3G còn “sống” nhiều năm

4G được định nghĩa căn bản là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 đến 1,5 Gb/giây. Trong công nghệ di động, Qualcomm đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển chuẩn 3G. Tập đoàn công nghệ này cũng đang làm việc cùng các đối tác trong hệ sinh thái về sự phát triển của 4G... Chính vì thế, những chia sẻ của ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương về 3G cũng như 4G cho thấy một cái nhìn căn bản về xu hướng công nghệ này.

Về 4G mà các nhà mạng Việt Nam đang thử nghiệm, Qualcomm đã tham gia vào tư vấn trong thời gian vừa qua về mặt công nghệ, băng tần… Công nghệ 4G khá thú vị. 3G có 3 đến 4 băng tần nhưng 4G có 30 đến 40 băng tần khác nhau và những công nghệ khác liên quan. Qualcomm tham gia tư vấn để các nhà mạng đi đến các quyết định như chọn hạ tầng, băng tần, công nghệ… theo các quy định của Nhà nước.

Ông Thiều Phương Nam cho rằng, 4G đang là xu hướng chung trên thế giới. Khi đã thành xu hướng chung thì các quốc gia nằm trong xu hướng này sẽ không muốn đứng riêng một mình mà sẽ chuyển động theo xu hướng đó. Với xu hướng này, trong vài năm tới các thiết bị hạ tầng cũng sẽ rẻ hơn. Song song đó, nội dung trên 4G cũng nhiều lên… nên sẽ có lợi và mang đến nhiều ứng dụng hơn cho người dùng khi phát triển 4G.

Cũng cần phải nói rằng, hiện tại Việt Nam chưa khai thác hết khả năng của 3G vì tính năng của 3G còn rất nhiều, như từ 3G đến 3.5G mà các nhà mạng Việt Nam đang triển khai. Phát triển theo hướng này, nhà mạng sẽ có lợi: tận dụng được hạ tầng, người dùng cũng có những bước chuyển đổi dịch vụ một cách tự nhiên… từ dịch vụ cao cấp lên dịch vụ cao cấp hơn. Ông Thiều Phương Nam cũng khẳng định: Kể cả khi ra mắt 4G thì 3G vẫn tồn tại trong 10 đến 15 năm tới, vì khi lên công nghệ 4G, công nghệ này được thiết kế tập trung vào việc tối ưu hóa truyền dữ liệu. Nhưng nếu người dùng smartphone để gọi điện thì nó sẽ quay về 3G để gọi. Hơn nữa công nghệ gọi trên 4G hiện nay còn rất mới và vẫn đang tiếp tục thử nghiệm. Điều này cũng có nghĩa nếu có 4G thì 3G cũng sẽ tồn tại song song trong rất nhiều năm tới.

Tuy nhiên, theo ông Thiều Phương Nam, để Việt Nam trở thành một nước dẫn đầu trong khu vực về 3G và sắp tới là 4G, vai trò quản lý nhà nước rất quan trọng. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có những kế hoạch cũng như lộ trình phát triển 4G. Việc lựa chọn băng tần 4G rất quan trọng, đặc biệt trong tương lai khi quá trình trao đổi thông tin (data) sẽ rất lớn và cần có nhiều băng tần hơn.

TẤN BA

Tin cùng chuyên mục