Cấy ốc tai điện tử - Hiệu quả nhưng quá… tầm tay

Với khiếm thính bẩm sinh, hiện có nhiều biện pháp chữa trị như tập luyện, đeo máy trợ thính... Nhưng nếu khiếm thính quá nặng nhưng máy nghe công suất mạnh nhất vẫn không hiệu quả, thì cấy ốc tai điện tử (OTĐT) là biện pháp mang lại cơ hội nghe nói được cho người bệnh.

Chia sẻ niềm vui về tình trạng của đứa con gái đầu lòng, anh H.V.T. (quận 3, TPHCM) tâm sự, khi mới sinh ra, bé H.T.T.L. được các bác sĩ chẩn đoán khiếm thính bẩm sinh. Không đầu hàng số phận, suốt 2 năm trời, anh mang con đi chữa trị nhiều nơi, bằng nhiều phương pháp như luyện tập, đeo máy trợ thính nhưng không hiệu quả vì độ điếc quá nặng. Cuối cùng anh tìm đến Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TPHCM, khi được nghe tư vấn về phương pháp cấy OTĐT, anh như tìm được lối ra dù thời điểm đó, kinh phí chữa trị vượt ngoài khả năng của gia đình.

Sau lần cấy một tai vào lúc bé T.L. 2 tuổi, nhận thấy hiệu quả, đến năm bé 4 tuổi, T.L. tiếp tục được cấy ghép ốc tai điện tử vào tai còn lại. Đến nay, sau 8 năm hòa nhập cuộc sống với 2 tai mang thiết bị điện tử, T.L. không chỉ nghe nói tốt như người bình thường, mà em còn có thành tích học tập khá giỏi, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn bè và thầy cô.

Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TPHCM đã tiếp nhận và điều trị thành công cho hơn 200 trường hợp bị khiếm thính nặng. Bác sĩ Đỗ Hồng Giang, Trưởng khoa Thính học của bệnh viện, cho biết OTĐT là bộ phận trợ thính, thay thế các tế bào lông trong bị tổn thương của tai. Khi được cấy vào bên trong, ốc tai điện tử sẽ kích thích các sợi thần kinh thính giác, cho phép người bệnh tiếp nhận được âm thanh.

Để có kết quả đó, người cấy ghép phải trải qua thời gian làm quen với các loại âm thanh trong lớp luyện thính giác. Để đạt được hiệu quả cao nhất (100%), trẻ bị điếc bẩm sinh cần được cấy ghép sớm. Tốt nhất là trước 2 tuổi vì đây là thời điểm trẻ phát triển thần kinh thính giác. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Giang, hiện trên cả nước chỉ mới có khoảng hơn 500 trường hợp tiếp cận được với phương pháp cấy OTĐT. Trong khi tỷ lệ trẻ bị điếc bẩm sinh của Việt Nam khá cao, trong 1.000 trẻ được sinh ra có từ 2 - 4 trẻ rơi vào tình trạng này. Trong khi đó giá mỗi thiết bị OTĐT dao động lên tới 20.000 đến 40.000 USD.

Bác sĩ Hoàng Hải Vân, Giám đốc Công ty Cát Tường, một trong những đơn vị cung cấp thiết bị OTĐT tại Việt Nam, khẳng định: “Có thời điểm, hầu hết các hãng đều cam kết giảm giá bán thiết bị còn 10.000USD/tai, nhằm tăng số lượng trẻ khiếm thính được cấy ghép. Tuy nhiên, với mức giá đã giảm như vậy, để người nghèo tại Việt Nam tiếp cận được cũng là điều không tưởng. Đáng tiếc hiện nay, Bảo hiểm y tế chưa có chế độ chi trả hoặc đồng chi trả, kể cả những trẻ đã có thẻ Bảo hiểm y tế hay trẻ dưới 6 tuổi bị khiếm thị bẩm sinh”.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục