Khe hở

Kiểm tra tại 40 đơn vị buôn bán đồ chơi trên địa bàn TPHCM trong năm 2014, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM (thuộc Sở KH-CN TPHCM) phát hiện 14 mẫu sản phẩm có hàm lượng Pthalates vượt mức giới hạn cho phép, nhiều sản phẩm khác không đạt quy định về nhãn mác.

Theo đơn vị này, những quy định ràng buộc đối với đơn vị buôn bán sản phẩm này lỏng lẻo, tạo khe hở cho các sản phẩm kém chất lượng tồn tại trên thị trường.

Dạo qua các cửa hàng bán nhiều mặt hàng, sản phẩm đồ chơi trẻ em tại các quận 6, Tân Phú, Bình Thạnh, Tân Bình… nhận thấy có đến 90% đồ chơi bày bán được nhập từ Trung Quốc. Tuy những sản phẩm trước đây được các cơ quan chức năng khuyến cáo có Pthalates vượt mức giới hạn như thú nhún, búp bê đầu trái cây, bóng hơi… đã vắng bóng, nhưng một số sản phẩm khác có nhãn mác không rõ ràng, không có số hiệu của giấy chứng nhận hợp quy trên sản phẩm… Cho nên những sản phẩm, đồ chơi đó có hay không tồn tại Pthalates và các hóa chất độc hại khác vẫn là một dấu hỏi. Nguy hiểm hơn, đồ chơi trẻ em không có nhãn mác được bán khá phổ biến trong các quầy nhỏ lẻ tại các cổng trường học, các khu vui chơi. Những sản phẩm có màu sắc bắt mắt, giá rẻ nên thu hút số lượng lớn học sinh.

Theo cơ quan chức năng, chất Pthalates được sử dụng trong quá trình sản xuất nhằm làm dẻo sản phẩm. Đây là chất được xác định có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể con người. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên chất này đã được nhiều nước cấm dùng trong sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại chưa có số liệu về các giá trị gây độc hay lượng tối đa cho phép sử dụng Pthalates trong nhựa theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM, cho biết, hiện nay sản phẩm, đồ chơi trẻ em đa phần là nhập khẩu, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch (bao gồm cả hàng lậu, thẩm thấu qua biên giới). Đối với các loại đồ chơi trẻ em nhập khẩu, hiện không bắt buộc thể hiện số hiệu của giấy chứng nhận hợp quy lên dấu hợp quy, cũng như ngày, tháng sản xuất trên nhãn hàng hóa. Đây cũng là một khe hở tạo điều kiện cho hàng hóa không rõ nguồn gốc có thể trà trộn vào các lô hàng đã được chứng nhận hợp quy, bằng cách tự dán nhãn phụ hàng hóa và gắn dấu hợp quy nếu có cùng tên, mã hàng hóa. Năm vừa qua, chỉ tính riêng nhãn hàng hóa, chi cục đã kiểm tra 157 nhãn hàng hóa của các chủng loại đồ chơi trẻ em, có 23 nhãn có nội dung chưa phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Hà cho rằng, Bộ KH-CN cần bổ sung quy định hàm lượng chất Pthalates vào Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, siết quản lý về giấy chứng nhận hợp quy trên sản phẩm đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác và đề phòng, theo dõi thông tin cảnh báo từ các cơ quan chức năng đối với các sản phẩm, đồ chơi không đạt chất lượng.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục