Gỡ nút thắt đầu tư khoa học - công nghệ

Nghịch lý vốn đầu tư
Gỡ nút thắt đầu tư khoa học - công nghệ

TPHCM chi ngân sách dành cho khoa học - công nghệ (KH-CN) lớn nhất cả nước và hầu như không hạn chế về kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, quy trình giải ngân vẫn tồn tại những nút thắt, khiến ngân sách nhà nước dành cho KH-CN chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Mới đây, tại buổi làm việc giữa Sở KH-CN TPHCM và Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân TP, những số liệu thống kê càng minh chứng rõ hơn nhận định này.

Cần đổi mới cơ chế quản lý kinh phí đầu tư để hoạt động nghiên cứu khoa học phát huy hiệu quả

Nghịch lý vốn đầu tư

Luật KH-CN năm 2013 quy định, chi cho KH-CN hàng năm đạt 2% tổng chi ngân sách hàng năm của một địa phương. Tại TPHCM, theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Trưởng phòng Hành chính sự nghiệp Sở Tài chính, tổng chi cho KH-CN của thành phố trong năm 2013 hơn 1.315 tỷ đồng, năm 2014 hơn 1.746 tỷ đồng, năm 2015 bố trí dự toán chi hơn 1.341 tỷ đồng và dự tính đến cuối năm 2015 sẽ còn bố trí thêm. Tính theo tỷ lệ, kinh phí dành cho KH-CN của TPHCM trong năm 2013 là 2,44% tổng chi ngân sách, năm 2014 là 4,16% và năm 2015 dự toán chi là 2,46%.

So với mức chi được quy định, TPHCM được đánh giá là địa phương dành ngân sách cho KH-CN cao nhất cả nước và được tăng đều qua từng năm. Tuy nhiên, ngân sách này đang bị phân tán và hầu như chưa năm nào giải ngân hết. Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết, mỗi năm sở chỉ thực nhận hơn 300 tỷ đồng, trong đó số chi thực tế dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ hơn 100 tỷ đồng/năm. Như năm 2015, chi cho nghiên cứu thông qua Sở KH-CN đã được duyệt 104 tỷ đồng. “Sở đang triển khai 21 chương trình nghiên cứu của thành phố. Với kinh phí được duyệt như hiện nay, trung bình mỗi chương trình khoảng 5 tỷ đồng, khó giải quyết được các yêu cầu của KH-CN thành phố”, ông Dũng giải thích.

Nhưng mặt khác, đại diện Sở KH-CN cũng đưa ra thực trạng: Kinh phí hàng năm tuy ít nhưng luôn không được giải ngân hết. Năm 2014, sở đã giải ngân hơn 121 tỷ đồng trong tổng số trên 132 tỷ đồng mà thành phố đã đồng ý chi cho nghiên cứu KH-CN (cấp cho 250 dự án, đề tài nghiên cứu khoa học). Đây được đánh giá là năm giải ngân được nhiều nhất trong những năm qua, hơn 90%. Trước đó, trong năm 2013 chỉ giải ngân hơn 25 tỷ đồng trong tổng số 80 tỷ đồng; năm 2012 chỉ giải ngân hơn 45 tỷ đồng trong tổng số 83 tỷ đồng được duyệt.

Vướng mắc từ đâu?

Đánh giá ngành KH-CN TPHCM giai đoạn 2011-2014, Sở KH-CN cho biết thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thị trường KH-CN đã có những chuyển biến tích cực, đạt tốc độ tăng trưởng gần 17%, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn trước. Sự khởi sắc của KH-CN đã góp phần tích cực cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy, các đóng góp của KH-CN vào tình hình phát triển chung kinh tế TP vẫn còn nhiều hạn chế. Mà nguyên nhân trước tiên vẫn xuất phát từ nguồn kinh phí đầu tư cho KH-CN còn ít và chưa được sử dụng đạt hiệu quả tối đa. Giám đốc Sở KH-CN hiện có quyền cấp phép kinh phí cho nghiên cứu đạt mức 600 triệu đồng/đề tài. Theo nhận định của các nhà khoa học, đây không phải là con số lớn nếu đó là những đề tài nghiên cứu mang tính thời sự hoặc đề tài giải quyết những vấn đề lớn của TP. Còn lại, kinh phí cấp cho các dạng đề tài nghiên cứu khác là không nhiều.

Ngay cả khi đã được phê duyệt, thì thời gian chờ đợi giải ngân cứ dài “đằng đẵng”. Nhà khoa học phải “nói dối”, “khai khống” chứng từ hóa đơn để được quyết toán, còn cấp quản lý biết nhưng đành làm ngơ. Các đề tài nghiên cứu đôi khi phải kéo dài nhiều năm, nhưng kinh phí duyệt chi lại thực hiện theo từng năm. Và có khi, kinh phí đến tay các nhà khoa học thì đề tài đã mất đi tính thời sự và không thể giải ngân tiếp được. 

Các nhà quản lý khoa học cho rằng, nên thực hiện áp dụng cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KH-CN cuối cùng, giao quyền chủ động tối đa cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH-CN trong sử dụng kinh phí. Nhà nước chủ động mua kết quả nghiên cứu KH-CN. Hoặc thay vì cấp kinh phí trực tiếp thì việc đặt hàng nghiên cứu KH-CN là giải pháp tối ưu, không chỉ giải quyết khâu tìm đề tài phù hợp cho các nhà khoa học mà còn bảo đảm kinh phí đầu tư có hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, giảm thiểu lãng phí.

Không nên chi tràn lan

“Ngoài Sở KH-CN TP được cung cấp kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, các đơn vị Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu phát triển… cũng được Sở Tài chính cấp tiền nghiên cứu KH-CN. Sở KH-CN không phải là đơn vị nghiên cứu nhưng là đơn vị quản lý về KH-CN của TPHCM, do đó các khoản chi cho KH-CN từ ngân sách nên thông qua sở chuyên môn để biết có phải đúng với định hướng phát triển của thành phố hay không, chứ không nên để tràn lan như thời gian qua”, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng đề nghị.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục