Ngành khoa học của tương lai

“Trong khi thế giới đã đầu tư cho khoa học và công nghệ tính toán từ thế kỷ trước, thì lĩnh vực này tại Việt Nam còn mới mẻ. TPHCM là địa phương tiên phong của cả nước quan tâm đầu tư khi cho ra đời Viện Khoa học và công nghệ tính toán từ năm 2009 (thuộc Sở KH-CN TPHCM). Tuy nhiên, đây là lĩnh vực khoa học cần đầu tư lâu dài, và bước đi đầu tiên là chọn lọc và đào tạo nhà khoa học lành nghề”, GS-TS Trương Nguyện Thành đã mở đầu cuộc nói chuyện với PV Báo SGGP về định hướng phát triển ngành, nhân Hội nghị quốc tế về khoa học tính toán được tổ chức mới đây tại TPHCM.
Ngành khoa học của tương lai

Khoa học và công nghệ tính toán

“Trong khi thế giới đã đầu tư cho khoa học và công nghệ tính toán từ thế kỷ trước, thì lĩnh vực này tại Việt Nam còn mới mẻ. TPHCM là địa phương tiên phong của cả nước quan tâm đầu tư khi cho ra đời Viện Khoa học và công nghệ tính toán từ năm 2009 (thuộc Sở KH-CN TPHCM). Tuy nhiên, đây là lĩnh vực khoa học cần đầu tư lâu dài, và bước đi đầu tiên là chọn lọc và đào tạo nhà khoa học lành nghề”, GS-TS Trương Nguyện Thành đã mở đầu cuộc nói chuyện với PV Báo SGGP về định hướng phát triển ngành, nhân Hội nghị quốc tế về khoa học tính toán được tổ chức mới đây tại TPHCM.

Ngành khoa học của tương lai ảnh 1

Các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị.

- Phóng viên: Xin ông cho biết, mục đích của hội nghị quốc tế lần này?

>> GS-TS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH: Mục tiêu đầu tiên là tạo mối quan hệ với cộng đồng khoa học tính toán trên thế giới, để họ biết đến một viện khoa học và công nghệ tính toán đang hình thành ở Việt Nam. Thông qua đó, các nhà khoa học chính là kênh quảng bá tốt nhất để các nhà khoa học trẻ của Việt Nam có cơ hội kết nối nghiên cứu và đào tạo với các đơn vị khác cùng lĩnh vực ở nước ngoài.

Các bạn biết đấy, số lượng các bài báo được công bố quốc tế của ta vẫn rất ít. Nhưng các bài báo được đăng vẫn chưa nói lên được nhiều điều nếu như nó không được các nhà khoa học tên tuổi quan tâm. Bởi vậy, hội nghị lần này còn là cơ hội tốt để mang các nhà khoa học đó đến Việt Nam, tạo ra một diễn đàn để họ lắng nghe các nghiên cứu của viện. Qua đó, họ có nhận xét, phản biện trên cơ sở lý luận khoa học. Dĩ nhiên, với những nghiên cứu hay, xuất sắc, các nhà khoa học trẻ của viện cũng có thêm cơ hội được cộng tác với chính các nhà khoa học lớn của thế giới.

- Công tác nghiên cứu của viện đến nay đã đạt được những gì?

Viện Khoa học và công nghệ tính toán ra đời năm 2008, chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2009. Những ngày đầu thành lập, ban giám đốc viện và lãnh đạo TPHCM đã thống nhất định hướng phát triển cho viện với 3 giai đoạn. Trong 5 năm đầu tiên, viện đồng thời thực hiện hai việc: Xây dựng, thu hút đội ngũ nhà khoa học có năng lực nghiên cứu và đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ các đề tài nghiên cứu cơ bản. Đến nay, chúng ta đã có đội ngũ hơn 10 tiến sĩ là nhà khoa học Việt kiều, khoảng 40 nghiên cứu viên đang cộng tác và làm việc tại 5 phòng thí nghiệm Khoa học sự sống (Life Science), Khoa học phân tử và Vật liệu nano (Molecular Science and Nano Meterials), Khoa học môi trường (Environmental Science), Tính toán kỹ thuật (Computational Engineering) và Hạ tầng thông tin tính toán (Cyber-Infrastructure). Mỗi năm viện có hơn 30 công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế.

Giai đoạn kế tiếp là nâng cao trình độ và chuyên môn cho đội ngũ nhà khoa học trẻ Việt Nam đang làm việc tại viện. Chúng ta đang ở giai đoạn 2 này. Ai cũng thấy Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ cao, nhưng muốn phát triển được phải đi trước về con người, rồi mới đến cách thức và các điều kiện nghiên cứu. Chính vì thế, chiến lược của viện là thu hút các nghiên cứu sinh trẻ, để đến năm 2015, viện phải tự hoạt động được với đội ngũ trong nước. Lúc đó, viện mới có thể tạo thương hiệu với các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) quốc tế và sánh được với Singapore, Malaysia hay Thái Lan...

- Nhưng tại Việt Nam, ngành khoa học tính toán vẫn là còn mới, thưa ông?

Điều đó không có gì bất ngờ. Khi viện ra đời, khoa học tính toán của Việt Nam còn rất sơ khai, trong khi thế giới đã đi trước chúng ta hàng chục năm. Khoa học tính toán là lĩnh vực hỗ trợ đa ngành, là trụ cột thứ ba, cùng với lý thuyết và thực nghiệm. Một khi cả lý thuyết và thực nghiệm gặp khó khăn, thì khoa học tính toán sẽ là phương pháp cuối cùng để giải quyết vấn đề. Tôi lấy ví dụ đơn giản, để ra một loại thuốc mới trong y dược tốn 5 tỷ USD và thời gian 15 năm. Lý do là rất khó tìm được một chất chữa đúng bệnh mà không có tác dụng phụ đối với các phần khác của cơ thể. Muốn chọn đúng thuốc, phải thử hàng triệu lần với hàng triệu hợp chất khác nhau. Trong trường hợp này, khoa học tính toán sẽ đảm nhận phần việc chọn lọc, loại bỏ những hợp chất không phù hợp. Lúc đó, công việc thực nghiệm nghiên cứu thuốc sẽ đơn giản hơn nhiều. Bên cạnh y dược, khoa học tính toán còn được ứng dụng nhiều trong kỹ thuật, thống kê, dự báo biến đổi khí hậu, môi trường…

- Vậy theo ông, với tầm quan trọng như trên, cách đầu tư của chúng ta hiện nay đã phù hợp chưa?

Việc đầu tư cho lĩnh vực này của TPHCM là bước đi kịp thời và đúng đắn. Tôi được biết, mỗi năm, ngân sách TP hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo tại viện, chưa kể các khoản đầu tư xây dựng hạ tầng trước đó. Tuy nhiên, lĩnh vực này đòi hỏi một hệ thống máy tính đủ mạnh; hiện hệ thống của viện đặt tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung mới đáp ứng được 5% đòi hỏi cho các nghiên cứu. Thực ra, đầu tư cho hệ thống này tốn khoản kinh phí lớn. Nhưng theo tôi, ta nên bỏ qua cách nghĩ “quả trứng và con gà” trong trường hợp này. Viện có năng lực nghiên cứu và nếu hệ thống máy tính đáp ứng được, chúng tôi sẽ sớm ra đời những nghiên cứu “thấy được”. Có thể bây giờ khoa học tính toán còn lạ lẫm, nhưng vài năm sau, khi những quốc gia lân cận chúng ta cần, thì Việt Nam đã đi trước. Đầu tư ngành này phải xác định là đầu tư đường dài, nhưng chúng ta có quyền nghĩ đến thời điểm nào đó, chúng ta có thể chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học tính toán ra nước ngoài.

- Lộ trình “ứng dụng được” như ông nói sẽ rơi vào thời điểm nào?

Theo kế hoạch phát triển ban đầu của viện, giai đoạn ba là nâng các nghiên cứu cơ bản lên thành những đề tài có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho TPHCM. Có thể, đến giai đoạn 2016 - 2017 chúng ta sẽ có những nghiên cứu đầu tiên được ứng dụng.

- Vâng, xin cảm ơn ông!

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục