Khổ luyện vượt qua khuyết tật

Một thân một mình vào TPHCM khi tuổi còn rất nhỏ, cô bé khiếm thị Nguyễn Thị Minh Thư (22 tuổi, quê Khánh Hòa quyết tâm học thật giỏi để thay đổi cuộc đời mình.

Minh Thư tập luyện cờ vua cùng thầy Hiền Thục chuẩn bị cho giải đấu vào tháng 6 năm nay
Minh Thư tập luyện cờ vua cùng thầy Hiền Thục chuẩn bị cho giải đấu vào tháng 6 năm nay

Một thân một mình vào TPHCM khi tuổi còn rất nhỏ, cô bé khiếm thị Nguyễn Thị Minh Thư (22 tuổi, quê Khánh Hòa) quyết tâm học thật giỏi để thay đổi cuộc đời mình. Và hơn 7 năm vượt qua bao khó khăn, khổ luyện, Minh Thư đã đạt được rất nhiều thành tích trong học tập, thi đấu môn cờ vua và được bình chọn “Thanh niên tiêu biểu” của Quận đoàn 10 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

14 giờ chiều, trong cái nắng hầm hập của những ngày cuối tháng 4, Minh Thư đón xe ôm quen đến Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình để bắt đầu buổi luyện tập cờ vua cùng thầy Lê Hiền Thục (Trưởng bộ môn Cờ). Thường là vậy, ngoài thời gian học ở trường, học luyện thi đại học thì thời gian còn lại của Thư là ngồi bên bàn cờ vua. Nhìn cách Thư suy tư tính từng nước cờ mới thấy cô bé khiếm thị này đam mê môn cờ vua như thế nào. Cũng chính niềm đam mê ấy đã giúp Thư ra sức khổ luyện và kết quả là Thư đã đạt được nhiều thành tích đáng khâm phục.

 11 năm liền, Minh Thư là học sinh giỏi; nằm trong tốp 10 Thanh niên tiêu biểu TPHCM do Thành đoàn tổ chức; Thanh niên tiêu biểu người mù. Về thành tích thi đấu cờ vua, Thư đoạt 7 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và đồng tại các giải đấu quốc tế.

6 năm trước, Thư được làm quen với môn cờ vua khi thầy Thục đến Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu dạy cờ cho các em khuyết tật đang theo học tại trường. Ngay từ lần đầu cầm lấy quân cờ, học cách chơi, Thư đã thích mê. “Khi đó em chỉ nghĩ học chơi cờ để vui và phát triển trí tuệ, nhưng khi đoạt được các giải thưởng, rồi được thầy Thục khích lệ, động viên, em bắt đầu cố gắng và dần đam mê đến ngày hôm nay”, Minh Thư chia sẻ. Theo thầy Thục, Thư là một học sinh có năng khiếu. Khi nhìn thấy năng lực nhạy bén của Thư với môn cờ vua, thầy đã động viên em vào đội tuyển. “Với người bình thường đã khó, với các em khuyết tật thì học đánh cờ lại càng khó khăn hơn. Nhưng ở Thư, tôi luôn thấy quyết tâm của em lớn lên từng ngày”, thầy Thục nhận xét.

Thành quả có được của Thư ngày hôm nay là cả một quá trình đầy cố gắng vươn lên nghịch cảnh của cô bé khuyết tật phải sống xa gia đình từ thuở nhỏ. Sinh ra với đôi mắt sáng, Thư cũng được đến trường như các bạn đồng trang lứa, nhưng khi bắt đầu vào lớp 1, mắt Thư nhìn kém dần. Bác sĩ bảo Thư bị teo dây thần kinh thị giác. Nay thì mắt trái của Thư đã hỏng và thường xuyên đau nhức, còn mắt phải chỉ nhìn thấy lờ mờ. Mất mấy năm loay hoay với bệnh tật, Thư được vào học tại trường khuyết tật của tỉnh Khánh Hòa. Hết lớp 5, trường tỉnh không có lớp để dạy tiếp, thầy cô không nỡ nhìn cô bé Minh Thư ham học và luôn đạt thành tích xuất sắc phải bỏ dở việc đèn sách nên đã vận động gia đình cho Thư vào TPHCM để học. Học phí của Thư được tài trợ hoàn toàn. 

“Ban đầu em cũng nhớ nhà, thường khóc, rồi nghĩ hay là về với ba mẹ. Khi ấy, thầy Nguyễn Văn Long (người khiếm thị) nói với em rằng nếu bản thân không tự vượt lên số phận thì sẽ không thể đứng vững được. Mình không thể là gánh nặng cho xã hội mà phải góp phần xây dựng nên xã hội này. Và em nhớ lại quyết tâm của mình: vào TPHCM là để học, để thay đổi cuộc đời mình. Rồi em bắt đầu cố gắng hết sức mình cho con đường học tập”, Minh Thư tâm sự. Giờ nhìn lại, Thư bảo nếu ngày đó không cố gắng thì có lẽ giờ Thư chỉ là một cô gái mù quanh quẩn trong nhà, mù tịt thông tin, không có khát vọng sống và chỉ biết bám vào cha mẹ. Với thành tích học tập xuất sắc, năm học lớp 9 Minh Thư được chuyển đến Trường Chu Văn An (quận 5) để học hòa nhập cùng các bạn sáng mắt.

Hiện Minh Thư đang chờ kỳ thi đại học. Mong ước của Thư là thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế, để khi ra trường không chỉ lo được cho bản thân mà còn xây dựng một ngôi trường dành cho các bạn khiếm thị tại quê nhà. Thư dự tính thi đại học xong em sẽ đi tìm việc làm thêm để có chi phí trang trải cuộc sống và lo tiếp tương lai. Với Thư, tất cả sự phấn đấu của mình là để thực hiện lời dạy của Bác Hồ rằng em “tàn nhưng không phế”.

Tin cùng chuyên mục