Khoa học góp phần vào tăng cường đối thoại, bảo vệ hòa bình thế giới

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng lực đẩy cho sự phát triển đó là lao động giá rẻ và tài nguyên đều đang dần cạn kiệt, vì thế khoa học kỹ thuật phải là yếu tố quyết định cho sự phát triển để đưa Việt Nam tiến gần hơn đến với thế giới..
Các nhà khoa học trao đổi tại hội nghị. Ảnh: NGỌC OAI
Các nhà khoa học trao đổi tại hội nghị. Ảnh: NGỌC OAI

Ngày 9-5, tại Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định đã diễn ra hội thảo quốc tế chủ đề “Khoa học để phát triển”. Hội thảo do  Tổ chức Khoa học và Giáo dục - Gặp gỡ Việt Nam (Hội GGVN) phối hợp với Bộ KH-CN, UBND tỉnh Bình Định, Viện nghiên cứu phát triển Pháp chi nhánh tại Việt Nam tổ chức tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm thành lập hội GGVN.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ ngành TƯ, Văn phòng Quốc hội, đại diện Liên minh Nghị viện thế giới, Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW), trong đó có 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel là GS Gerard ‘t Hooft - giải Nobel Vật lý năm 1999 và GS Finn Kydland - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004.

Phát biểu tại hội nghị GS Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, bày tỏ vinh dự được chào đón 150 nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam lần này.
“Trong môi trường thân thiện, chúng ta mới có thể chia sẻ như những người bạn cũng như làm nảy sinh những ý tưởng mới, đóng góp cho thế giới của chúng ta. Khoa học là chân lý, đóng góp nhiều cho hòa bình thế giới. Sự có mặt của nhiều nhà khoa học cùng với gia đình của mình cho thấy chúng ta sẽ là những bạn bè thân thiết, cùng chia sẻ những ý tưởng khoa học để đóng góp cho sự phát triển chung của thế giới”,  GS Trần Thanh Vân nhấn mạnh. 
Ông cũng cho rằng, đây sẽ là sự kiện khoa học lớn nhất trong năm nay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Qua hội nghị lại thêm một lần nữa có thêm cơ hội để kết nối khoa học Việt Nam với thế giới, để các bạn trẻ Việt Nam được tiếp cận, học hỏi với "các cây đa cây đề" của khoa học thế giới.
“Các bạn hãy coi trung tâm như gia đình của mình, hãy khám phá con người, đất nước Việt Nam và hãy cùng chúng tôi chia sẻ những ý tưởng mới của khoa học”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ với các nhà khoa học quốc tế.
Đại diện Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc chào mừng các nhà khoa học quốc tế  đến Việt Nam, đến với ICISE- biểu tượng của hợp tác khoa học Việt Nam và thế giới.
Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Gặp  gỡ Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng đã bày tỏ sự tri ân  về những đóng góp to lớn của GS Trần Thanh Vân đối với nền khoa học, giáo dục Việt Nam.
“Cuộc sống con người diễn ra thế nào? nhanh hay chậm đều do khoa học quyết định. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng lực đẩy cho sự phát triển đó là lao động giá rẻ và tài nguyên đều đang dần cạn kiệt, vì thế khoa học kỹ thuật phải là yếu tố quyết định cho sự phát triển để đưa Việt Nam tiến gần hơn đến với thế giới”,  nhấn mạnh.
Thay mặt cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam, GS-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn được sự ủng hộ của các nhà khoa học trên thế giới.

GS Nguyễn Văn Hiệu cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã xây dựng nên trung tâm ICISE, đóng góp to lớn cho nền khoa học - kỹ thuật Việt Nam, gắn kết khoa học trong và ngoài nước.

Khoa học góp phần vào tăng cường đối thoại, bảo vệ hòa bình thế giới ảnh 1 Các nhà khoa học và khách quý cùng chụp hình lưu niệm tại sảnh Trung tâm ICISE. Ảnh: NGỌC OAI
Chào mừng các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, tỉnh Bình Định sẽ sớm xây dựng Quy Nhơn thành đô thị khoa học, là thung lũng khoa học sáng tạo của cả nước.
“Vợ chồng GS Trần Thanh Vân là hình mẫu của những trí thức lớn yêu nước, dành cả đời cho khoa học và sự phát triển của nước nhà.  Đó là tấm gương để thế hệ trẻ Việt Nam học hỏi”, ông Phi Long nhấn mạnh.

Tại phiên khai mạc, phát biểu của 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel nhận được sự chú ý của các đại biểu.

GS Gerard ‘t Hooft - người nhận giải Nobel Vật lý - lý giải vì sao ở khu vực châu Âu khoa học công nghệ phát triển hơn châu Á. 

“Những người châu Âu không phải thông minh hơn châu Á nhưng họ tò mò hơn, thích khám phá hơn, vì thế họ có nhiều phát minh hơn, và quan trọng hơn là họ có tự do, tự do thể hiện quan điểm, tự do tôn giáo... giúp họ tự do sáng tạo”, GS Gerard ‘t Hooft nói.
Ông cũng khuyến cáo, chúng ta phải có một hệ thống giáo dục đúng cho người dân. Ngay cả những người đoạt giải Nobel thì ngay từ tiểu học phải được hưởng 1 nền giáo dục đúng cách, trong đó có ngôn ngữ. 

“Tôi khuyên các bạn làm khoa học nếu chưa giỏi tiếng Anh phải học ngay, vì đó là ngôn ngữ của khoa học. Người làm khoa học phải biết đặt ra những câu hỏi và trả lời được những câu hỏi này. Nếu không biết đặt câu hỏi thì không thể trả lời được, tức là nghiên cứu không thể thành công”, GS Gerard ‘t Hooft chia sẻ.

GS Finn Kydland - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004 - đã phát biểu nhấn mạnh về mức độ tương tác kinh tế và khoa học mà các nước đã đạt được. 

“Sự mất bình đẳng gia tăng ở các nước như thế nào trong một vài thập kỷ qua? Tôi đã  nghĩ về vấn đề này và thấy rằng, có khoảng cách lớn giữa các nước với nhau”, ông chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, nền kinh tế mỗi quốc gia phụ thuộc vào thể chế của nước đó, bao gồm nhiều vấn đề như chính sách, vốn... nhưng trong đó khoa học công nghệ tác động rất lớn đến sự phát triển.

“Khi một quốc gia không có các thể chế,  yêu cầu để có thể cam kết các chính sách tốt  cho khoa học công nghệ thì khó để tác động trong ngắn hạn cho sự phát triển, thậm chí có thể gây tác động xấu cho xã hội. Ví dụ một quốc gia không phát triển mạnh về y khoa thì trẻ em lớn lên có chiều cao thấp hơn”, GS Finn Kydland nói. 

Trong các phát biểu của đại diện Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW), Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu... đều nhấn mạnh khoa học không có biên giới, lãnh thổ; là yếu tố đặc biệt quan trọng đểu thúc đẩy phát triển ở mỗi quốc gia cũng như góp phần vào tăng cường đối thoại, bảo vệ hòa bình thế giới...

Từ chiều ngày 9-5 đến hết ngày 10-5, các nhà khoa học sẽ tham gia thảo luận các hội thảo bàn tròn. Các nhà khoa học, chính trị gia, các nhà kinh tế, doanh nhân, đại diện của các tổ chức quốc tế và đại diện của các tổ chức xã hội sẽ thảo luận về chủ đề: tác động xã hội và kinh tế của khoa học đối với xã hội; khoa học và việc hoạch định chính sách; khoa học và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc; các mô hình khoa học và phát triển; khoa học là một công cụ để đối, có thể giúp tạo ra các điều kiện cho đối thoại đa văn hóa, và hoà bình; khoa học và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Tin cùng chuyên mục