Ứng dụng công nghệ định vị để quản lý nguồn phóng xạ

TPHCM có hàng ngàn thiết bị chứa chất phóng xạ nguy hiểm đã được cấp phép sử dụng. Nhưng nếu xảy ra sự cố rò rỉ, mất cắp nguồn phóng xạ rất khó xử lý kịp thời do công tác thanh kiểm tra chỉ theo định kỳ. Bất cập này có thể được giải quyết trong tháng 11 tới đây, khi UBND TPHCM cho phép lắp đặt hệ thống quản lý và định vị nguồn phóng xạ bằng GPS. Hệ thống này hoàn toàn do các đơn vị trong nước nghiên cứu và làm chủ.
Ứng dụng công nghệ định vị để quản lý nguồn phóng xạ

TPHCM có hàng ngàn thiết bị chứa chất phóng xạ nguy hiểm đã được cấp phép sử dụng. Nhưng nếu xảy ra sự cố rò rỉ, mất cắp nguồn phóng xạ rất khó xử lý kịp thời do công tác thanh kiểm tra chỉ theo định kỳ. Bất cập này có thể được giải quyết trong tháng 11 tới đây, khi UBND TPHCM cho phép lắp đặt hệ thống quản lý và định vị nguồn phóng xạ bằng GPS. Hệ thống này hoàn toàn do các đơn vị trong nước nghiên cứu và làm chủ.

Điều chế và sử dụng phóng xạ điều trị bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sử dụng công nghệ Việt

Theo thống kê của Sở KH-CN TPHCM, trên địa bàn TP hiện có có hơn 1.200 nguồn phóng xạ với 10 chủng loại khác nhau, được sử dụng tại 624 cơ sở y tế. Ngoài ra, còn có 67 cơ sở đang sử dụng 241 thiết bị và lưu giữ 39 nguồn phóng xạ trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy vẫn còn khoảng 5,6% số cơ sở tư nhân có các hoạt động chiếu chụp X-quang không phép. Khi xảy ra sự cố không thể nắm bắt và xử lý kịp thời. Đòi hỏi phải quản lý được các thiết bị nguy hiểm này bằng hệ thống định vị.

Từ nhu cầu cấp thiết đó, ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm ICDREC, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết các kỹ sư của trung tâm đã nghiên cứu thành công hệ thống quản lý thiết bị chứa nguồn phóng xạ. Hệ thống bao gồm một thiết bị giám sát có chức năng thu thập dữ liệu định vị tọa độ, hướng di chuyển, tốc độ… thông qua vệ tinh GPS hoặc Cell ID của hệ thống viễn thông. Các dữ liệu này được truyền về hệ thống máy chủ bằng mạng viễn thông (GPRS/GSM). Qua hệ thống quản lý trung tâm, cơ quan quản lý có thể theo dõi có bao nhiêu thiết bị phát xạ đang ở trạng thái nào (di chuyển, đứng yên, cảnh báo, mất tín hiệu GPS, sắp hết pin…), hoặc cho phép xem lại lịch sử hành trình và trạng thái thiết bị phát xạ trong quá khứ.

“Nếu chẳng may một máy phát xạ nào đó có dấu hiệu di chuyển, rung lắc, pin yếu, có Led chỉ thị các trạng thái hoạt động… thiết bị sẽ tự động phát hiện và cấp nguồn cho các khối chức năng hoạt động để xác định vị trí của máy đồng thời gửi tin nhắn hoặc gọi điện cảnh báo đến người quản lý, sớm đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời. Nếu ứng dụng giải pháp này, sự cố mất cắp thiết bị kiểm tra không phá hủy NDT, có chứa nguồn phóng xạ kín Iridium-192 mới đây hoàn toàn có thể kiểm soát sớm hơn”, ông Ngô Đức Hoàng giải thích.

Ngoài ra, vị Giám đốc ICDREC cũng khẳng định, thiết bị này sử dụng chip SG8V1 do Việt Nam thiết kế. Các công nghệ khác của hệ thống đều có khả năng làm chủ.

Thành phố sẽ chi ngân sách

Theo Cục phó Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Lê Quang Hiệp, trên thế giới hiện chỉ có Hàn Quốc quản lý hiệu quả các nguồn phóng xạ dựa vào hệ thống định vị gắn trên thiết bị. Bởi thế, đầu năm 2014, Việt Nam, Hàn Quốc và IAEA đã nghiên cứu hợp tác triển khai dự án lắp đặt thử nghiệm Hệ thống định vị nguồn phóng xạ (RADLOT) tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ, hệ thống của Hàn Quốc trong việc kiểm soát an ninh nguồn phóng xạ đối với hoạt động chụp ảnh phóng xạ NDT.

Tuy nhiên, theo đánh giá, hệ thống định vị RADLOT của Hàn Quốc sử dụng thu nhận thông tin thông qua mạng lưới viễn thông di động. Nếu áp dụng tại Việt Nam sẽ cho sai số trong phạm vi bán kính 100m. Đối với một thành phố như TPHCM, việc sai số như trên là vô cùng lớn, không hiệu quả trong việc định vị và tìm kiếm thiết bị khi cần thiết. Với phương pháp định vị bằng GPS, sai số chỉ nằm trong bán kính khoảng 10m, phù hợp hơn so với điều kiện của Việt Nam.

Riêng về giá thành lắp đặt thiết bị sản xuất trong nước, ông Ngô Đức Hoàng khẳng định sẽ cạnh tranh hơn so với thiết bị ngoại nhập. Cụ thể, nếu lắp cho khoảng 1.000 thiết bị, đầu tư cho toàn hệ thống sẽ hết khoảng 4,9 tỷ đồng (chưa tính VAT). Bao gồm thiết bị giám sát, công lắp đặt, hệ thống server, hệ thống phần mềm… Chi phí duy trì hệ thống trong một năm vào khoảng 780 triệu đồng/1.000 thiết bị.

Tại cuộc họp mới đây với đại diện các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã yêu cầu Sở KH-CN TPHCM và Trung tâm ICDREC triển khai hệ thống quản lý và định vị nhanh để thực hiện trong tháng 11-2014. Trước mắt TPHCM vận động các đơn vị quản lý thiết bị bức xạ, phóng xạ đăng ký lắp thiết bị định vị với cơ quan nhà nước. Do chưa có quy định bắt buộc các đơn vị trên đăng ký lắp đặt thiết bị định vị nên tạm thời ngân sách nhà nước bỏ ra để lắp miễn phí cho các đơn vị.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn phóng xạ, UBND TPHCM cũng sẽ có văn bản đề nghị Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) khi cấp phép sử dụng phải yêu cầu đơn vị lắp thiết bị định vị.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục