Khoa học và công nghệ TPHCM -Từng bước đi vào đời sống

Hàng trăm tỷ đồng được giải ngân để triển khai thực hiện các đề án, chương trình theo đơn đặt hàng; hàng chục đề tài, sản phẩm được ứng dụng sau nghiên cứu… tiếp tục chứng minh khoa học và công nghệ (KH-CN) đang gần hơn với sự phát triển của thành phố. Mặc dù vậy, cho đến nay, doanh nghiệp chưa hứng thú với việc dùng một phần ngân sách để nghiên cứu, phát triển công nghệ. Đây là vấn đề đặt ra cho Sở KH-CN TPHCM trong kế hoạch hoạt động năm 2015.
Khoa học và công nghệ TPHCM -Từng bước đi vào đời sống

Hàng trăm tỷ đồng được giải ngân để triển khai thực hiện các đề án, chương trình theo đơn đặt hàng; hàng chục đề tài, sản phẩm được ứng dụng sau nghiên cứu… tiếp tục chứng minh khoa học và công nghệ (KH-CN) đang gần hơn với sự phát triển của thành phố. Mặc dù vậy, cho đến nay, doanh nghiệp chưa hứng thú với việc dùng một phần ngân sách để nghiên cứu, phát triển công nghệ. Đây là vấn đề đặt ra cho Sở KH-CN TPHCM trong kế hoạch hoạt động năm 2015.

Nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm của Công ty Sinh học Phương Nam.

Nội lực đã mạnh

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, trong năm 2014, Sở KH-CN đã cấp kinh phí triển khai cho 250 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, đồng thời tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện của 76 dự án, đề tài trong năm 2013. Từ các nghiên cứu có được, Sở KH-CN đã chuyển giao 24 sản phẩm nghiên cứu khoa học ngay trong ngày KH-CN Việt Nam 18-5. Song song đó, các chợ thiết bị - công nghệ (Techmart) tiếp tục được tổ chức, làm cầu nối cho hàng trăm hợp đồng mua bán công nghệ phục vụ sản xuất. Từ các chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu (Chương trình 04) và Chương trình Robot công nghiệp, sản phẩm của các đề tài, dự án khi chuyển giao cho các doanh nghiệp với giá bán khoảng 60% - 80% so với giá sản phẩm nhập khẩu nhưng chất lượng tương đương.

Song song với hoạt động nghiên cứu khoa học thường xuyên, Sở KH-CN TPHCM cũng triển khai thực hiện các đề án, chương trình theo nhu cầu của thành phố, như: Đề án “Bảo tồn nguồn gen sinh vật phục vụ nhu cầu phát triển của TPHCM và các tỉnh trong khu vực Nam bộ giai đoạn 2014 - 2020”; nghiên cứu thành lập “Chương trình Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc TPHCM” nhằm phục vụ cho “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tại TPHCM giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; triển khai dự án Hoàn thiện thiết kế, chế tạo máy cắt - vớt rong, cỏ dại, lục bình cỡ nhỏ trên kênh, mương cấp thoát nước khu vực TP, thiết bị này hiện đang triển khai trục vớt trên 5 tuyến kênh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất.

Theo đại diện của Sở KH-CN, với số tiền giải ngân hơn 120/132 tỷ đồng, đây là năm được giải ngân nhiều nhất với hơn 90%. Trước đó, trong năm 2013 chỉ giải ngân được hơn 25% (25 tỷ đồng trong tổng số 80 tỷ đồng được duyệt cho hoạt động nghiên cứu); năm 2012 chỉ giải ngân hơn 54% (45 tỷ đồng trong tổng số 83 tỷ đồng được duyệt cho nghiên cứu KH-CN). Chính việc giải ngân sớm đã giúp sở chủ động cấp kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là các nghiên cứu mang tính thời sự, giải quyết vấn đề an sinh cấp bách.

Tăng cường ngoại lực

Tuy nhiên, một thực tế được đặt ra hiện nay là các đề tài nghiên cứu vẫn chỉ tập trung vào khối viện nghiên cứu, trường đại học…, trong khi các doanh nghiệp rất hạn chế tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học này.

Ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý công nghệ của Sở KH-CN TPHCM, cho rằng quy định của Chính phủ, hàng năm, doanh nghiệp nhà nước phải trích từ 3% - 10% thu nhập trước thuế để lập Quỹ Phát triển KH-CN. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, tỷ lệ này không quá 10%. Nhưng trên thực tế, số lượng doanh nghiệp trích lập quỹ nói trên vô cùng ít ỏi, chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp nhà nước. Thống kê cho thấy, đến nay, toàn thành phố mới có 85 doanh nghiệp thành lập quỹ, trong đó 31 doanh nghiệp đã trích và sử dụng quỹ với tổng số tiền trích lập 414 tỷ đồng.

Giải thích cho việc các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn chưa mặn mà trích lập quỹ, theo ông Trung, nguyên nhân xuất phát từ việc đối tượng được chi từ quỹ chưa mở rộng, chưa bao phủ hết các khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp. Phần lớn đối tượng được chi quỹ là doanh nghiệp sản xuất, trong khi rất khó áp dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.

Một khảo sát gần đây ở 900 doanh nghiệp sản xuất đang hoạt động trên địa bàn TPHCM cho thấy, tỷ lệ máy móc, thiết bị chính đang sử dụng có trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu chiếm tới gần 90%. Trong điều kiện kinh phí nhà nước dành cho KH-CN còn quá ít, việc huy động sức mạnh ngoại lực là cần thiết. Đại diện Sở KH-CN TPHCM khuyến nghị, doanh nghiệp đừng nghĩ đầu tư KH-CN là làm tăng gánh nặng chi phí, vì đây là sự đầu tư cho sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, yêu cầu các doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển KH-CN là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là về mặt tài chính. Không ai khác, chính những người làm KH-CN nên có những kiến nghị để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp trích lập và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục