Phối hợp để vững bước phát triển

Phối hợp cần đúng nơi, đúng chỗ
Phối hợp để vững bước phát triển

“Phối hợp quản lý và huy động các nguồn lực triển khai thực hiện và ứng dụng kết quả nghiên cứu, các nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KH-CN) quốc gia tại khu vực phía Nam” là chủ đề hội thảo khoa học do Cục Công tác phía Nam Bộ KH-CN phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Cà Mau vừa tổ chức mới đây.

Phối hợp cần đúng nơi, đúng chỗ

Việc phối hợp giữa Bộ KH-CN với các địa phương trong công tác quản lý KH-CN nói chung, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nói riêng là rất quan trọng và cần thiết. Thạc sĩ Phạm Ngọc Minh (Cục Công tác phía Nam Bộ KH-CN) cho rằng cần tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương, giữa trung ương và địa phương trong việc xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ KH-CN và chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Kế đó là tăng cường công tác thông tin về các nhiệm vụ KH-CN và công tác tra cứu kết quả các nhiệm vụ KH-CN.

Để thực hiện tốt hơn, Sở KH-CN các tỉnh, thành phố, các đơn vị KH-CN, doanh nghiệp cần liên hệ với Cục Thông tin KH-CN quốc gia và các đơn vị có liên quan của Bộ KH-CN để tra cứu các kết quả nghiên cứu đã lưu trữ, nhằm phục vụ cho việc đề xuất, đặt hàng, lựa chọn và xác định các nhiệm vụ KH-CN. Các đơn vị chức năng của Bộ KH-CN cũng cần thông tin kịp thời cho các sở về những nhiệm vụ KH-CN triển khai trên địa phương và kết quả thực hiện để biết và cùng phối hợp quản lý, chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.

Nhiều thiết bị đáp ứng nhu cầu thực tế của sản xuất nhưng thường gặp khó khi thương mại hóa sản phẩm

Thạc sĩ Phạm Ngọc Minh cũng cho rằng: Các sở KH-CN cần phối hợp với sở tài chính địa phương để nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính KH-CN phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong liên kết, cần tiếp tục tăng cường liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông) để huy động các nguồn lực và phối hợp trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH-CN vào sản xuất và đời sống…

Đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh khẳng định: Để phát triển KH-CN nói chung, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KH-CN nói riêng, đòi hỏi phải tăng cường công tác phối hợp quản lý và huy động các nguồn lực, xã hội hóa hoạt động KH-CN. Nhất là hiện nay, nhà nước coi doanh nghiệp là trung tâm để khuyến khích và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động KH-CN, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

     

Đáng chú ý trong hội thảo lần này, vấn đề hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tiếp tục được nêu ra. Theo TS Bùi Văn Quyền, Giám đốc Văn phòng Chương trình Tây Nam bộ, đổi mới và tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay. Quy định hiện hành về xây dựng kế hoạch nhiệm vụ KH-CN hoàn toàn không phù hợp với đặc thù của hoạt động trong lĩnh vực này, khi xét đến tính thời sự, rủi ro và khó định lượng của các nhiệm vụ KH-CN. Vì thế, cần nhanh chóng đổi mới công tác xây dựng kế hoạch. “Thay vì xây dựng kế hoạch theo năm tài chính hiện nay, các nhiệm vụ KH-CN cần được cấp kinh phí theo tiến độ đề xuất và phê duyệt nhiệm vụ”, TS Bùi Văn Quyền nhấn mạnh.

Để làm được việc này, cơ chế tài chính hiện hành phải được thay bằng cơ chế tài chính áp dụng đối với các quỹ phát triển KH-CN. Theo TS Bùi Văn Quyền, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2008, mô hình của Quỹ phát triển KH-CN quốc gia được các nhà khoa học đánh giá rất cao vì có nhiều ưu điểm vượt trội so với cơ chế cấp phát tài chính hiện hành: cấp kinh phí kịp thời với việc phê duyệt nhiệm vụ; không phải quyết toán theo năm tài chính mà theo hợp đồng triển khai nhiệm vụ; cuối năm kinh phí chưa sử dụng hết tự động chuyển sang nguồn năm sau mà không phải làm thủ tục xin chuyển. Đây cũng là cơ chế phù hợp với thông lệ quốc tế, ở các nước phát triển thì quỹ là cơ quan chính thực hiện cấp phát kinh phí cho các đề tài nghiên cứu KH-CN.

Để làm tốt việc này, cần thực hiện quy định của Quyết định 1244/QĐ-TTg ngày 25-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ, giao quyền xác định tỷ lệ phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm cho hoạt động nghiên cứu triển khai và cấp kinh phí này vào hệ thống quỹ phát triển KH-CN, hoặc cấp qua kho bạc nhưng theo cơ chế quỹ của nhà nước trong lĩnh vực KH-CN. Bộ KH-CN tổ chức xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ theo đặt hàng của nhà nước và doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội… TS Bùi Văn Quyền nhấn mạnh: Việc đưa chi phí tiền lương và hoạt động bộ máy vào dự toán của nhiệm vụ KH-CN đảm bảo sự bình đẳng giữa tổ chức KH-CN trong và ngoài công lập. Nhà nước sẽ cấp kinh phí theo nhiệm vụ, bao gồm cả nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH-CN và nhiệm vụ KH-CN.

Bên lề hội thảo còn diễn ra một số hoạt động trưng bày và giới thiệu các sản phẩm là kết quả nghiên cứu của các tổ chức KH-CN, doanh nghiệp trong nước được kiểm nghiệm, ứng dụng thành công. Sản phẩm đã hoàn thiện, sẵn sàng để chuyển giao, đảm bảo chất lượng, giá rẻ hơn so với sản phẩm ngoại nhập và được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng trên tàu đánh bắt xa bờ của Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu; phân bón của Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau; đông trùng hạ thảo nuôi cấy của Công ty HQGANO; nước ION Daisuki của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM; ghế ngồi trị cột sống của Công ty Ngân Hà…

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục