Cần chính sách thay thế thiết bị ngoại nhập

Có thể nói, Hội nghị cấp cao Việt Nam SEMI về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (vừa được tổ chức lần thứ hai tại TPHCM) tiếp tục đặt ra câu hỏi chúng ta cần phải làm gì với ngành công nghiệp bán dẫn vốn quá non trẻ đang được triển khai tại “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM”?
Cần chính sách thay thế thiết bị ngoại nhập

Có thể nói, Hội nghị cấp cao Việt Nam SEMI về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (vừa được tổ chức lần thứ hai tại TPHCM) tiếp tục đặt ra câu hỏi chúng ta cần phải làm gì với ngành công nghiệp bán dẫn vốn quá non trẻ đang được triển khai tại “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM”?

Tạo môi trường cạnh tranh

Trước đây 1 năm (9-2013), lần đầu tiên Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM phối hợp với Hiệp hội Quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn và Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA) tổ chức Hội nghị cấp cao về chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn tại TPHCM. Khi đó, hội nghị mang đến cơ hội hình thành diện mạo mới cho ngành công nghiệp bán dẫn non trẻ của Việt Nam trong tương lai, trong đó Khu Công nghệ cao TPHCM được nhấn mạnh như một hình mẫu thu hút đầu tư và phát triển ngành vi mạch bán dẫn của thành phố… Và từ đây các vấn đề về công nghiệp vi mạch trong nước được đặt ra, như công nghệ, thị trường, xu hướng phát triển…

Và trong năm qua, nhiều hoạt động tìm hiểu, xúc tiến, hợp tác trong lĩnh vực vi mạch đã được ký kết, triển khai như kết hợp đào tạo nhân lực với Đại học Tokyo, xúc tiến các dự án xây dựng nhà máy chip… và đặc biệt có rất nhiều công ty vi mạch trên thế giới đã đến TPHCM đặt mối quan hệ và giới thiệu công nghệ - dự án mà theo như bà Bettina Weiss, Phó Tổng giám đốc quản lý sản phẩm và phát triển kinh doanh SEMI, đây là những kết quả tất yếu của quá trình mời gọi phát triển ngành vi mạch của TPHCM. “Nhiều công ty thế giới quan tâm, đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho ngành vi mạch, đây là dấu hiệu đáng mừng”, bà Bettina Weiss khẳng định như vậy.

Để thay thế thiết bị ngoại nhập cần có chính sách thúc đẩy sử dụng công nghệ trong nước.

Ở hội nghị lần này, vừa tổ chức trong tháng 9-2014, những vấn đề lần trước được tiếp tục đặt ra, song đã thấy khó khăn cần phải kể tới hiện nay là thị trường vi mạch thế giới đang dần bị bão hòa với mức tăng trưởng chỉ còn khoảng 4% mỗi năm. Trong khi các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển sớm như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu để thay đổi công nghệ thì chúng ta vẫn chỉ loay hoay trong việc sản xuất các sản phẩm vi mạch đơn giản. Các đơn vị trong nước có khả năng nghiên cứu, thiết kế vi mạch chủ yếu là các đơn vị vừa và nhỏ. Điều này cho thấy 1 năm qua đã có những chuyển biến, nên vấn đề đặt ra cho công nghiệp vi mạch TPHCM không như ban đầu, tức là cần đi sâu vào chiến lược phát triển hơn.

Khai thác sức mạnh nội tại

Một năm, nhìn từ Hội nghị cấp cao Việt Nam SEMI có lẽ chỉ mới nhìn thấy các hoạt động mang tính “ngoại giao”, điều này cũng dễ hiểu vì tính chất của nó vốn vậy, còn có khai thác và tận dụng hết những cơ hội mà hội nghị mang lại là chuyện khác. Song chương trình thường niên này diễn ra, cũng cần nhìn lại sức mạnh nội lực một năm qua khi TPHCM triển khai “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch”.

TPHCM đã thể hiện là địa phương đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm vi mạch. Trong đó, chủ trương xây dựng hệ sinh thái từ khâu nghiên cứu thiết kế đến thương mại sản phẩm vi mạch được nhiều đại biểu đánh giá cao. Một số sản phẩm như chip vi xử lý 8 bit VN801, chip vi xử lý 32 bit VN1632, chip Analog LDO TH7105 hay chip SG8V1… Trong đó có không ít dòng chip đã và đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm như thiết bị định vị - hộp đen xe gắn máy, ô tô; khóa container điện tử và sắp đến là điện kế điện tử. Cũng cần thấy rằng, sau TPHCM không ít địa phương muốn phát triển công nghiệp vi mạch, trong đó cần phải nói đến Đà Nẵng khi đã xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm thiết kế vi mạch Đà Nẵng và Phú Yên, Đà Lạt cũng đang chuẩn bị cho ngành công nghiệp này.

Từ hội nghị này cũng cho thấy, TPHCM đang xúc tiến xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch với công suất khoảng 1,8 tỷ con chip/năm và doanh thu ước tính 90 triệu USD/năm, các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước nhà. Dự kiến, từ 3 đến 6 tháng nữa, nhà máy này sẽ bắt đầu triển khai xây dựng. Song song đó, Khu Công nghệ cao TPHCM cũng vừa cấp phép xây dựng thêm một nhà máy chip, mà theo như ông Lê Hoài Quốc, Giám đốc Khu công nghệ cao TPHCM, khu đang vận động linh hoạt các cơ chế, chính sách theo quy định hiện hành để hỗ trợ các dự án vi mạch bán dẫn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn thành phố, nhận định chủ trương của thành phố đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào lĩnh vực thiết kế vi mạch là rất quan trọng trong việc tạo chuỗi công nghệ hoàn chỉnh cho sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch. Xây dựng được cộng đồng các doanh nghiệp thiết kế vững mạnh là yếu tố sống còn quyết định sự chủ động của ngành công nghiệp vi mạch khi tham gia thị trường thế giới.

Chính vì thế, nhận định về khó khăn của thị trường ngành vi mạch bán dẫn như trên đã là một thách thức cho ngành vi mạch đang trong những bước đầu xây dựng. Ở đây cũng nhìn thấy rằng, chưa nói đến chuyện xuất khẩu, chỉ riêng sản phẩm vi mạch thay thế thiết bị ngoại nhập đã là một thị trường rộng lớn cần hướng đến. Ngay trước mắt là điện kế điện tử và khóa container điện tử… Vì vậy, rất cần một chính sách để hướng đến việc thay thế thiết bị ngoại nhập trong các thiết bị có liên quan đến công nghiệp vi mạch bán dẫn.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục