Sự khiêm tốn của hai nhà khoa học có tầm

Sự khiêm tốn của hai nhà khoa học có tầm

Giải thưởng Tạ Quang Bửu lần đầu tiên được trao cho GS-TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (Khoa Toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) ở lĩnh vực toán với công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson - Mùi xem như các Module trên đại số Steenrod” và PGS-TS Nguyễn Bá Ân (Viện Vật lý, thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) ở lĩnh vực vật lý với công trình “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W”.

Giáo sư Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, nhận xét: “Công trình của PGS Nguyễn Bá Ân đưa ra một giao thức hiệu quả trong thông tin lượng tử trái ngược với những quan điểm trước đó. Còn công trình của GS Nguyễn Hữu Việt Hưng đặc trưng được tất cả các đồng cấu của đại số Dickson - Mùi (mang tên nhà toán học Huỳnh Mùi của Việt Nam). Cả hai công trình đều chứa đựng những ý tưởng độc đáo và đem lại những nhận thức mới về những cấu trúc được nghiên cứu. Những điều này rất khó đạt được trong công bố khoa học và được đánh giá cao nhất trong nghiên cứu cơ bản. Đây có lẽ là lý do để họ nhận được số phiếu bầu gần như tuyệt đối. Cả hai người đều kiên trì nghiên cứu những vấn đề mũi nhọn trong lĩnh vực nghiên cứu của mình và nhận được nhiều kết quả mang tầm cỡ quốc tế”.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân (bìa phải) trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho GS-TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (bìa trái) và PGS-TS Nguyễn Bá Ân (giữa).
GS-TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng cho biết, công trình được trao giải thưởng là một bài báo dài 40 trang, đăng trên Mathematische Annalen - một trong những tập chí Toán học hàng đầu, bắt đầu xuất bản từ năm 1868. Trong đó khái niệm “Đại số Dickson - Mùi” xuất hiện ngay trong đầu đề bài báo nhằm tôn vinh GS Huỳnh Mùi, người đã hướng dẫn GS-TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng làm luận án tiến sĩ 35 năm trước. “Khi một kết quả đã được công bố, nó có cuộc sống tự thân, không phụ thuộc ý muốn tác giả của nó. Riêng với cá nhân tôi, mọi kết quả của tôi đã được công bố đều không còn thú vị nữa. Cái thú vị nằm ở những công trình sắp được nghiên cứu” - GS-TSKH Việt Hưng tâm sự.

Một điều trùng hợp, cả hai nhà khoa học đều rất khiêm tốn nói về mình, về công trình đoạt giải, nhưng cả hai đều rất tâm huyết với chất lượng các công trình nghiên cứu, công bố của nền khoa học Việt Nam. PGS-TS Nguyễn Bá Ân cho biết, nếu công trình đoạt giải của ông là sự ghi nhận quá trình nhiều năm liên tục làm khoa học một cách chuyên tâm, nghiêm túc và có nhiều bài báo đăng ở các tạp chí ISI (tức danh mục các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới), thì ông hoàn toàn yên tâm. “Nhưng giải thường này là dành cho một công trình xuất sắc. Là chất lượng. Không thể lấy số lượng và sự chuyên cần để bù vào được. Tất nhiên, thế nào là xuất sắc, và mức độ của xuất sắc, là rất khó xác định chính xác. Việc này ủy thác cho sự anh minh của Hội đồng thẩm định các cấp. Còn về công trình của tôi lần này, hơn ai hết, tôi biết nó chưa thật xuất sắc như mong muốn”, PGS-TS Nguyễn Bá Ân tâm sự. Ông cũng cho rằng, việc lấy chất lượng làm thước đo là vô cùng đúng đắn đối với sự phát triển khoa học. “Theo ngôn ngữ lượng tử, có thể liên tưởng tới hiệu ứng quang điện do Einstein phát minh năm 1905 và được giải Nobel năm 1921. Trong hiệu ứng này, quyết định là tần số của photon, là chất lượng, chứ không phải là cường độ, là số lượng. Có chiếu cả ngàn, cả tỷ hoặc tỷ tỷ photon có tần số thấp thì cũng chẳng nhằm nhò gì; điện tử chẳng thể bật ra, ampe kế không hề nhúc nhích và khán phòng này vẫn tối om. Nhưng, chỉ cần một photon có tần số vượt ngưỡng, hãy gọi là “photon xuất sắc” đi, thì điện tử sẽ bật ra, tạo thành dòng điện, làm cả khán phòng này bừng sáng!”, PGS-TS Nguyễn Bá Ân ví von.

TRẦN LƯU

Sự khiêm tốn của hai nhà khoa học có tầm ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục