Khó thẩm định giá vì vướng nguồn tài sản so sánh

Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1 cho biết, trong số 1.602 căn nhà do công ty quản lý, chỉ có 155 căn đủ điều kiện bán theo quy định, còn lại có hàng trăm căn tập trung ở khu dân cư Mả Lạng với diện tích siêu nhỏ chỉ từ 5m²-10m², chẳng khác nào “miếng mỡ thừa” không ai mua.
Khu đất 23 Lê Duẩn được bán đấu giá. Ảnh: THÀNH TRÍ
Khu đất 23 Lê Duẩn được bán đấu giá. Ảnh: THÀNH TRÍ
Chiều 17-5, đoàn giám sát HĐND TPHCM tiếp tục có buổi làm việc với quận 1 liên quan đến hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên đất công sản do Nhà nước trực tiếp quản lý.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc, UBND quận 1 đã kiến nghị “cởi trói” nút thắt liên quan đến quy định thẩm định giá căn cứ vào nguồn tài sản so sánh. 
Báo cáo với đoàn giám sát HĐND TP, đại diện UBND quận 1 cho biết tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn quận có 309 địa chỉ nhà đất cần xử lý, sắp xếp tổng thể, bao gồm 204 địa chỉ nhà đất thuộc khối hành chính sự nghiệp, 105 địa chỉ thuộc khối Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1.
Đối với khối hành chính sự nghiệp, quận 1 dự tính bán đấu giá 16 mặt bằng, điều chuyển 36 mặt bằng, hoán đổi 6 mặt bằng…
Đối với khối Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1, đơn vị này đang trực tiếp sử dụng 19 mặt bằng (được giao quản lý, hoặc tạm quản lý, sử dụng); được giao quản lý hộ, thu hộ 1.602 căn nhà ở và 58 căn nhà phục vụ sản xuất, kinh doanh. 
Thời gian qua, quận 1 đã thực hiện bán 13 địa chỉ nhà đất với tổng số tiền trên 164 tỷ đồng. Nguồn kinh phí từ tiền bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg được sử dụng đầu tư, xây dựng trường học, bệnh viện quận, trung tâm y tế dự phòng…
Quận 1 cũng được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương giao cho quản lý khu đất số 7-9 Phan Văn Trường để đầu tư, mở rộng Trường THCS Đồng Khởi; khu đất số 65 Nguyễn Thái Học để đầu tư, mở rộng Trường THCS Minh Đức; sử dụng khu đất số 41 Nguyễn Văn Tráng để mở rộng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ. 
Tuy vậy, theo lãnh đạo UBND quận 1, việc hoán đổi nhà công sản với nhà thuộc sở hữu tư nhân nhằm mở rộng cơ sở giáo dục, y tế đang gặp khó khăn và chậm tiến độ vì một số lý do như: việc thương lượng, thuyết phục hộ dân hoán đổi mặt bằng chưa thành công; có tình trạng đơn vị thuê nhà cố tình chây ì không chấp hành bàn giao mặt bằng.
Bên cạnh đó, quy định về việc thẩm định giá tại Thông tư 36/2014/TT-BTNMT ngày 30-6-2014 được xem như “bất khả thi”.
Cụ thể, nội dung thông tư nêu rõ: “Khảo sát, thu thập thông tin tối thiểu 3 thửa đất có đặc điểm tương tự với thửa đất cần định giá về mục đích sử dụng đất, vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, diện tích, kích thước, hình thể, tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong khoảng thời gian không quá 2 năm tính đến thời điểm định giá đất…”.
Đây là vướng mắc khó gỡ mà quận 1 gặp phải vì các đơn vị tư vấn thẩm định giá không tìm được các nguồn tài sản so sánh có nguồn gốc, chứng từ rõ ràng.
Tại buổi làm việc, đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM chất vấn lãnh đạo quận 1 liên quan đến mặt bằng “khủng” 1.078 m2 (số 82 Lê Lợi, phường Bến Thành) do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1 quản lý.
Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Thế Định, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1, cho biết thực chất công ty chỉ quản lý tầng trệt căn nhà có diện tích hơn 30m2 tại 82 Lê Lợi. Trong số 1.602 căn do công ty quản lý như nêu ở trên, chỉ có 155 căn đủ điều kiện bán theo quy định, còn lại có hàng trăm căn tập trung ở khu dân cư Mả Lạng với diện tích siêu nhỏ chỉ từ 5m2-10m2, chẳng khác nào “miếng mỡ thừa” không ai mua.
Kết thúc buổi giám sát, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, chân thành cảm ơn những nội dung góp ý, chất vấn thẳng thắn của các đại biểu; đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu, có những báo cáo chi tiết gửi lên thường trực HĐND TP.  

Tin cùng chuyên mục