Chờ… máy cắt lục bình

Hệ thống máy cắt, vớt lục bình tự động từng được xem là phương tiện giải cứu hệ thống kênh rạch nên từ giữa năm 2013, TPHCM đã cho phép thử nghiệm hệ thống này bằng hàng chục văn bản chỉ đạo… Song đến nay, chiếc máy cắt vớt lục bình vẫn chậm chạp đi vào ứng dụng.
Chờ… máy cắt lục bình

Hệ thống máy cắt, vớt lục bình tự động từng được xem là phương tiện giải cứu hệ thống kênh rạch nên từ giữa năm 2013, TPHCM đã cho phép thử nghiệm hệ thống này bằng hàng chục văn bản chỉ đạo… Song đến nay, chiếc máy cắt vớt lục bình vẫn chậm chạp đi vào ứng dụng.

Công việc xử lý lục bình trên kênh rạch tại TPHCM hiện vẫn chủ yếu sử dụng sức người và công cụ thô sơ.

Bộ, ngành xắn tay vào cuộc

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT TPHCM, lục bình trên kênh rạch của TPHCM xuất phát từ 2 nguồn: từ thượng nguồn sông Sài Gòn đổ về và phát sinh trên các kênh mương nội đồng. Để khơi thông dòng chảy, giảm ô nhiễm, Sở đã giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị trục vớt lục bình phía thượng nguồn, phần còn lại giao các quận, huyện. Tuy nhiên, phương pháp vớt lục bình vẫn làm theo kiểu chèo xuồng ra vớt rồi vận chuyển lục bình bằng đường bộ đi xử lý theo diện rác sinh hoạt. Chính việc xử lý theo kiểu “thủ công” này khiến mỗi năm TPHCM phải bỏ ra hơn 2,7 tỷ cho việc trục vớt, vận chuyển.

Giữa năm 2013, sau chuyến thực địa tại huyện Bình Chánh, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã thống nhất chủ trương thử nghiệm hệ thống máy cắt, vớt do Trường Đại học Công nghiệp nghiên cứu chế tạo tại một số kênh rạch của quận Bình Thạnh. Sau đó, liên tiếp từ tháng 6-2013 đến nay, UBND TPHCM đã có hơn chục văn bản chỉ đạo các, sở ngành tập trung phối hợp xử lý lục bình. UBND TP cũng giao cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp nghiên cứu cải tiến thêm chức năng của máy, giao Trung tâm Công nghệ sinh học tổ chức chuyển giao công nghệ xử lý ủ hoai, sản xuất nguyên vật liệu phân bón hữu cơ, vi sinh từ cây lục bình…

Song hành cùng với TPHCM, Bộ KH-CN đã liên tiếp tổ chức các hội nghị, hội thảo về xử lý lục bình cho cả vùng Nam bộ. Trong đó, Bộ KH-CN tổ chức hội đồng thẩm định và đề xuất cấp kinh phí 4,6 tỷ đồng để TS Bùi Trung Thành và Trường Đại học Công nghiệp TPHCM hoàn thiện thiết kế cho máy cắt, vớt lục bình trong giai đoạn  2011-2013, đồng thời tiến hành sản xuất thử nghiệm một số mẫu máy thích hợp hơn với điều kiện kênh rạch nhỏ hẹp trọng nội thành.

Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, lục bình lấn chiếm kênh rạch đang là vấn nạn cần phải giải quyết sớm. Khảo sát tại 7 quận-huyện của TPHCM năm 2013 đã có 29 tuyến kênh, rạch có lục bình dày đặc, làm ảnh hưởng đến việc thoát nước và môi trường. Còn trên toàn địa bàn có 170 con kênh với chiều dài gần 700km bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn dòng chảy, cản trở giao thông và trở thành bãi rác trôi nổi cho các loại sinh vật gây bệnh cư ngụ.

Nhiều khó khăn phát sinh

Sự vào cuộc mạnh mẽ từ các bộ ngành đến địa phương là cần thiết để xử lý vấn nạn lục bình. Tuy nhiên, ghi nhận từ nhiều phía, công tác thực hiện vẫn diễn ra khá chậm chạp và kéo dài hơn 1 năm qua.

TS Bùi Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển công nghệ máy công nghiệp Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết máy cắt, vớt lục bình thế hệ đầu tiên còn rất nhiều nhược điểm khiến kết quả thử nghiệm tại quận Bình Thạnh thời gian qua không đạt hiệu quả. Thủy triều tại khu vực này lên xuống thất thường, nên thời gian làm việc thực tế của máy rất ít.

Tuyến kênh tại khu vực này bị ùn ứ khá lâu, ô nhiễm nặng do cây cỏ, lục bình và rác sinh hoạt nằm trộn lẫn. Đặc biệt, máy cắt, vớt thế hệ đầu tiên to và nặng, chỉ phù hợp cho những tuyến kênh, sông rộng, không phù hợp với các tuyến kênh nội thị.

Nhiều lần TS Thành muốn sớm cải tiến máy nhưng bất lực vì thiếu kinh phí. Loay hoay mãi đến giữa năm 2014, chính TS Thành, với sự “trợ lực” gần 2 tỷ đồng từ Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi mới đủ khả năng tiếp tục nghiên cứu cho ra đời chiếc máy thế hệ 2 với 7 cải tiến đáng giá. Trong đó, máy không chỉ giảm kích thước cho phù hợp với kênh rạch nhỏ trong TPHCM mà cơ cấu hoạt động cũng linh động hơn, nhanh hơn.

Đặc biệt, với cải tiến thêm cơ cấu băm sơ bộ phía trước, năng suất máy đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đây vẫn là chiếc máy duy nhất phù hợp với điều kiện kênh rạch TPHCM.

Được biết, cuối năm 2013 Sở KH-CN TPHCM cũng giao cho Trung tâm Nghiên cứu chế tạo thiết bị mới (Neptech) phối hợp với Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự thực hiện đề tài “Nghiên cứu tính toán thiết kế máy chuyên dùng vớt rác và lục bình trên các kênh, rạch TPHCM” với kinh phí 2 tỷ đồng. Hiện chiếc máy dự định chế tạo mới được nghiệm thu cấp cơ sở cách đây hơn 1 tháng.

Có thể thấy, TPHCM đã tốn không ít ngân sách phục vụ công tác xử lý lục bình, nhưng do nguồn kinh phí bị phân bố dàn trải, thiếu tập hợp đội ngũ nghiên cứu, dẫn đến tiến độ thực thi vẫn còn khá chậm. Việc đưa máy cắt, vớt lục bình vào ứng dụng xem ra vẫn còn mất nhiều thời gian.

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục