thiếu thốn, học sinh nơi đây chịu nhiều thiệt thòi hơn ở khu vực chợ. Với mong muốn con nít trong xóm có được điều kiện học tập tốt hơn nên tôi đã hiến đất để xây trường”.
Trước kia, tại ấp có ngôi trường dành cho bậc tiểu học và mẫu giáo, nhưng do xây dựng đã chục năm nên xuống cấp nghiêm trọng. Cộng thêm việc nạo vét thủy lợi, mở rộng đường giao thông đã khiến khuôn viên trường bị thu hẹp, lề đường nằm sát hành lang lớp học, ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học của cô trò. Hiện tại, ngôi trường xây dựng trên phần đất gia đình ông Hùng hiến tặng có 3 phòng học khang trang, sân chơi rộng thoáng, đáp ứng nhu cầu học tập từ mẫu giáo đến lớp 3 cho học sinh trong khu vực.
Ông Trần Phước Lộc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: “Kinh tế của gia đình ông Hùng với 4 nhân khẩu chỉ ở mức đủ ăn đủ mặc, thu nhập chính trông chờ vào hơn 6.000m² đất ruộng, vườn. Việc ông Hùng tự nguyện hiến một phần đất sản xuất của gia đình để xây dựng trường là rất quý. Ông cũng là đảng viên gương mẫu ở địa phương, mọi phong trào, hoạt động nào cần đến thì ông đều nhiệt tình tham gia”.
Mới đây, gia đình ông Trần Minh Hùng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tin cùng chuyên mục