Nền tảng lịch sử của dịch vụ, công nghệ hôm nay

Ghi dấu lịch sử hào hùng
Nền tảng lịch sử của dịch vụ, công nghệ hôm nay

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành bưu điện, VNPT đang tiếp tục phấn đấu để giữ vững vai trò là Tập đoàn Viễn thông - công nghệ thông tin (VT-CNTT) chủ lực luôn đảm bảo tốt thông tin đối nội, đối ngoại, phục vụ quốc phòng, an ninh của đất nước… và hàng trăm dịch vụ phục vụ đời sống xã hội

Những chiến sĩ thông tin Trung ương Cục miền Nam xưa đảm trách thông suốt liên lạc hai miền.

Những chiến sĩ thông tin Trung ương Cục miền Nam xưa đảm trách thông suốt liên lạc hai miền.

Ghi dấu lịch sử hào hùng

Trước yêu cầu mới của cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, ngày 23-1-1961, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (TƯCMN), trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam.

Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, sau khi được thành lập, TƯCMN đã thành lập các ban chuyên môn phục vụ lãnh đạo kháng chiến, trong đó có Ban Thông tin (năm 1961) và Ban Giao bưu vận (1962), đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và lực lượng của 2 ngành giao bưu và thông tin. Ban Thông tin TƯCMN gồm các bộ phận Đài Thông tin vô tuyến điện, Xưởng Kỹ thuật và Trường Thông tin liên lạc vô tuyến điện Lý Tự Trọng có nhiệm vụ tổ chức cụm đài, mạng lưới thông tin liên lạc toàn miền Nam, phục vụ thông suốt việc chỉ đạo của TƯCMN đến các chiến trường và giữ liên lạc thường xuyên với Trung ương ở miền Bắc.

Trong suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, lực lượng chiến sĩ giao bưu, thông tin đã không quản hy sinh, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân; mưu trí, dũng cảm giữ vững đường dây thông tin liên lạc luôn thông suốt từ Bắc vào Nam, từ TƯCMN đi đến các chiến trường. Dù bị địch càn quét, bắt bớ ráo riết, phải di chuyển qua hàng chục địa điểm nhưng những con đường giao liên, những cánh sóng thông tin vẫn lan tỏa khắp chiến trường miền Nam, tạo nên hệ thống thông tin huyết mạch của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam.

Với tinh thần kiên trung, lực lượng giao bưu, thông tin TƯCMN đã làm nên những chiến công vẻ vang, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thắng lợi, cũng cần phải kể đến Trường Thông tin liên lạc vô tuyến điện Lý Tự Trọng thuộc Ban Thông tin đã đào tạo trên 500 học viên báo vụ, kỹ thuật điện đài vô tuyến điện cho các chiến trường và trên 20 học viên kỹ thuật, báo vụ cho Campuchia; tập huấn nghiệp vụ cho hơn 100 báo vụ miền Bắc chi viện miền Nam, góp phần tăng cường, phát triển, hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện khu vực Nam bộ và cực Nam Trung bộ…. Để làm nên những chiến công ấy, đã có 5.000 cán bộ, chiến sĩ giao bưu, thông tin TƯCMN anh dũng hy sinh, hàng ngàn người mang thương tật suốt đời.

Tiếp tục sáng tạo, đổi mới

Đóng góp vào những bước phát triển mạnh mẽ của ngành bưu chính viễn thông (BCVT) trong thời kỳ đổi mới, CNH-HĐH đất nước, không thể không nhắc đến vai trò đi đầu của VNPT.

Theo ông Phạm Long Trận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT: Nếu như năm 1996, Việt Nam mới chỉ có 1 triệu thuê bao điện thoại thì đến tháng 12-2003, mạng điện thoại của VNPT đã đạt 7 triệu thuê bao, đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên 8 máy/100 dân, hoàn thành trước 2 năm chỉ tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra cho năm 2005. Tháng 10-2004, VNPT chính thức khai trương cung cấp các dịch vụ trên nền mạng viễn thông thế hệ mới NGN và đến nay toàn bộ hạ tầng mạng lưới của VNPT đã là một mạng IP tích hợp, đáp ứng các yêu cầu về quản lý và phát triển một mạng viễn thông hiện đại, đồng bộ và tích hợp đa dịch vụ với chất lượng cao. Đến hết năm 2007, VNPT đã hoàn thành mục tiêu đưa điện thoại đến 100% số xã trên cả nước; 92% số xã có báo đọc trong ngày, đồng thời đẩy mạnh cung cấp dịch vụ Internet đến vùng sâu, vùng xa.

Trong những năm qua, VNPT cũng tiên phong cung cấp nhiều dịch vụ mới đến xã hội như di động 3G, Internet cáp quang, truyền hình Internet băng rộng MyTV và nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng băng rộng; hoàn thành các dự án quan trọng như mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng và nhà nước... VNPT cũng luôn chủ động đổi mới, thực hiện tái cơ cấu trong từng giai đoạn phát triển. Năm 2012, VNPT đã hoàn thành tách Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) hoạt động độc lập, tạo điều kiện thuận lợi để cả VNPT và VietnamPost cùng phát triển.

Với VietnamPost, đây sẽ là động lực để toàn ngành bưu chính tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và phát triển bền vững. Với VNPT, đây là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh của tập đoàn.

Với bề dày truyền thống, VNPT đang quyết tâm đổi mới toàn diện, xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu theo hướng tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh… VNPT sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT” của Chính phủ và công cuộc đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, ông Phạm Long Trận cho biết thêm như vậy.

Với những đóng góp to lớn của lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam. Theo chương trình, ngày 15-8 tại TPHCM, Bộ TT-TT sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu cao quý này.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục