Khó xảy ra tình trạng giá thép tăng do áp thuế tự vệ

Đó là khẳng định của đại diện Bộ Công thương xung quanh thông tin giá thép tăng những ngày qua, khi áp dụng biện pháp tự vệ tạm đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Khó xảy ra tình trạng giá thép tăng do áp thuế tự vệ

(SGGP).- Đó là khẳng định của đại diện Bộ Công thương xung quanh thông tin giá thép tăng những ngày qua, khi áp dụng biện pháp tự vệ tạm đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Bởi theo đánh giá của Bộ Công thương, xem xét mức độ tập trung trên thị trường, mức độ tồn kho hàng hoá và tỷ lệ sử dụng công suất toàn ngành hiện nay, các doanh nghiệp thép trong nước không thể “tự tung tự tác”, lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Cụ thể, trên thị trường thép hiện nay không có doanh nghiệp nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường, từ 30% thị phần trở lên - nghĩa là không thể chi phối hay áp đặt về giá. Riêng đối với việc giá thép biến động là do giá phôi phôi thép trên thị trường thế giới tăng đã dẫn đến việc giá thép trong nước tăng theo. Mặt khác, nhiều đại lý xảy ra hiện tượng găm hàng chờ tăng giá.

Đây là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp tiêu thụ thép trên thị trường. Trên thực tế, với lượng tồn kho lớn của các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay và việc ngành thép của Việt Nam đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất thiết kế, do đó sẽ nhanh chóng gia tăng sản lượng khi thị trường có tín hiệu tích cực và hiện tượng đẩy giá sẽ sớm chấm dứt. “Tuy nhiên, có thể trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nói chung, không phải của riêng một công ty nào. Điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước”, một cán bộ Vụ thị trường trong nước đưa ra nhận định.

. Việc tăng giá thép gần đây chỉ là sự phục hồi về giá do đã giảm quá sâu chứ không phải tăng giá Ảnh: Đức Trí

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hồ Nghĩa Dũng cũng khẳng định, thị trường Việt Nam không hề thiếu thép, các nhà máy vẫn sản xuất và bán hàng bình thường, không có chuyện găm hàng chờ tăng giá. Tuy nhiên, do khoảng một năm trở lại đây phôi thép Trung Quốc bán sang Việt Nam dưới giá thành đã gây áp lực, buộc các nhà sản xuất thép của Việt Nam giảm giá bán, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ. Do đó, việc tăng giá thép gần đây chỉ là sự phục hồi về giá do đã giảm quá sâu chứ không phải tăng giá.

Theo VSA, trong 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng thép tiêu thụ các loại trên thị trường đã tăng gấp đôi, trong đó riêng các mặt hàng thép xây dựng đã tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm 2015. Mặt khác, thị trường thép nguyên liệu thế giới có dấu hiệu phục hồi từ đầu năm cũng là yếu tố khiến giá thép tăng trở lại. Hai yếu tố này xảy ra trùng thời điểm và cùng kết hợp đã khiến giá thép trong nước tăng mạnh trong những ngày qua.

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục