Khi thạc sĩ về phường

Chỉ vào tuyến hẻm 59 đường Số 5 khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 (TPHCM) được đổ bê tông phẳng phiu - sạch đẹp, ông Ngô Văn Lạng, Bí thư khu phố, nói: “Ngày trước, mưa chừng nửa giờ là hẻm ngập lênh láng. Sau mỗi đợt mưa như vậy, cả tuần nước vẫn chưa rút hết. Nhưng giờ thì ngon lành, chấp trời mưa cả tháng vẫn không ngập. Có được kết quả này, công của cô Ngọc rất lớn”. Cô Ngọc mà ông Lạng khen ngợi là Bí thư Đảng ủy phường Tăng Nhơn Phú B Hoàng Thị Minh Ngọc.   

Giỏi chuyên môn, khéo dân vận

Nhớ lại quá trình nâng cấp, cải tạo tuyến hẻm, ông Ngô Văn Lạng nói: “Khó khăn vô cùng, kinh phí thì hạn chế, việc vận động hiến đất mở rộng hẻm thì người chịu người không. Cứ thế, việc nâng cấp con hẻm bị kéo dài”. Khó khăn trên được đồng chí Hoàng Thị Minh Ngọc nhìn thấy ngay khi mới về nhận công tác Bí thư Đảng ủy phường (tháng 3-2015).

Để tháo gỡ, hàng ngày, sau giờ làm việc, đồng chí đến gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng của từng hộ dân sống dọc tuyến hẻm và có những chia sẻ thấu đáo. Những phân tích có lý có tình, sự nhiệt thành của bí thư phường đã giúp các hộ dân hiểu được rằng, việc nâng cấp hẻm là việc cần làm và phải làm; lợi ích từ việc mở rộng, bê tông hóa hẻm sẽ là của toàn bộ các hộ dân trong khu phố, của chính mỗi gia đình. Dần dần, tất cả người dân đều đồng tình. 

Khi thạc sĩ về phường ảnh 1 Đồng chí Hoàng Thị Minh Ngọc (bìa phải) trao đổi, tháo gỡ
những vướng mắc trong quá trình nâng cấp các tuyến hẻm
Được sự đồng thuận của người dân là một thành công lớn, Bí thư Đảng ủy phường Tăng Nhơn Phú B Hoàng Thị Minh Ngọc tiếp tục làm việc với đoàn thanh niên tổ chức vận động, kêu gọi doanh nghiệp, người dân hỗ trợ kinh phí. Cuối cùng, hẻm 59 đường Số 5 - “tuyến hẻm đau khổ” nắng bụi mưa lầy đã được bê tông hóa phẳng phiu, sạch đẹp.
Ngoài ra, 3 năm qua, tại phường Tăng Nhơn Phú B còn có 29 công trình đường hẻm khác được nâng cấp, cải tạo với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng. “Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo khéo léo, sự uyển chuyển và sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy. Chúng tôi xem chị Ngọc là tấm gương để học theo”, một cán bộ địa chính phường Tăng Nhơn Phú B chia sẻ.   

Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) là phường có số dân đông nhất nước (gần 120.000 dân). Công tác quy hoạch đất đai còn ngổn ngang, xây dựng trái phép liên tục phát sinh, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư nhiều… 

Khi tổ chức phân công về làm phó chủ tịch UBND phường “nóng” này, Dương Thanh Hậu (34 tuổi) không khỏi bỡ ngỡ, tuy nhiên với sự bản lĩnh, năng động và sáng tạo trong công việc, người cán bộ trẻ này đã biến thách thức thành cơ hội. Một trong những kết quả tích cực đạt được đó là giảm tải thủ tục trong hành chính.

Chứng kiến cảnh người dân đến phường giao dịch phải chờ đợi lâu mỗi ngày, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A Dương Thanh Hậu lấy làm trăn trở. Sau nhiều tháng suy nghĩ, đầu năm 2016, Hậu cùng một số cán bộ phường đã xây dựng và áp dụng thành công mô hình “Kiốt thông tin”.

Theo đó, người dân khi đến phường tìm hiểu thông tin quy hoạch có thể trực tiếp thao tác trên máy đặt tại phường, thay vì phải chờ đợi cán bộ mất nhiều thời gian. Đối với các thủ tục như xin sửa chữa nhà, đăng ký kết hôn, xác nhận tạm trú…, người dân khi nhập vào “Kiốt thông tin” sẽ biết được trình tự quy trình để thực hiện nhanh hơn; một số thủ tục khác, sau khi người dân nhập dữ liệu thông tin vào mẫu có sẵn, máy sẽ in ra để cán bộ phường ký, đóng dấu. Có “Kiốt thông tin”, tình trạng quá tải thủ tục hành chính ở UBND phường Bình Hưng Hòa A không còn, người dân thêm tin yêu, đồng thuận với chính quyền. 

Vận dụng hiệu quả kiến thức được đào tạo 

Hoàng Thị Minh Ngọc và Dương Thanh Hậu là 2 trong số hàng trăm cán bộ thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM khi phân công về cơ sở đã phát huy tốt vai trò của một cán bộ trẻ. “Những phần việc mang tính sáng tạo - đột phá, những câu chuyện giải quyết thấm lòng dân ở cơ sở là kết quả chúng tôi áp dụng, rút ra được từ những bài học quý giá trong quá trình tham gia lớp đào tạo thạc sĩ của Thành ủy TPHCM.

Ở đó, ngoài việc được đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chúng tôi còn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế lẫn nhau từ đồng nghiệp, thầy cô về công tác quản lý nhà nước”, Chủ tịch UBND phường 10 quận 3 Nguyễn Thị Thanh Loan (34 tuổi, cán bộ thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ của Thành ủy TPHCM) chia sẻ về quá trình vận hành kiến thức từ chương trình đào tạo vào thực tế. 

Khi thạc sĩ về phường ảnh 2 Chủ tịch UBND phường 10, quận 3, TPHCM Nguyễn Thị Thanh Loan trao đổi với người dân đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: QUANG HUY
Đồng chí Võ Văn Đức, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy quận 3, cho biết quận hiện có 60 cán bộ thuộc diện trên được phân công về cơ sở, Đảng ủy - UBND các phường. “Phần lớn các cán bộ trẻ này đều được phân công, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý. Tất cả đều phát huy tốt năng lực, luôn chịu khó, năng động, sáng tạo trong công việc”, ông Đức chia sẻ.

Tại quận 9, theo Ban Tổ chức Quận ủy, công tác đánh giá cán bộ những năm gần đây cho thấy hầu hết các cán bộ tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM phân công về cơ sở làm việc đều có kết quả đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”.

Để nâng cao hiệu quả, đồng chí Võ Văn Đức kiến nghị Thành ủy TPHCM mở rộng đối tượng, kéo giãn độ tuổi cán bộ tham gia các chương trình đào tạo; đồng thời sớm tổ chức kỳ thi tuyển công chức khối Đảng, đoàn thể; cải tiến việc thi tuyển công chức đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả hơn thông qua hình thức phỏng vấn, trắc nghiệm trên máy vi tính… Ngoài ra, nên tổ chức định kỳ 2 kỳ thi tuyển/năm để sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp có thể tham gia thi tuyển công chức.

Tin cùng chuyên mục