“Hóa đơn” taxi - bao giờ?

Nhiều tiện ích

Nếu được UBND TPHCM chấp thuận, từ năm 2015, hơn 10.000 taxi đang hoạt động ở TPHCM sẽ được gắn thiết bị in tự động chứng từ Taximet. Công nghệ này vừa được Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH-CN) thử nghiệm thành công.

Nhiều tiện ích

Công ty Huy Hoàng, đơn vị phối hợp với Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nghiên cứu đưa ra giải pháp này cho biết, thiết bị in tự động chứng từ Taximet là bộ thiết bị kết nối đồng hồ tính tiền hộp đen và thiết bị in cho taxi. Sau khi sử dụng dịch vụ taxi, hành khách sẽ nhận được một hóa đơn đi kèm. Hành khách căn cứ trong chứng từ có ghi rõ thời gian, quãng đường đi, giá tiền, họ và tên, số điện thoại tài xế, số xe... để kiểm tra tiền cước taxi. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, đến nay đã làm chủ công nghệ chế tạo Taximet có chức năng in chứng từ, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm so với nhập khẩu từ nước ngoài. Giá thành được Công ty Huy Hoàng công bố vào khoảng 9 triệu đồng/bộ thiết bị.

Đơn vị thực hiện cũng cho biết, sau khi nghiên cứu thành công, thiết bị in tự động chứng từ này đã được lắp đặt thử nghiệm trên hàng chục xe của các hãng taxi, như 27-7, Savico, Miền Đông và Mai Linh. Trong thời gian một tháng, các kỹ sư đã liên tục ghi nhận, đo đạc và tinh chỉnh để thiết bị hoạt động chính xác nhất. Kết quả thử nghiệm cho kết quả tốt. Giải pháp này cũng được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi đánh giá cao và hợp lý.

Theo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hiện nay phần lớn hành khách đi taxi trả tiền mặt và không lấy hóa đơn tiền cước nên khi hành khách khiếu nại về chuyện gian lận cước thì các cơ quan chức năng không có đủ chứng cứ để bảo vệ. Có trường hợp chủ taxi dùng các thiết bị điện tử tác động, làm sai lệnh chỉ số kilomet và số tiền so với quãng đường thực. Ngoài ra, nhiều trường hợp hành khách để quên đồ đạc trên taxi nhưng khi yêu cầu trả lại tài sản thì lại không nhớ số xe, tên tài xế… Trong các trường hợp này, hóa đơn sẽ giúp ích người đi taxi.

Vẫn lo

Tuy khẳng định việc lắp đặt thiết bị là cần thiết, nhưng đại diện các sở, ngành và doanh nghiệp kinh doanh taxi cho biết vẫn còn rất nhiều khó khăn để thiết bị in chứng từ Taximet được ứng dụng đại trà. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết, việc lắp đặt thiết bị Taximet in chứng từ nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, nhằm thực hiện quy định của nhà nước khi mua bán hàng hóa phải có chứng từ (hay gọi là hóa đơn). Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là chứng từ này chưa thể gọi là hóa đơn. Do đó, Sở KH-CN TP kiến nghị các đơn vị liên quan cần làm việc với ngành tài chính để chấp nhận loại chứng từ này là hóa đơn.

Đánh giá về khả năng lắp đặt thiết bị in chứng từ Taximet, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM khẳng định, Nghị định 86 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô quy định từ ngày 1-6-2016, xe taxi phải in chứng từ cho hành khách đi xe. Như vậy, việc lắp đặt thiết bị này không còn là chuyện làm hay không làm mà các doanh nghiệp cần chuẩn bị đầu tư taximet in chứng từ cho hơn 10.000 taxi đang hoạt dộng ở TP nhằm thực hiện đúng quy định của nhà nước. Nhưng việc này cũng đặt ra bài toán kinh phí đầu tư cho các doanh nghiệp. Như Mai Linh có gần 11.000 xe đang lưu hành hiện nay, nếu đầu tư cho hệ thống in hóa đơn cần chi phí lên đến khoảng 100 tỷ đồng. Công ty Vinasun với hơn 5.000 xe đang lưu hành thì việc đầu tư cho hai thiết bị trên không phải nhỏ. Theo đơn vị này, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, người tiêu dùng và doanh nghiệp đang rất hạn chế sử dụng dịch vụ taxi để giảm chi phí. Việc đầu tư lớn buộc doanh nghiệp phải nâng giá cước taxi để bù lỗ, việc điều chỉnh như vậy sẽ gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Sự hỗ trợ kinh phí giai đoạn đầu là cần thiết để doanh nghiệp mạnh dạn lắp đặt và sử dụng.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục