Giải pháp có, vẫn khó triển khai

Giải pháp có, vẫn khó triển khai

Lắp đặt thiết bị định vị nguồn phóng xạ

Hai hộp định vị phóng xạ đầu tiên vừa được Sở KH-CN TPHCM cùng Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch - ĐH Quốc gia TPHCM (ICDREC) lắp đặt thử nghiệm thành công. Dự kiến trong đầu tháng 5 sẽ có thêm 124 nguồn phóng xạ di động khác được gắn thiết bị theo dõi này. Dù vậy, cho đến nay, khúc mắc lớn nhất vẫn nằm ở phía các doanh nghiệp sở hữu nguồn phóng xạ.

Lắp đặt thiết bị định vị phóng xạ tại Công ty Apave.

Sản xuất hàng loạt

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm ICDREC, cho biết sau hơn 1 tuần lắp đặt thiết bị và theo dõi, kết quả thu được rất khả quan. Cụ thể, thiết bị đều đặn gửi về server trung tâm dữ liệu lộ trình dịch chuyển của nguồn phóng xạ; quá trình tháo lắp thử nghiệm liên tục của các kỹ thuật viên cũng được thiết bị gửi thông báo về chính xác và kịp thời... Như vậy, từ cơ sở này, dự kiến vào đầu tuần sau, các kỹ sư của trung tâm sẽ tập trung toàn lực để sản xuất, bất kể những ngày nghỉ lễ cận kề, để đến ngày 10-5, đồng loạt 200 bộ thiết bị định vị nguồn phóng xạ có thể sản xuất xong, sẵn sàng phục vụ công tác lắp đặt.

Cũng theo ông Hoàng, khi đi vào sản xuất hàng loạt sẽ không gặp trở ngại. Hiện các linh kiện điện tử phổ biến và có sẵn trong nước, trong khi con chip SG8V1 được sử dụng trên hộp định vị, đã được ICDREC nghiên cứu và làm chủ công nghệ. So với sản phẩm của nước ngoài cùng tính năng và chất lượng (có giá chừng 1.200 - 1.500 USD/sản phẩm), giá sản phẩm do ICDREC sản xuất chỉ bằng 1/5 (gần 300 USD/sản phẩm). Nếu sản xuất với số lượng lớn, giá thành còn có thể rẻ hơn.

Tuy nhiên, tại buổi họp giữa Sở KH-CN TPHCM và ICDREC mới đây, hai đơn vị vẫn lo lắng về khả năng hợp tác của các doanh nghiệp sở hữu nguồn phóng xạ. Bởi hiện nay, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBX-HN) mới là đơn vị đủ thẩm quyền cấp phép và quản lý các đơn vị sở hữu nguồn phóng xạ hoạt độ cao, trong đó có nguồn phóng xạ di động. Mặt khác, cho đến nay, chưa có quy định nào bắt buộc các doanh nghiệp phải lắp đặt thiết bị định vị để theo dõi. Thông tư 23 sửa đổi có quy định này, nhưng hiện vẫn còn đang trong quá trình dự thảo, xin ý kiến các bộ, ngành. Chính vì vậy, Sở KH-CN TPHCM cho biết sẽ đề xuất UBND TPHCM có biện pháp hỗ trợ, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác lắp đặt thiết bị định vị.

Chờ liên thông toàn quốc

Đại diện ICDREC cũng cho biết, ngay sau khi TPHCM lắp đặt thử nghiệm, một số tổ chức và đơn vị đã liên hệ đề xuất mua sản phẩm như Đồng Nai, Lâm Đồng, Vietsovpetro, Công ty Phateco, Công ty NEAD... Ông Ngô Đức Hoàng nhận định đây là tín hiệu lạc quan, bởi việc quản lý thiết bị phóng xạ chỉ thực sự hiệu quả một khi được thực hiện đồng loạt trên cả nước. Trong đó, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBX-HN) phải “luật hóa” chủ trương và chủ trì thực hiện.

Theo thống kê của Cục ATBX-HN, tính đến nay, có 24 cơ sở bức xạ có nguồn phóng xạ hoạt độ cao (trên 1000 Ci) đã được trang bị hệ thống an ninh hiện đại, đã và đang xây dựng kế hoạch an ninh tại cơ sở nhằm đảm bảo quy trình vận hành hệ thống an ninh, chống lại sự xâm nhập trái phép, bảo vệ nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, hiện có 56 cơ sở chụp ảnh phóng xạ trong công nghiệp (NDT) và cơ sở thăm dò giếng khoan với các loại nguồn như Ir-192, Co-60, Cs-137, Se-75... cần được quan tâm đặc biệt vì tính chất di chuyển nhiều, sử dụng trong các môi trường (công trường, nhà máy ...) khó bảo đảm an ninh.

Sau hai sự cố vừa xảy ra tại Vũng Tàu và trước đó là TPHCM, cho thấy trách nhiệm đối với các sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ chủ yếu do nhận thức, sự quan tâm và đầu tư còn thấp cho công tác bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ của các cơ sở sử dụng. Chính vì vậy, Bộ KH-CN đã yêu cầu Cục ATBX-HN lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 23 và xây dựng các yêu cầu kỹ thuật cụ thể của hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ. Hiện tại, cục đã tiếp nhận đăng ký của 3 đơn vị ở trong nước có khả năng cung cấp hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ, gồm: Viện Hóa học và Môi trường quân đội; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và ICDREC.

Sau khi Thông tư 23 được sửa đổi thì các tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép sử dụng các nguồn phóng xạ hoạt độ cao di động phải có thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ, còn đối với các cơ sở đã được cấp phép trước ngày Thông tư 23 sửa đổi có hiệu lực thì trong vòng 6 tháng phải có trách nhiệm lắp đặt thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ.

Như vậy, chỉ khi Thông tư 23 sửa đổi đi vào thực tế thì các nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm cao thuộc loại I, loại II và loại III ở Việt Nam mới được quản lý bảo đảm theo quy định.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục