Đón nhận thách thức

Hôm qua 9-9, VNG tròn 10 tuổi. Vẫn còn nhiều tranh luận, cách nhìn khác nhau về VNG. Nhưng hôm nay VNG 10 tuổi 1 ngày và vẫn với tinh thần “Đón nhận thách thức” trong mai sau. Điều gì khiến công ty chuyên về Internet được định giá 1 tỷ USD này luôn phải nhìn về phía trước?

10 năm qua, kể từ những ngày đầu sơ khai thành lập với một nhóm bạn chưa đến 10 người quyết định khởi nghiệp bằng số tiền hạn chế, mọi người chưa biết nhiều về thị trường game. Cho đến khi Võ Lâm Truyền Kỳ được phát hành tại Việt Nam, cũng là game mở đường cho ngành công nghiệp giải trí trực tuyến tại Việt Nam, đã tạo được những giá trị thặng dư lớn cho VNG mà khi đó là Vinagame. Cú hích này mở ra cho hàng chục đến hàng trăm doanh nghiệp game ra đời từ năm 2006 đến 2010. Và từ đó về sau, thị trường - môi trường game nháo nhào khiến cơ quan quản lý phải vào cuộc mạnh tay. Và tất nhiên trong cú vươn tay quản lý, VNG hứng chịu nhiều va chạm nhất…

10 năm qua, trong lòng VNG chứa đựng nhiều “vết thương”. Những vết thương đến từ sự hồ hởi ban đầu, vết thương do đi tiên phong và cả vết thương của sự bùng nổ phát triển. Trong bối cảnh này, có người “bị thương”, có người bỏ cuộc, có người trốn chạy và cũng có người núp bóng... Còn VNG, chịu đựng vết thương chờ người hiểu và họ nhìn thấy phía trước có nhiều thứ để làm với Internet chứ không hẳn chỉ là game. Về bản chất, chơi game nhất là game online có thứ tốt và cũng có những điều không tốt. Tùy người, tùy game, tùy cách chơi. Trong nhiều nhìn nhận về game như vậy, trở mình là điều cần thiết nên năm 2010, Vinagame đã đổi tên thành VNG để khẳng định có thể làm được nhiều thứ với Internet và ít nhiều cũng muốn vết thương chóng lành hơn.

Chính vì thế, sự thay đổi lớn nhất của VNG bắt đầu từ năm 2010 đến nay, mục tiêu “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống của người Việt Nam” với hàng loạt sản phẩm ra đời và định hình cho đến nay, như Zing, Zalo, phần mềm quản lý đại lý Internet CSM… với hàng chục triệu người dùng. Song song đó, các hoạt động vì cộng đồng cũng đã bắt nhịp đến hơn ngàn người trẻ nơi đây bằng những công trình thiết thực như: Máy tính cho trẻ em vùng xa; chạy bộ từ thiện vì nụ cười trẻ em; xuồng CQ cho chiến sĩ Trường Sa. Tức VNG thay đổi, từ cách làm sản phẩm đến cách giao tiếp với xã hội và đã được xã hội ghi nhận.

Hôm nay, vẫn còn đó những sản phẩm và giá trị mà VNG muốn tạo ra. Và trong ngày kỷ niệm 10 năm thành lập, “Đón nhận thách thức” là thông điệp được đưa ra. Bản thân VNG phải đón nhận thách thức vì 10 năm qua đã có quá nhiều bài học về rào cản và hơn nữa 10 năm tiếp theo sẽ là những câu chuyện gắn liền với tầm nhìn mà họ đã chọn lựa. VNG đã chia các dịch vụ Consumer Internet (Internet cho cá nhân) thành 4 mảng lớn: Search (tìm kiếm), Content (nội dung số, bao gồm game, tin tức, âm nhạc…), Social (mạng xã hội, bao gồm những phương thức giao tiếp và liên lạc như chat, email) và Commerce (thương mại điện tử, bao gồm hàng hóa và dịch vụ). Và cũng có những tính toán, năm 2014 sẽ đạt 36 triệu người tại Việt Nam sử dụng Internet (40% dân số) với khoảng 20 triệu sử dụng Internet qua mobile. Tới 2024 sẽ có 70 triệu người Việt Nam sử dụng Internet chủ yếu qua mobile và các thiết bị… Đây chính là thách thức cho sự phát triển của VNG trong bối cảnh mới. Hay nói cách khác, phải có sự thay đổi triệt để mới tiếp bước phát triển và cũng mới xóa hết vết thương xưa.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG: “Những trải nghiệm trong 10 năm xây dựng VNG dạy cho mình bài học sâu sắc. Điều quan trọng nhất của một doanh nghiệp là cần có một niềm tin dài hạn vào con đường mà mình đang theo đuổi. Và khi chúng ta đặt niềm tin đó vào trọng tâm mọi hoạt động của mình, thì dù ngắn hạn có gặp nhiều khó khăn, nhiều thay đổi không lường trước, sau một khoảng thời gian dài, chúng ta sẽ có những bước tiến rất xa trên con đường của mình”.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục