Nghị định 115 của Chính phủ: Vì sao chậm triển khai?

Không chuyển đổi: sáp nhập, cắt kinh phí
Nghị định 115 của Chính phủ: Vì sao chậm triển khai?

Tại Hội nghị toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH-CN) công lập (theo Nghị định 115 của Chính phủ được ban hành 5-9-2005) là một chính sách được xem như “khoán 10” đối với lĩnh vực KH-CN, nhưng lại chậm được triển khai và đi vào đời sống. Vì sao? 

Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TPHCM là một trong những đơn vị KH-CN công lập hoạt động hiệu quả tại TPHCM. Ảnh: T.BA

Không chuyển đổi: sáp nhập, cắt kinh phí

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 115 với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho tổ chức KH-CN công lập, nhất là các quyền về thực hiện nhiệm vụ, tài chính và tài sản, tổ chức bộ máy, nhân lực, nhiều tổ chức KH-CN công lập đã chuyển đổi thành công, khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ khoa học.

Hiện 100% tổ chức KH-CN đã được tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ KH-CN. Một số tổ chức KH-CN có doanh thu năm 2014 từ các hợp đồng nghiên cứu triển khai và dịch vụ KH-CN như: Viện Dầu khí Việt Nam với 601 tỷ đồng, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp 712 tỷ đồng, Viện Nghiên cứu cơ khí 680 tỷ đồng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) 350 tỷ đồng...

Khi Nghị định 115 ra đời, rất nhiều nhà quản lý cũng như giới khoa học đều tin tưởng, đây là chính sách giống “khoán 10” của nông nghiệp trước đây đối với KH-CN, sẽ là đòn bẩy để KH-CN đất nước thực sự phát triển, đúng với tiềm năng vốn có. Mục tiêu đầu tiên của nghị định là hết năm 2010 sẽ chuyển đổi xong toàn bộ các tổ chức KH-CN công nghệ. Thế nhưng, đến cuối năm 2009, tình hình vẫn không khả quan nên Bộ KH-CN xin phép Chính phủ gia hạn đến hết năm 2013. Và đến nay, hơn một năm sau thời điểm cuối của gia hạn, 24% số tổ chức KH-CN công lập vẫn chưa chuyển được. Cụ thể, đến nay vẫn còn 154 tổ chức chưa được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Chính vì thế tại hội nghị, các nhà khoa học, nhà quản lý đều có ý kiến thống nhất, đối với 154 tổ chức KH-CN công lập (chiếm 24%) chưa chuyển đổi theo Nghị định 115, trong năm 2015 phải có đề án chuyển đổi phù hợp; nếu tổ chức nào không đủ điều kiện chuyển đổi thì cương quyết sáp nhập hoặc giải thể. Sau năm 2015, ngân sách nhà nước sẽ không tiếp tục cấp kinh phí hoạt động cho những tổ chức này.

Những hạn chế

 

* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, thực tế, tổng chi cho lĩnh vực KH-CN của Việt Nam không thấp so với nhiều nước ở cùng trình độ phát triển trên thế giới. Dù rằng chưa đạt mức 2% tổng chi thường xuyên, nhưng với nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng xã hội thì những thống kê chưa đầy đủ cho thấy tổng kinh phí dành cho các hoạt động KH-CN là hơn 1% GDP. Tuy nhiên, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi cần phải sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn lực này để tăng kinh phí, tăng số người làm KH-CN, đồng thời giảm tình trạng sử dụng kinh phí lãng phí, giảm số người vào bộ máy KH-CN nhưng không làm khoa học.

 

Bên cạnh mặt tích cực đạt được, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khiến Nghị định 115 vẫn chưa thực sự đi vào đời sống và tạo cú hích mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, phát triển KH-CN đất nước.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho rằng, khó khăn lớn nhất là nhận thức và ý chí hành động từ người đứng đầu các tổ chức KH-CN đến lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương chưa đúng đắn, đầy đủ, thiếu quyết liệt, nghiêm túc trong triển khai. Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học tại hội nghị. Đến thời điểm hiện nay, một số bộ ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt xong đề án thực hiện tự chủ của các tổ chức KH-CN công lập trực thuộc, thậm chí có địa phương chưa phê duyệt được đề án nào, như Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nam, Khánh Hòa, Lai Châu... Nhiều bộ ngành còn chậm trễ trong ban hành, sửa đổi các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 115, nhất là về chế độ, định mức tài chính; cơ cấu bộ máy theo đặc thù tổ chức KH-CN tự chủ… Đây là nguyên nhân khiến rất ít tổ chức KH-CN được giao quyền tự chủ thực sự về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực và liên kết, hợp tác quốc tế, nhất là ở các địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong KH-CN theo Nghị định 115 không phải là để giảm chi cho hoạt động KH-CN mà để giảm sự lãng phí trong hoạt động KH-CN và nâng chất lượng hoạt động KH-CN phát triển đi lên, khắc phục những bất cập trong hoạt động KH-CN đã tồn tại một thời gian dài của cơ chế bao cấp. Nghị định 115 đã ban hành được 10 năm, nhưng kết quả chuyển đổi vẫn còn chậm. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, các địa phương cần phải khẩn trương, quyết liệt và đến cuối năm 2015 phải thực hiện xong việc chuyển đổi. Nếu tổ chức nào không chuyển đổi thì sẽ ngừng cấp kinh phí hoạt động; xem đó là điều bắt buộc, không trì hoãn nữa để các tổ chức chưa chuyển đổi phải chuyển đổi theo Nghị định 115. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ KH-CN chủ trì, cùng với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Viện Hàn lâm KH-CN và Viện Hàn lâm KH-XH nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các văn bản tháo gỡ những vấn đề đang vướng mắc dưới luật hiện nay. Trong năm 2015 này, nếu được thì sẽ ban hành một nghị định mới, tiến bộ hơn với đầy đủ các thông tư hướng dẫn cần thiết.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục