Khó xử phạt quảng cáo trái phép

Từ đầu năm đến nay, đường dây nóng Báo SGGP liên tục tiếp nhận những phản ánh của bạn đọc tại TPHCM bức xúc vì nạn quảng cáo bừa bãi, tùy tiện tại các nhà chờ xe buýt, cột điện, tường nhà… Tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép đang diễn ra tràn lan, nhưng chưa có biện pháp xử lý nào hữu hiệu.
Khó xử phạt quảng cáo trái phép

Từ đầu năm đến nay, đường dây nóng Báo SGGP liên tục tiếp nhận những phản ánh của bạn đọc tại TPHCM bức xúc vì nạn quảng cáo bừa bãi, tùy tiện tại các nhà chờ xe buýt, cột điện, tường nhà… Tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép đang diễn ra tràn lan, nhưng chưa có biện pháp xử lý nào hữu hiệu.

Nhà đất, ngân hàng cũng leo cột điện

Dọc theo các con đường An Dương Vương, Kinh Dương Vương (quận 6), Ngô Gia Tự (quận 10), Trường Chinh (quận Tân Bình), Phan Văn Hớn (quận 12)… có rất nhiều thông tin rao vặt, băng rôn quảng cáo treo chằng chịt trên các cột điện. Nội dung quảng cáo, rao vặt phổ biến nhất là rao dịch vụ cho vay tiền, bán nhà đất. Bạn đọc Nguyễn Tuấn Học (ngụ đường Nguyễn Duy Dương, quận 10) cho hay: “Hàng ngày, khoảng từ 17 - 18 giờ và 3 - 5 giờ sáng thường xuyên xuất hiện nhóm thanh niên dán quảng cáo lén lút dọc đường Ngô Gia Tự. Khi thấy động, nhóm này lao lên xe chờ sẵn của đồng nghiệp rồ ga chạy mất. Chỉ tội cho mấy em đoàn viên thanh niên phường phải thường xuyên đi tháo gỡ, xóa quảng cáo trái phép”. Bạn đọc Lê Thị Minh Thúy (ngụ đường An Dương Vương, quận 6) phản ánh: “Trên đoạn đường An Dương Vương dài khoảng vài chục mét mà có đến hàng chục băng rôn quảng cáo của những công ty lạ xếp chồng lên nhau, rất phản cảm. Chưa kể tới hàng loạt số điện thoại quảng cáo rút hầm cầu, dịch vụ cho vay tiền, bán nhà đất giá rẻ…”.

Băng rôn quảng cáo rao vặt nham nhở, nhếch nhác trên trụ điện dọc tuyến đường An Dương Vương (phường 10, quận 6, TPHCM).

Băng rôn quảng cáo rao vặt nham nhở, nhếch nhác trên trụ điện dọc tuyến đường An Dương Vương (phường 10, quận 6, TPHCM).

Quảng cáo, rao vặt trái phép không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn là kẽ hở cho những đối tượng kinh doanh thiếu đạo đức trục lợi. Một số nạn nhân bị lừa đảo từ những thông tin rao vặt ngoài đường phố đã gọi điện tới Báo SGGP kêu cứu. Nguyễn Thị Hậu (sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) kể: “Cách nay vài tuần, tôi và một người bạn tìm được công việc kinh doanh bán thời gian từ thông tin rao vặt trên cột điện. Sau đó, qua buổi gặp mặt trực tiếp với người đăng thông tin rao vặt, chúng tôi phát hiện công việc họ rao tuyển là bán hàng đa cấp. Họ yêu cầu phải nhanh chóng ký quỹ bằng cách vay gấp tiền từ gia đình hoặc bạn bè. Kỳ lạ hơn, người này liên tục chèo kéo, mời chúng tôi đi uống cà phê, quan tâm thân tình giống như… người yêu. Sau đó, người này dụ chúng tôi mang đi cầm máy tính hoặc xe gắn máy để có tiền đóng ký quỹ. Lo sợ, chúng tôi quyết định cắt đứt liên lạc, nhưng họ vẫn lì lợm đeo bám. Cuối cùng, chúng tôi phải thay số điện thoại và đổi chỗ trọ, nhưng vẫn chưa yên tâm”.

Không thể lập biên bản xử lý tại chỗ

TPHCM từng đi tiên phong trong việc xử lý nạn quảng cáo rút hầm cầu và khoan cắt bê tông, bằng cách cắt các thuê bao điện thoại rao quảng cáo không phép. Thế nhưng xem ra đến nay biện pháp này đã không còn hiệu quả. Theo Sở VH-TT-DL TPHCM cho biết, từ năm 2011 tới nay, Thanh tra Sở VH-TT-DL đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 800 trường hợp, với số tiền phạt trên 13,7 tỷ đồng. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2014, Thanh tra Sở VH-TT-DL đã ra 72 quyết định xử phạt vi phạm, với số tiền phạt hơn 931 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Quảng cáo không phép, quảng cáo vượt diện tích cho phép, quảng cáo tại địa điểm cấm, sửa đổi nội dung quảng cáo… Thế nhưng tình trạng quảng cáo trái phép vẫn chưa khắc phục được, gây mất mỹ quan đô thị.

Trả lời PV Báo SGGP về việc này, ông Châu Quốc Dũng, Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL TPHCM, cho rằng không dễ xử lý dứt điểm được. Bởi đối với các trường hợp treo, dán tờ rơi và băng rôn quảng cáo trái phép không thể lập biên bản xử lý tại chỗ. Cán bộ thanh tra chỉ có thể chụp hình ảnh, sau đó gửi thư mời đơn vị vi phạm tới làm việc, nhưng đâu phải đối tượng vi phạm nào cũng chịu đến. Ngoài ra, việc bỏ quy định cấp phép quảng cáo và thay vào đó quy định thông báo quảng cáo (trước khi tiến hành quảng cáo bằng băng rôn, khẩu hiệu, doanh nghiệp chỉ việc gửi trước công văn có nội dung quảng cáo tới Sở VH-TT-DL từ 5 - 7 ngày, nếu sở không phản hồi thì cứ việc treo quảng cáo) cũng khiến doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu treo băng rôn quảng cáo “dễ thở” hơn. Tuy vậy, các đơn vị chuyên trách quản lý trong lĩnh vực này sẽ gặp khó. Cụ thể, theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) đưa ra mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi treo băng rôn, quảng cáo rao vặt trái phép chỉ 1 - 2 triệu đồng. Do vậy, không loại trừ khả năng các đối tượng vi phạm chấp nhận chịu phạt để quảng bá nội dung thông tin tới người tiêu dùng.

Nghịch lý tồn tại dai dẳng hiện nay là việc các đối tượng rao vặt ngày đêm miệt mài “bôi bẩn” đô thị, trong khi đó từng địa phương trên địa bàn TPHCM phải huy động lực lượng đoàn viên thanh niên ra quân làm sạch đẹp phố phường. Điều này vô cùng mất thời gian, tốn công sức nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm tình trạng quảng cáo, rao vặt trái phép. Rất cần có sự phối hợp mạnh tay giữa các lực lượng liên ngành chức năng, gồm Thanh tra Sở Xây dựng TP, Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TP, cùng với Sở VH-TT-DL TP mới có thể ngăn chặn hiệu quả nạn quảng cáo trái phép ở TPHCM.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục