Khẳng định vị thế đầu tàu

Hội nghị giao ban khoa học công nghệ (KH-CN) vùng Đông Nam bộ lần thứ 18 vừa diễn ra tại Đồng Nai đã tái khẳng định: Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hội tụ nhiều lợi thế phát triển mạnh các ngành công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ điện tử - tự động hóa; đồng thời cũng là vùng tập trung nhiều cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học và nhân lực dồi dào. Do đó, vùng có nhiều điều kiện trở thành đầu tàu của cả nước ở một số lĩnh vực quan trọng, trong đó có KH-CN.
Khẳng định vị thế đầu tàu

Hội nghị giao ban khoa học công nghệ (KH-CN) vùng Đông Nam bộ lần thứ 18 vừa diễn ra tại Đồng Nai đã tái khẳng định: Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hội tụ nhiều lợi thế phát triển mạnh các ngành công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ điện tử - tự động hóa; đồng thời cũng là vùng tập trung nhiều cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học và nhân lực dồi dào. Do đó, vùng có nhiều điều kiện trở thành đầu tàu của cả nước ở một số lĩnh vực quan trọng, trong đó có KH-CN.

Đòn bẩy chính sách

Nâng cao được năng suất, chất lượng sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Muốn thế, mỗi DN phải chủ động đổi mới toàn diện từ việc thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại, áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến đến nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng đối với DN vừa và nhỏ trong khu vực, nhất là trong điều kiện một số chính sách hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương đang vượt tầm với.

Vì lẽ đó, giữa năm 2014, tỉnh Bình Thuận mạnh dạn đổi mới chương trình KH-CN hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đề án tập trung hỗ trợ toàn diện trên cả 9 lĩnh vực, từ hỗ trợ thông tin, bảo hộ tài sản trí tuệ… cho đến công nghệ sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường sống. Chỉ trong thời gian ngắn, chương trình đã hỗ trợ cho 36 lượt DN với nguồn kinh phí hỗ trợ gần 3 tỷ đồng. Đáng chú ý, các DN sau khi nhận hỗ trợ đã lần lượt đạt các chứng chỉ ISO về quản lý chất lượng, qua đó sản phẩm, hàng hóa được người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng.

Doanh nghiệp của TPHCM trình diễn máy lọc nước tại Chợ Công nghệ, thiết bị vùng Đông Nam bộ - Techmart Đồng Nai 2015.

Cũng mạnh dạn đề xuất cơ chế mới, TPHCM là địa phương tiên phong ban hành quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia KH-CN vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học. Còn Đồng Nai sớm ban hành cơ chế tài chính, cơ chế quản lý đặc thù cho Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh, đưa công nghệ sinh học trở thành thế mạnh của địa phương…

Qua đó, Bộ KH-CN nhận định giai đoạn 2011 - 2015 được coi là bản lề với hàng loạt các chủ trương, chính sách mới được triển khai tại 7 tỉnh, thành trong vùng. Chính tư duy quản lý đổi mới đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KH-CN, trong đó có hoạt động nghiên cứu triển khai và ứng dụng KH-CN. Các sản phẩm nghiên cứu đã gắn kết nhiều hơn với sản xuất và đời sống, nhu cầu xã hội. Trong giai đoạn này, toàn vùng đã có gần 900 đề tài, dự án thuộc tất cả các lĩnh vực được triển khai, tiếp tục là khu vực dẫn đầu cả nước về khả năng ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Kết quả này góp phần quan trọng đưa Đông Nam bộ trở thành vùng kinh tế chủ lực, chiếm khoảng 49% tổng kim ngạch xuất khẩu và khoảng 46% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.

Tập trung đổi mới công nghệ

Tuy nhiên, tại Hội nghị giao ban vùng Đông Nam bộ, đại diện Sở KH-CN các địa phương đều trăn trở trước sự thụ động của các DN đối với hoạt động đổi mới công nghệ. Theo thống kê của Bộ KH-CN, DN Việt Nam hiện chỉ dành khoảng 0,4% doanh thu hàng năm cho công tác này. Trong khi đó tại Hàn Quốc, con số này chiếm 10% doanh thu của DN. Đáng lo nhất, DN có trình độ công nghệ lạc hậu lại đang tập trung nhiều hơn ở khối DN nhà nước. Như lẽ tất yếu, việc chậm đổi mới công nghệ khiến năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Singapore.  

Trong khi DN thụ động, thì các chính sách hỗ trợ DN vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN Đồng Nai cho biết, lũy kế trong 4 năm (2010 - 2014) tỉnh chỉ mới hỗ trợ được 224 DN. Gồm xây dựng áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một số ít nghiên cứu đổi mới công nghệ. Tương tự, Bình Dương chỉ hỗ trợ được 4 DN. Các tỉnh còn lại hầu như không kêu gọi được DN tham gia. Một đại diện DN cho biết, khi nghe giới thiệu, tư vấn thì hào hứng đăng ký. Nhưng tham gia rồi mới thấy thủ tục nhiêu khê, rườm rà nên nản lòng, bỏ cuộc.

Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh khẳng định chủ trương phát triển KH-CN của bộ trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ theo hướng tinh gọn, tập trung vào chương trình chủ chốt về chất lượng với phương châm lấy DN làm trọng tâm để tăng kinh phí cho các chương trình còn lại. Đặc biệt chú ý đến tăng cường nâng cao nhận thức của DN về đổi mới công nghệ, cho đến triển khai KH-CN trong DN. Bắt buộc các DN sử dụng vốn nhà nước phải trích lập Quỹ phát triển KH-CN. Bên cạnh đó, giao các cơ quan quản lý nhà nước về KH-CN phải phối hợp chặt chẽ với DN để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai, đổi mới công nghệ.

Thứ Trưởng Trần Việt Thanh cũng khẳng định, so với các địa phương trong vùng, TPHCM và Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, chủ trương của bộ sẽ xây dựng 2 địa phương này trở thành các trung tâm KH-CN đầu tàu, đủ năng lực sáng tạo và vận dụng thành tựu KH-CN, dẫn dắt làm cầu nối chuyển giao cho các địa phương trong vùng và cả nước.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục