Nguồn nhân lực công nghệ thông tin: Vừa yếu, vừa thiếu

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng. Bên cạnh đó là nguy cơ giảm nguồn cung và chất lượng đầu vào lao động. Nhận định được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đưa ra trong buổi hội thảo đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT giai đoạn 2013 - 2015, diễn ra tại TPHCM mới đây.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin: Vừa yếu, vừa thiếu

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng. Bên cạnh đó là nguy cơ giảm nguồn cung và chất lượng đầu vào lao động. Nhận định được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đưa ra trong buổi hội thảo đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT giai đoạn 2013 - 2015, diễn ra tại TPHCM mới đây.

Cần những phương thức đào tạo tiên tiến hơn mới có nguồn nhân lực CNTT mạnh. Ảnh: T.BA

Cần những phương thức đào tạo tiên tiến hơn mới có nguồn nhân lực CNTT mạnh. Ảnh: T.BA

Chưa đạt chuẩn

Nhận định tổng quan nguồn nhân lực CNTT-TT tại TPHCM giai đoạn 2008 - 2012, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, việc đào tạo nhân lực cho CNTT-TT ở TPHCM đang rất khó khăn. Theo kết quả khảo sát của thành phố, cũng như thông tin từ các đơn vị đào tạo, trong những năm gần đây, lượng học sinh tốt nghiệp đăng ký thi tuyển vào ngành CNTT bắt đầu giảm dần và do đó kết quả tuyển sinh đầu vào của ngành CNTT cũng giảm theo.

Cùng chung nhận định, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, cho biết, theo thống kê của Hội Tin học TPHCM (HCA) trong năm 2012, doanh thu của các đơn vị đào tạo CNTT như Aptech, NITT suy giảm trung bình 20%/năm trong 3 năm trở lại đây do sinh viên theo học ngày càng giảm. Đào tạo chính quy về CNTT chỉ tuyển được 85% chỉ tiêu, điểm sàn vào học CNTT giảm dần. Một số công ty lớn như FPT Software rất vất vả trong việc tuyển nhân viên số lượng lớn. Nguyên do, vẫn còn thiếu chính sách phù hợp, không tạo được sức hấp dẫn cho ngành CNTT, song song đó chất lượng các cơ sở đào tạo chưa cao, chưa định hướng nghề nghiệp và quốc tế hóa, đầu ra không đủ kỹ năng làm việc và phía doanh nghiệp gắn kết với cơ sở đào tạo còn yếu.

Còn ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ ra, đào tạo nhân lực CNTT ở Việt Nam còn làm nháo nhào, không theo tiêu chuẩn nào, vấn đề sinh viên CNTT ra trường không có việc làm là do chất lượng đào tạo. Cũng cần nói thêm, còn có những khó khăn khác như chưa có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo CNTT; các cơ sở đào tạo vẫn chưa quan tâm đến việc tìm hiểu về nhu cầu lao động CNTT của các doanh nghiệp... là nguyên nhân làm nguồn nhân lực CNTT không đạt chất lượng.

Tìm cách đào tạo tiên tiến hơn

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT-TT, cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn trên thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT, dễ dàng nhận thấy, chương trình giảng dạy hiện nay vẫn tập trung chủ yếu dựa vào quy định của Bộ GD-ĐT (hơn 80%). Từ đó, các bài giảng vẫn còn cứng nhắc, chưa thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Đặc biệt, trong tổng số hơn 80 cơ sở đào tạo CNTT tại TPHCM, số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên mới chỉ chiếm chưa đến 49% (mục tiêu của Nhà nước là trên 50%). Nghĩa là vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng cử nhân giảng dạy cử nhân. Một yếu tố đáng chú ý khác là số lượng sinh viên nhập học ngành CNTT so với chỉ tiêu hàng năm đang có xu hướng ngày càng giảm (năm 2010 là 93%, năm 2011 là 85%). Số sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp vẫn dưới 25%.

Theo Bộ TT-TT, nhu cầu nhân lực CNTT mỗi năm tăng 13%. Ước tính trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tuyển dụng 411.000 người có trình độ chuyên môn về CNTT. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần khoảng 15.000 người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên để tham gia triển khai các dự án. Tuy nhiên, mỗi năm cả nước cũng chỉ đào tạo được khoảng 60.000 nhân lực.

Ông Hà Thân, Giám đốc Công ty cổ phần Tin học Lạc Việt, nhấn mạnh: Nhiệm vụ của đại học là trang bị các kiến thức cơ bản nhất, còn doanh nghiệp phải có trách nhiệm trang bị kỹ năng công việc cho các ứng viên. Để chuyên nghiệp hóa, các doanh nghiệp có thể ký kết nhượng quyền đào tạo với đối tác toàn cầu. Khi đó, người học tiếp nhận được các kỹ năng mà tổ chức nào cũng cần, còn doanh nghiệp sẽ có được nguồn nhân lực vừa đủ kiến thức, vừa dày kỹ năng. “Việc lựa chọn và xây dựng một hệ thống đào tạo kỹ năng cao đóng vai trò then chốt, hệ thống đó phải kết nối được các nguồn lực CNTT với nhau để hướng đến nâng cao chất lượng cho người học”, TS Trần Vũ Bình, Viện Công nghệ và Kỹ thuật số, nhận định và cũng đề xuất: Lực lượng giáo sư, chuyên gia kiều bào hiện rất đông. Nếu xây dựng được một “Hệ thống kết nối trí thức” dựa trên nền tảng công nghệ internet, sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao này vào giảng dạy, truyền thụ kinh nghiệm…

Song song với đề nghị cần có những chính sách hợp lý hơn về đào tạo nguồn nhân lực CNTT, doanh nghiệp và nhà trường cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn. Theo các đại biểu dự hội thảo, việc quan trọng cần làm trước mắt đó là ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng đào tạo CNTT-TT. Ông Lê Thái Hỷ khẳng định, việc ban hành chuẩn kỹ năng đào tạo CNTT-TT là vấn đề cấp bách và cần thiết, để các cơ sở đào tạo dựa theo đó mà đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho ngành CNTT-TT, chấm dứt tình trạng hiện nay là sinh viên ra trường nhiều nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến một số lượng lớn không có việc làm.

BÁ TÂN - TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục