Sổ tay

Khi quy định “trói” cơ quan quản lý

Trong công tác chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, có những quy định đang làm cho các cơ quan quản lý phải đau đầu, chưa biết nên hành xử thế nào cho hợp lý. Nói theo cách của những người đang thi hành nhiệm vụ là quy định đang “trói” cơ quan quản lý.
 
Khi quyết định toàn dân đi xe máy phải đội nón bảo hiểm, nón ngoại nhập lậu, nón kém chất lượng tràn lan trên thị trường, trở thành một vấn đề thời sự nóng bỏng. Cơ quan quản lý thị trường đã bắt nhiều vụ mua bán, tàng trữ nón kém chất lượng.

Biết là chất lượng kém, thế nhưng để ra một quyết định xử lý đúng, tiêu hủy hoặc phạt và bán thanh lý, đòi hỏi nhiều bước kiểm tra, kiểm định chất lượng. Cũng theo quy định, để có kết luận chất lượng đòi hỏi phải xác định rất nhiều chỉ tiêu cần kiểm tra.

Và để kiểm hết các chỉ tiêu này thì chi phí cho của cơ quan có thẩm quyền khoảng 1,2 triệu đồng/cái. Nếu lô hàng nhỏ, số lượng chỉ có vài cái và mẫu mã nón khác nhau, chi phí kiểm tra tăng lên rất cao, chi phí kiểm định cũng gấp nhiều lần giá trị lô hàng.

Bài toán so sánh, một cái nón bảo hiểm có giá hơn 100.000 đồng, chi phí kiểm tra 1,2 triệu đồng, làm sao mang lại hiệu quả. Đó là chưa kể, cả phía Nam chỉ có một Trung tâm Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng khu vực 3 kiểm nghiệm, nhưng lại không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, do vậy việc kiểm nghiệm kéo dài khiến chi phí thời gian lưu kho, lưu bãi... tăng cao gây khó khăn trong công tác xử lý.
 
Một quy định khác cũng được các cơ quan lo ngại, đó là công tác xử lý các tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, đây cũng là một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập sâu với kinh tế thế giới. Thực tế là khi chủ sở hữu hợp pháp đã xác định hàng hóa vi phạm là giả, hoặc vi phạm sở hữu trí tuệ, thì theo quy định công tác giám định vẫn phải thi hành.

Điều này khiến cho cơ quan thi hành nhiệm vụ mất nhiều thời gian và công sức, thay vì để cho hai bên thương lượng xử lý, nếu bên vi phạm không đồng ý thì chuyển hồ sơ sang tòa án để xử lý như các nước thường làm.
 
Ngay cả việc xử phạt vi phạm hành chính cũng phức tạp. Đơn cử như việc xác định mức khung tiền phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm đối với hàng hóa cấm nhập khẩu, cấm kinh doanh, trong thực tế không thực hiện được. Bởi vì, đã là hàng cấm lưu thông  thì cơ sở để xác định giá gần như không có, chẳng hạn thuốc lá, pháo...
 
Nhiều quy định tưởng như chặt chẽ, chi tiết đến vậy, nhưng triển khai trên thực tế lại không khả thi đã gây khó khăn không ít đối với các cơ quan quản lý nhà nước, làm mất tính nghiêm minh trong quá trình thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng

THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục