Lê Quang Tuấn và giải thưởng quốc tế Atlas

Vượt qua hàng ngàn công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, Lê Quang Tuấn (28 tuổi, Quảng Ngãi, Việt Nam) vinh dự đoạt giải thưởng Atlas của nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới - Elsevier (Hà Lan).
Lê Quang Tuấn và giải thưởng quốc tế Atlas

Vượt qua hàng ngàn công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, Lê Quang Tuấn (28 tuổi, Quảng Ngãi, Việt Nam) vinh dự đoạt giải thưởng Atlas của nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới - Elsevier (Hà Lan).

Lê Quang Tuấn (ảnh) hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành quản lý dự án tại Trường ĐH Chung-Ang (Hàn Quốc). Tuấn là tác giả thứ nhất của công trình nghiên cứu “Hệ thống mạng xã hội chia sẻ thông tin về an toàn xã hội”.


Tuấn cho biết đây là một phần nhỏ trong luận văn tiến sĩ nghiên cứu về việc sử dụng công nghệ thông tin hiện đại trong lĩnh vực giáo dục an toàn lao động xây dựng. Công trình nghiên cứu “Hệ thống mạng xã hội chia sẻ thông tin về an toàn xã hội” được Tuấn thực hiện cùng với Lee Do Yeop, một nghiên cứu sinh tiến sĩ cùng trường, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Park Chan Sik (Trưởng khoa Kiến trúc Đại học Chung-Ang). Tuấn là một trong những người tiên phong trong ứng dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin đảm bảo an toàn lao động trên công trường xây dựng. “Trên thế giới hiện nay mỗi ngày có hàng ngàn người chết và bị thương trên công trình xây dựng. Tai nạn không chỉ gây tổn thất đối với gia đình người bị nạn mà đối với cả xã hội và trên toàn cầu”, Tuấn chia sẻ.

Cũng chính từ thực tế đáng báo động về sự mất an toàn trong lao động, cùng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Tuấn đã theo đuổi ý tưởng làm thế nào để công nhân ở mọi công trường có thể chia sẻ, nắm bắt thông tin nhằm đảm bảo an toàn lao động. Tuấn nói rằng: “Các nhà nghiên cứu trước đó thường nhấn mạnh sự cần thiết phải nắm bắt thông tin an toàn lao động hơn là chia sẻ, truyền tải thông tin đảm bảo an toàn lao động trong ngành công nghiệp xây dựng. Thông tin không được truyền tải tốt thì công nhân, kỹ sư, kể cả chủ đầu tư không biết tình trạng của xây dựng hiện nay dẫn đến tai nạn cứ lặp đi lặp lại”.

Điểm nhấn trong công trình nghiên cứu của Tuấn và cộng sự là đúng người, đúng địa chỉ và chia sẻ đúng thông tin người lao động cần biết.  “Việc chia sẻ thông tin có thể ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, giúp mọi người tránh được tai nạn dễ dàng hơn”, Tuấn nói. Nhà Xuất bản Elsevier cũng như các nhà khoa học trên thế giới bất ngờ trước công trình nghiên cứu của Lê Quang Tuấn và cộng sự. Đại diện của Elsevier nói, công trình nghiên cứu này có thể cứu sống hàng ngàn người và tiết kiệm hàng triệu USD.

Tuấn cho hay, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản mẫu và tiến hành điều tra, đánh giá trên các công trình xây dựng ở Hàn Quốc, qua đó cho thấy hiệu quả sử dụng tương đối cao. Ở các nước phát triển, việc sử dụng smartphone trên công trường rất phổ biến. Ở Việt Nam, công nhân sử dụng smartphone còn hạn chế. Tuy nhiên, Lê Quang Tuấn hy vọng trong tương lai không xa, giá các thiết bị di động ở Việt Nam sẽ không đắt. Nếu sử dụng nghiên cứu này trên chính quê hương là điều rất tuyệt vời”, Lê Quang Tuấn nói.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục