Nâng chất công nghệ

Kỳ vọng nâng chất là điều mà Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) Lê Hoài Quốc nhấn mạnh với PV SGGP vào những ngày đầu xuân Ất Mùi. Trên thực tế năm 2014, SHTP đã từ chối nhiều nhà đầu tư và chỉ chọn những “hạt giống”… là điều khá khác lạ so với chuyện thu hút đầu tư vào đây nếu nhìn lại các năm trước.
Nâng chất công nghệ

Kỳ vọng nâng chất là điều mà Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) Lê Hoài Quốc nhấn mạnh với PV SGGP vào những ngày đầu xuân Ất Mùi. Trên thực tế năm 2014, SHTP đã từ chối nhiều nhà đầu tư và chỉ chọn những “hạt giống”… là điều khá khác lạ so với chuyện thu hút đầu tư vào đây nếu nhìn lại các năm trước.

Nghiên cứu tại phòng sạch của SHTP.

Cái tên SHTP không xa lạ gì với doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế với những dự án đầu tư lớn như Intel và mới đây nhất là Samsung. Ở giai đoạn 10 năm đầu (2002 - 2012), SHTP còn thâm dụng lao động quá lớn, giá trị gia tăng thấp, nhưng đã mời gọi được 66 nhà đầu tư (33 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 33 dự án trong nước). Các tập đoàn lớn trên thế giới đã có mặt tại SHTP, như: Intel sản xuất, lắp ráp chipset và Jabil sản xuất linh kiện điện tử của Hoa Kỳ; Nidec sản xuất động cơ nước của Nhật Bản; Datalogic sản xuất thiết bị đọc mã vạch của Italia...

Khi ấy, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhận định, mặc dù giá trị gia tăng trong sản xuất và xuất khẩu của SHTP còn thấp, nhưng những con số kể trên hết sức ý nghĩa vì đây là những sản phẩm công nghệ cao. Và để đạt được mục tiêu là hạt nhân trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng của TP, SHTP cần có biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ tốt các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, SHTP cũng cần hợp tác với các viện, trường, tập đoàn, chuyên gia… trong đào tạo nhân lực công nghệ cao, sớm đưa sản phẩm trí tuệ Việt Nam thành thương phẩm trên thị trường quốc tế.

Còn hôm nay thì sao? TS Lê Hoài Quốc khẳng định, sẽ không còn chuyện thu hút đầu tư ồ ạt như trước, bây giờ chúng ta chọn nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ tỷ lệ nội địa hóa, công nghệ và xây dựng chuỗi doanh nghiệp hỗ trợ cụ thể. Tức là giai đoạn trước, chúng ta phải chấp nhận thu hút nhà đầu tư sử dụng nhiều lao động, ít chia sẻ công nghệ… Chúng ta tạo giá trị, thu hút các nhà đầu tư vào SHTP như kiểu đi bậc thang. Cụ thể, ở những dự án không nội địa hóa và đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển) thì SHTP sẽ không cho phép đầu tư, bất kể đó là doanh nghiệp lớn cỡ nào… Với dự án 1,4 tỷ USD tại SHTP, Samsung sẽ sản xuất các loại TV thông minh thế hệ mới với lộ trình năm 2015 xây xong nhà máy, năm 2016 đi vào hoạt động, sản xuất thử nghiệm và năm 2017 bắt đầu sản xuất thực thụ… Trong đó có cả lộ trình nội địa hóa cũng như đầu tư cho R&D. “Qua mỗi dự án, chúng ta nâng công nghệ Việt Nam lên một tầm cao mới, càng ngày càng đi vào công nghệ nguồn” - TS Lê Hoài Quốc nhận định.

Tại SHTP, những gì chuẩn bị cho năm 2015 đã được thực hiện với tiến độ khẩn trương, như thay đổi quy hoạch, chuẩn bị hạ tầng… Theo TS Lê Hoài Quốc cho biết, giá trị sản xuất qua 12 năm đã đạt trên 9 tỷ USD, hàng hóa sản xuất chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Nguồn nhân lực có trình độ từ cao đẳng đến sau đại học chiếm gần 40% tổng số lao động trong SHTP. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu linh kiện, thiết bị của các doanh nghiệp vẫn còn cao, trên 8 tỷ USD, dẫn đến giá trị gia tăng của SHTP chưa được như kỳ vọng. Giai đoạn từ nay đến năm 2020, SHTP tập trung thu hút các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa…

Có thể thấy rõ, ở SHTP, giai đoạn phải chấp nhận những nhà đầu tư chưa thật sự là công nghệ cao hay phải chiều lòng một số yêu sách của họ, là để tạo dựng nền tảng. Khi đã có nền tảng, tạo được sự khẳng định thì nay đến thời điểm chín muồi để SHTP nâng chất công nghệ cao.

Tính đến đầu năm 2015, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 68 dự án, thu hút 4.175,1 triệu USD. Năm 2014, giá trị xuất khẩu đạt 3.126 triệu USD/3.143 triệu USD giá trị sản xuất. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu tại SHTP đạt 10.072 triệu USD/10.145 triệu USD tổng giá trị sản xuất, chiếm bình quân hơn 90% giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của thành phố. Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm tăng từ 20% - 22% (năm 2010) đến hơn 32% (năm 2014).

Năm qua, Trung tâm Nghiên cứu triển khai SHTP  đã công bố 4 sản phẩm thương mại từ kết quả nghiên cứu (kem dưỡng da công nghệ nano, cảm biến áp suất, khóa điện tử container, điện kế điện tử). Số lượng doanh nghiệp có hoạt động R&D và có sản phẩm mới trong năm tăng lên đến 22 doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đăng ký 5 bằng sáng chế sản phẩm, công nghệ mới.

Hiện có 6 dự án doanh nghiệp đang được ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp CNC với nhiều sản phẩm đáng chú ý như máy in 3D, hệ thống điều khiển điện thông minh, thiết bị đọc điện não đồ…

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục