Thủy điện Sơn La, Lai Châu: Lợi kinh tế nhưng chưa đảm bảo đời sống người dân tái định cư

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 do Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường chủ trì diễn ra tại TPHCM ngày 14-10, Bộ Công thương cho biết, trong 3 dự án năng lượng trọng điểm của Việt Nam là thủy điện Sơn La, Lai Châu và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thì chỉ mới có thủy điện Sơn La là đã hoàn thành và đang vận hành. Nhà máy thủy điện Lai Châu và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đang tăng tốc để có thể về đích đúng thời hạn.

Đảm bảo tiến độ thi công

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, sau 2 năm đưa vào vận hành nhà máy thủy điện Sơn La, đến tháng 9-2014, tổng sản lượng điện sản xuất của nhà máy đạt hơn 28 tỷ kWh. Tuy nhiên, còn một số hạng mục như công trình đường tránh vai trái đập (để đáp ứng yêu cầu bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia) hiện đang triển khai đạt hơn 1/3 yêu cầu. Công tác trồng bù rừng mới được 35ha/gần 300ha cần bù. Dự án thủy điện Lai Châu đến tháng 8-2014, đã hoàn thành tiến độ kế hoạch được phê duyệt về công tác đấu thầu, cung cấp thiết bị công nghệ cho lắp đặt… Tuy nhiên, công tác thi công liên tỉnh lộ 127 đoạn Nậm Nhùn - Mường Tè - Pắc Ma và công tác xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chính là do thời tiết mưa nhiều trong tháng 7 và 8 gây khó khăn cho tổ công tác thi công ngoài hiện trường.

Về dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến khởi công đầu năm 2014 và hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khởi công. Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để đảm bảo giao mặt bằng xây dựng dự án đúng tiến độ, tỉnh cần kinh phí bồi thường cho người dân, nhất là cần thiết phải hoàn thiện hạ tầng khu nghĩa trang mới. Thế nhưng, cơ chế hiện nay không cho phép địa phương triển khai hạng mục này. Ngoài ra, theo đại diện EVN, có nhiều yếu tố khách quan xảy ra nhất là việc rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukusima tại Nhật Bản thời gian qua đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ dự án. Cụ thể, địa điểm xây dựng cũng phải khảo sát lại; thiết kế xây dựng cũng phải điều chỉnh theo hướng an toàn hơn, các yếu tố rủi ro được tính kỹ lưỡng hơn… Hiện Bộ Công thương đang rà soát tổng thể những yếu tố kỹ thuật trước khi trình Chính phủ phương án thực hiện.

Chưa đảm bảo ổn định đời sống người dân

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, không thể phủ nhận lợi ích kinh tế mà thủy điện Sơn La và Lai Châu mang lại. Tuy nhiên, thực tế khảo sát của đoàn đại biểu quốc hội cho thấy vẫn còn rất nhiều bất cập liên quan đến những dự án này, nhất là khâu tái định cư, ổn định đời sống người dân và tái trồng rừng. Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt vấn đề: Theo báo cáo của Bộ Công thương, thu nhập trung bình mỗi hộ tái định cư dự án thủy điện Sơn La là 61 triệu đồng/hộ/năm. Thế nhưng, thực tế ghi nhận từ Mường Lay chỉ mới đạt được 350.000 đồng/hộ/tháng, tức là gần 4 triệu đồng/năm. Một con số thấp hơn rất nhiều số báo cáo. Ngoài ra, ước tính hiện có khoảng 30% hộ tái định cư nghèo. Dĩ nhiên là có nhiều nguyên nhân dẫn đến yếu tố nghèo nhưng chủ yếu là do thiếu đất sản xuất… Bản thân những hộ dân tái định cư không được đào tạo nghề để chuyển đổi cuộc sống. Điều này rất khó chấp nhận, nhất là với những hộ dân thuộc dự án thủy điện Sơn La. Điều này cần triển khai rút kinh nghiệm cho thủy điện Lai Châu cũng như những dự án thủy điện khác.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) nhấn mạnh, thống kê trên cả nước hiện có 235 dự án thủy điện với tổng công suất 2.268MW. Vậy tính trung bình chưa tới 10MW/thủy điện. Đây là công suất quá nhỏ. Trong khi đó, việc xây dựng các thủy điện lại gây tổn hại rất lớn cho môi trường. Tại cuộc họp, các đại biểu yêu cầu nên tập trung đầu tư cho các nhà máy thủy điện lớn vì mang lại lợi ích kinh tế tốt hơn, đồng thời, giảm thiểu thiệt hại cho môi trường. Thực tế cho thấy, việc tái trồng rừng sau xây dựng thủy điện còn nhiều vấn đề. Đơn cử như địa phương không bàn giao được đất, chủ đầu tư chưa tự giác về trách nhiệm trồng lại rừng. Và trách nhiệm giữa chủ đầu tư và địa phương không rõ ràng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc Bộ Công thương thực hiện rà soát và ngưng 15 dự án thủy điện là cần thiết nhưng việc này cần phải tiếp tục duy trì và thực hiện. Ngoài ra, xem xét thêm vấn đề an toàn hồ đập, vận hành hồ chứa và liên hồ chứa, nhất định phải đảm bảo không để xảy ra tình hình lũ kép như đã từng xảy ra những năm trước đây. Về vấn đề trồng rừng thay thế, phải xem trách nhiệm của chủ đầu tư có đúng như cam kết. Và quan trọng nhất là phải chăm lo tốt hơn đời sống người dân tái định cư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm xây dựng và trình phương án sử dụng 1.000 sinh viên ngành năng lượng nguyên tử ra trường trong năm 2016, tránh để tình trạng lãng phí trong đào tạo. Ngoài ra, cần chọn một số sinh viên tiêu biểu cho tu nghiệp những lớp cao hơn để đáp ứng yêu cầu đảm bảo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong thời gian tới.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục